Đừng chủ quan với tín hiệu “kêu cứu” của dạ dày

Nguyễn Hạnh (thực hiện) |

Bệnh đau dạ dày là một trong những căn bệnh phổ biến nhất về đường tiêu hóa, có thể nhận biết thông qua các “tín hiệu” bên ngoài của cơ thể. Vậy những tín hiệu này quan trọng thế nào?

Cách nhận biết ra sao và các ứng phó thích hợp?... Để tìm câu trả lời cho những vấn đề này phóng viên báo Sức khỏe & Đời sống đã có cuộc trao đổi với TS.BS. Dương Trọng Hiền, Trưởng khoa phẫu thuật ổ bụng, Bệnh viện hữu nghị Hữu nghị Việt Đức.

Đừng chủ quan với tín hiệu “kêu cứu” của dạ dày - Ảnh 1.

TS.BS. Dương Trọng Hiền, Trưởng khoa phẫu thuật ổ bụng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Phóng viên (PV): Xin TS. cho biết các dấu hiệu điển hình khi dạ dày “không khỏe”?

TS.BS. Dương Trọng Hiền: Dấu hiệu đầu tiên của bệnh lý dạ dày là đau. Thường đau ở vùng thượng vị, có thể đau âm ỉ hoặc quặn thành cơn, đau có thể liên quan tới bữa ăn (đói-đau, no-đau), đau có thể liên quan tới một số loại thức ăn hoặc đồ uống và liên quan tới mùa như mùa đông thường đau hơn mùa hè...

Các triệu chứng khác cũng thường gặp như cảm giác đầy bụng, khó tiêu, ợ hơi, ợ nóng, ợ chua... đặc biệt là ở một số bệnh lý hay gặp như viêm loét dạ dày tá tràng hoặc trào ngược dạ dày thực quản.

PV: Vì sao đau dạ dày cần xử lý sớm, thưa TS.?

TS.BS. Dương Trọng Hiền: Đau dạ dày là biểu hiện của nhiều bệnh lý: Viêm dạ dày cấp, viêm loét dạ dày cấp hoặc mạn tính, ung thư dạ dày, có tổn thương thứ phát ở dạ dày-tá tràng... Nếu có biểu hiện đau vùng thượng vị, ợ hơi, ợ chua, bệnh nhân nên đi khám để xác định có tổn thương thực thể hay không.

Mặc dù có thể đây là một rối loạn về chức năng nhưng cũng có thể là biểu hiện sớm của bệnh viêm loét dạ dày-tá tràng, nhiễm vi khuẩn HP, ung thư sớm hoặc muộn... Đừng chủ quan với các tín hiệu “kêu cứu” của dạ dày. Hãy đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời các bệnh về dạ dày. Việc phát hiện sớm sẽ giúp bệnh nhân được điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm không đáng có.

PV: Hiện nay chúng ta đã áp dụng những phương pháp chẩn đoán nào, thưa TS.?

TS.BS. Dương Trọng Hiền: Đầu tiên vẫn là thăm khám và hỏi bệnh. Phương pháp cơ bản này sẽ giúp các thầy thuốc biết khởi phát bệnh, tiến triển bệnh thế nào và người bệnh phơi nhiễm với các yếu tố nào...

Bởi nguyên nhân gây ra bệnh ở dạ dày có rất nhiều: Ăn uống, sinh hoạt, stress, mất ngủ, lo âu, trầm cảm, do dùng thuốc (như thuốc aspirin, thuốc điều trị khớp, thậm chí cả thuốc đông y), những bệnh nhân có tiền sử gia đình mắc bệnh dạ dày như (ung thư dạ dày, hay đã từng nhiễm vi khuẩn HP gây viêm dạ dày mạn tính hoặc có loạn sản, dị sản niêm mạc dạ dày...).

Nhờ đó, thầy thuốc sẽ loại trừ đau dạ dày với các nguyên nhân khác. Nhưng hiện nay, tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán tổn thương dạ dày tá tràng là nội soi dạ dày.

PV: Xin TS. cho biết ưu, nhược điểm của phương pháp nội soi này?

TS.BS. Dương Trọng Hiền: Ưu điểm: Nội soi dạ dày được đánh giá là phương pháp tốt nhất giúp phát hiện các tổn thương bên trong lòng dạ dày, đặc biệt có giá trị trong chẩn đoán viêm loét dạ dày tá tràng và ung thư.

Phương pháp này hiện đã được sử dụng rộng rãi. Nội soi dạ dày là một thăm dò bằng chẩn đoán hình ảnh có xâm nhập bằng cách dùng một ống soi mềm để quan sát thực quản, dạ dày, hành tá tràng và tá tràng.

Nội soi dạ dày giúp phát hiện những tổn thương nhỏ và sớm, ở vị trí khó tìm nhất. Nội soi dạ dày là một tiêu chuẩn vàng để kiểm tra và phát hiện các tổn thương trên niêm mạc hoặc dưới niêm mạc, bề mặt dạ dày và tá tràng. Do vậy, thầy thuốc có thể quan sát trực tiếp, chụp ảnh ghi hình lại các tổn thương ở dạ dày.

Ngoài ra, có thể làm tăng độ phát hiện bệnh bằng các phương pháp hiện đại: Các máy nội soi có thể nhuộm màu niêm mạc, phóng đại lên gấp nhiều lần để quan sát tổn thương.

Nhờ nội soi, thầy thuốc có thể lấy niêm mạc tìm vi khuẩn HP, sinh thiết niêm mạc để xác định các tổn thương như dị sản, loạn sản ở dạ dày tá tràng, xác định các tổn thương do ung thư, hoặc tiến hành các thủ thuật như tiến hành cắt các polyp, trong trường hợp loét chảy máu có thể phối hợp điều trị bằng tiêm cầm máu, đốt điện hoặc cặp clip những tổn thương chảy máu.

Ngoài ra, nội soi có thể kết hợp với đầu rò siêu âm nội soi để đánh giá mức độ xâm lấn của tổn thương trong trường hợp ung thư dạ dày tá tràng, ung thư bóng vater, ung thư vùng đầu tụy.

Nhược điểm: Đây là thủ thuật xâm nhập nên đòi hỏi bệnh nhân phải được chuẩn bị trước về tâm lý, nhịn ăn uống. Với các bệnh nhân nhạy cảm thì phải gây mê để bệnh nhân không bị ảnh hưởng về tâm lý cũng như không có phản xạ bất thường, giúp cho quá trình thực hiện thủ thuật thuận lợi. Sau thủ thuật xâm nhập, bệnh nhân có những khó chịu nhất định vùng hầu họng...

PV: Xin TS. cho biết những trường hợp nào cần thực hiện nội soi dạ dày?

TS.BS. Dương Trọng Hiền: Nội soi dạ dày sẽ giúp chẩn đoán nhanh và chính xác nhất tình trạng tại dạ dày tá tràng. Đồng thời, giúp người bệnh điều trị sớm và đúng cách các nguy cơ gây tổn thương mạn tính có thể dẫn tới viêm loét dạ dày tá tràng và có các hậu quả như xuất huyết tiêu hóa, thủng ổ loét, hẹp môn vị hay ung thư dạ dày.

Các trường hợp cần thực hiện nội soi dạ dày: Người đang theo dõi điều trị bệnh lý dạ dày tá tràng; tầm soát phát hiện sớm viêm loét hay ung thư dạ dày tá tràng; người bị bệnh đa polyp ở ống tiêu hóa có yếu tố gia đình; chán ăn, cân nặng giảm bất thường trong thời gian dài; đau tức vùng ngực (không do bệnh tim mạch) hoặc đau thượng vị kèm theo bị nôn ói, ợ hơi, cảm giác khó tiêu...

Ngoài ra, những bệnh nhân mà có yếu tố nguy cơ cao như có tiền sử gia đình ung thư dạ dày, đã có những tổn thương trước đó (viêm dạ dày mạn tính, viêm loét có nguy cơ tăng tần suất ung thư...) nên đi sàng lọc để phát hiện tổn thương không lành tính.

Đừng chủ quan với tín hiệu “kêu cứu” của dạ dày - Ảnh 2.

Nội soi dạ dày giúp phát hiện những tổn thương nhỏ và sớm, giúp điều trị kịp thời.

PV: Để thực hiện nội soi, người bệnh cần chuẩn bị những gì?

TS.BS. Dương Trọng Hiền: Bệnh nhân thông thường nếu khỏe mạnh thì việc nội soi cũng tương đối thuận tiện. Bệnh nhân chỉ cần nhịn ăn trước 12 giờ, làm vệ sinh răng miệng. Bác sĩ sẽ giải thích toàn bộ quá trình thực hiện thủ thuật cho người bệnh, sau đó tiến hành gây tê vùng hầu họng hoặc gây mê tĩnh mạch và tiến hành soi dạ dày tá tràng.

Những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ cao như tiền sử gia đình ung thư dạ dày, đã có những tổn thương trước đó (viêm dạ dày mạn tính, viêm loét có nguy cơ tăng tần suất ung thư...) nên đi sàng lọc để phát hiện tổn thương không lành tính.

Nọi soi dạ dày mất khoảng 15 phút. Một số bệnh nhân trước khi nội soi phải làm giảm các phản xạ vùng hầu họng, như xịt các thuốc tê vùng hầu họng để làm giảm cảm giác ở vùng hầu họng giúp việc đưa ống nội soi vào dễ dàng hơn.

Sau khi làm thủ thuật, bệnh nhân sẽ có cảm giác khó chịu do dùng thuốc gây tê vùng hầu họng. Một số bệnh nhân nhạy cảm, ảnh hưởng tâm lý có thể dùng thuốc gây mê đường tĩnh mạch có tác dụng ngắn trong vòng 15-20 phút trong quá trình nội soi với độ an toàn cao.

Với trường hợp bệnh nhân có các bệnh lý mạn tính như có vấn đề về hô hấp, tim mạch hoặc đái tháo đường... thì cần được khám nội khoa, làm các xét nghiệm để đánh giá chức năng tim phổi và tình trạng bệnh lý gan, thận, đái tháo đường... để đảm bảo nội soi an toàn cho người bệnh.

PV: Theo TS. đâu là cách phòng tránh nguy cơ mắc bệnh về dạ dày?

TS.BS. Dương Trọng Hiền: Để không mắc các bệnh về dạ dày nên tránh:

Ăn các thức ăn có nhiều muối hoặc thức ăn hun khói, chế độ ăn ít rau và hoa quả. Chế độ ăn này sẽ làm tăng tình trạng viêm dạ dày, gây viêm mạn tính niêm mạc dạ dày và cũng là tiền đề tạo các tổn thương loạn sản hoặc dị sản, ung thư ở dạ dày.

Tránh sử dụng sử dụng rượu, bia, đồ uống kích thích (cà phê), thuốc lá... Bởi có thể gây nên các đợt viêm dạ dày cấp và đặc biệt, thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ ung thư.

Sinh hoạt: Stress do công việc, mất ngủ là những yếu tố nguy cơ cao làm gia tăng bệnh lý về dạ dày tá tràng, cần tránh.

Những bệnh nhân có sử dụng các loại thuốc ảnh hưởng đến niêm mạc dạ dày (các thuốc giảm đau chống viêm NSAID, thuốc điều trị bệnh tim mạch, thuốc điều trị bệnh khớp) là những đối tượng có nhiều nguy cơ mắc bệnh ở dạ dày tá tràng... cần được theo dõi để sàng lọc.

Những bệnh nhân có viêm dạ dày do vi khuẩn HP, viêm dạ dày mạn tính, polyp dạ dày hoặc bệnh nhân có thiếu máu do rối loạn hấp thu vitamin B12 đều cần được thăm khám và theo dõi sát.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn TS.!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại