Mới đây, trong một hội nghị trực tuyến của phe đối lập Belarus và các đối tác quốc tế, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã công bố "kế hoạch hành động" trị giá 21 triệu Euro (tương đương 25,3 triệu USD) nhằm hỗ trợ cho nhóm của thủ lĩnh đối lập Belarus Svetlana Tikhanovskaya, hãng thông tấn RT (Nga) đưa tin.
Cụ thể, ông Maas hôm 6/2 vừa qua đã chia sẻ về kế hoạch này tại hội nghị "Đoàn kết Belarus" -- một diễn đàn của cộng đồng người Belarus sống lưu vong ở nước ngoài, các nhóm ủng hộ phe đối lập và các đối tác quốc tế. Hội nghị này cũng có sự góp mặt của bà Tikhanovskaya và một số nhà lập pháp, chuyên gia của Nghị viện châu Âu.
Theo RT, Ngoại trưởng Đức Maas là một trong những diễn giả cấp cao nhất, có tầm ảnh hưởng quốc tế lớn nhất tại sự kiện này.
RT bình luận, tuyên bố của ông Maas dường như là một phần trong nỗ lực củng cố hình ảnh lãnh đạo châu Âu của Berlin.
"Thần đèn của nền dân chủ đã thoát ra ngoài. Không có cách nào để đưa ông thần này trở lại chỗ cũ", Ngoại trưởng Maas tuyên bố trong hội nghị, cùng với đó là lời cam kết sẽ hỗ trợ hàng triệu Euro cho phe đối lập Belarus.
"Kế hoạch hành động" này bao gồm khoản tiền học bổng dành cho các sinh viên đuổi học vì tham gia biểu tình, cùng với đó là hỗ trợ tài chính cho các "phương tiện truyền thông độc lập" và "hỗ trợ tâm lý" cho những đối tượng bị ảnh hưởng.
Ông Maas cho biết, Berlin cũng dự định sẽ thiết lập một cơ chế theo dõi đặc biệt để thu thập bằng chứng về tất cả những người bị cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Belarus. "Rồi sẽ đến một ngày họ phải chịu trách nhiệm", người đứng đầu Bộ Ngoại giao Đức khẳng định với thủ lĩnh đối lập Belarus rằng "nước Đức và Liên minh Châu Âu" đứng về phía bà này.
"Kế hoạch hành động" này cũng đã được Thủ tướng Đức Angela Merkel xác nhận vào cùng ngày. "Đức vàEU sẽ đưa những người phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm nhân quyền ra trước pháp luật", bà Merkel nhấn mạnh.
Biểu tình ở Belarus hồi tháng 8/2020. Ảnh: AP
Các cuộc biểu tình "rung chuyển" Belarus
Tháng 8/2020, hàng loạt các cuộc biểu tình và đình công đã rung chuyển Belarus sau khi Tổng thống Alexander Lukashenko tuyên bố tái đắc cử lần thứ 6. Phe đối lập và nhiều nhà quan sát quốc tế sau đó đã cáo buộc rằng kết quả bỏ phiếu bị gian lận, và hàng trăm nghìn người đã xuống đường biểu tình. Đến nay, các cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn ở quy mô nhỏ hơn.
Tổng thống Lukashenko đã bác bỏ tất cả các cáo buộc liên quan đến kết quả bầu cử, đồng thời nói rằng đám đông biểu tình toàn là "những con rối" phương Tây. Mặc dù vậy, ông Lukashenko cũng đã có lời hứa sẽ lùi bước sau khi Hiến pháp mới của Belarus được thông qua.
Ngày 2/10/2020, EU đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân liên quan đến cáo buộc đàn áp người dân và gian lận bầu cử. Vào tháng 1 vừa qua, Belarus cũng đã bị tước quyền đồng tổ chức Giải vô địch thế giới IIHF của nam năm 2021, sau áp lực từ các nhà hoạt động và các nhà tài trợ giải đấu.
Tuy nhiên, quan hệ chính trị căng thẳng không hề ngăn EU đạt được các thỏa thuận với Belarus. Vào tháng 10/2020, có thông tin tiết lộ rằng phía Minsk đã đặt mua 15 máy bay không người lái làm nhiệm vụ giám sát, có giá lên đến gần 900.000 USD.
Trước đó, trong cuộc họp báo cuối năm 2020, Tổng thống Nga Vladimir Putin từng cảnh báo rằng có "bàn tay" của nước ngoài trong các cuộc biểu tình ở Belarus, theo RT.