Bộ Quốc phòng Hàn Quốc và Trung Quốc vừa nhất trí phát triển mối quan hệ an ninh song phương nhằm đảm bảo sự ổn định ở khu vực Đông Bắc Á. Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy liên minh lâu đời của Washington trong khu vực đang lung lay.
Bên lề các cuộc đàm phán an ninh khu vực ở thủ đô Bangkok hồi cuối tuần vừa rồi, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo và người đồng cấp Trung Quốc Wei Fenghe đã nhất trí thiết lập thêm các đường dây nóng quân sự và xúc tiến chuyến thăm của Bộ trưởng Jeong đến Trung Quốc vào năm tới nhằm “tăng cường các cuộc trao đổi cũng như hợp tác quốc phòng song phương”, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết.
Thông báo trên được Seoul đưa ra trùng thời điểm với việc Hàn Quốc đang ngày bất mãn với đồng minh Mỹ về khoản phí hàng năm 5 tỉ USD mà Washington đang đòi Seoul phải chi trả để duy trì lực lượng 28.500 binh sĩ Mỹ đóng tại Hàn Quốc. Số tiền này tăng mạnh so với con số 923 triệu USD mà Seoul phải chi trả hồi năm ngoái. Con số 923 triệu USD cũng đã tăng 8% so với năm trước đó.
Tờ Korea Times của Hàn Quốc hôm qua (18/11) đã có bài xã luận trong đó cảnh báo rằng, liên minh an ninh giữa hai nước Mỹ và Hàn Quốc “có thể đổ vỡ do đòi hỏi quá đáng của phía Washington”.
Tổng thống Trump trước đó đã đe dọa sẽ rút quân Mỹ ra khỏi Hàn Quốc nếu những yêu cầu của ông này với Seoul không được đáp ứng. Bài báo trên tờ Korea Times của Hàm Quốc cáo buộc Nhà lãnh đạo nước Mỹ xem hiệp ước phòng thủ chung giữa Mỹ và Hàn Quốc “như một hợp đồng bất động sản để kiếm lời”.
Đa số người dân Hàn Quốc đều đồng ý với quan điểm của bài xã luận nói trên. Theo một cuộc thăm dò dư luận gần đây của Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc, có tới 96% người dân ở Hàn Quốc phản đối việc Seoul phải trả tiền cho sự hiện diện quân sự của Mỹ trên lãnh thổ của họ.
Người dân cũng bày tỏ sự khó chịu, tức giận trước áp lực mà Washington đang đặt lên Seoul để buộc nước này phải ký gia hạn một thỏa thuận ba bên về việc chia sẻ thông tin quân sự với Mỹ và Nhật Bản.
Thỏa thuận An ninh Thông tin Quân sự Chung sẽ hết hạn vào ngày 23/11 tới và Hàn Quốc nhấn mạnh họ chỉ ký gia hạn thỏa thuận này nếu Nhật Bản hủy bỏ những biện pháp hạn chế xuất khẩu các chất hóa học cho ngành công nghiệp microchip của Hàn Quốc.
Không chỉ Hàn Quốc bị gây sức ép, Mỹ cũng đang bắt Nhật Bản trả một số tiền lớn cho sự hiện diện quân sự của họ ở lãnh thổ quốc gia Châu Á.
Hồi tháng Bảy, Washington đã yêu cầu Tokyo phải trả 8 tỉ USD/năm để Mỹ duy trì 54.000 quân ở lãnh thổ của Nhật Bản, tờ Foreign Policy hồi tuần trước đã đưa tin như vậy. Tokyo hiện đang đóng góp 2 tỉ USD cho các chi phí của quân đội Mỹ ở Nhật Bản.
“Loại yêu cầu đó, không chỉ là con số cắt cổ mà cả cách thức đang diễn ra, có thể gây ra làn sóng bài Mỹ”, ông Bruce Klinger - một nhà phân tích ở Heritage Foundation đã nhận định như vậy.
“Nếu bạn làm suy yếu các liên minh và từ đó có nguy cơ làm giảm năng lực răn đe cũng như sự hiện diện của quân đội Mỹ, điều đó chỉ có lợi cho Triều Tiên, Trung Quốc và Nga – những nước sẽ nhìn thấy tiềm năng từ ảnh hưởng quân sự suy giảm của Mỹ cũng như từ việc Mỹ giảm sự ủng hộ cho các đồng minh”.
Ông Daniel Pinkston – một giáo sư về quan hệ quốc tế ở trường Đại học Troy đã đưa ra một nhận xét thẳng thừng hơn. “Đó chỉ là hành động tống tiền. Nó không khác là mấy so với việc một tên trùm băng đảng đi loanh quanh và đòi tiền bảo kê. Số tiền mà Mỹ đang đòi hỏi về mặt chính trị là không thể chấp nhận nổi đối với cả Seoul và Tokyo. Điều đó chỉ dẫn đến sự bất mãn gia tăng."