Người dân đi trên sông Diyala cạn nước ở Iraq ngày 29/6. Ảnh: CNN
Mùa Hè này, London nóng đến mức các tờ báo đều đồng loạt đưa tin nhiệt độ trong thành phố đã vượt qua mức nóng như thiêu đốt tại Dubai. Lần lượt, các quốc gia châu Âu khác như Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã ghi nhận mức nhiệt cao kỷ lục trong năm nay.
Theo kênh truyền hình CNN, khu vực bắc bán cầu đang thực sự chứng kiến nhiệt độ cao kỷ lục, với thảm họa cháy rừng nhấn chìm nhiều khu vực châu Âu và hạn hán đe dọa nguồn cung cấp lương thực. Thông thường, các thành phố châu Âu trải qua tình trạng thời tiết nóng hơn so với các thành phố ở Vịnh Ba Tư.
Tuy nhiên, các chuyên gia chỉ ra nhiệt độ không phải là thước đo thích hợp duy nhất để đánh giá khả năng sống của một thành phố, mà điều quan trọng ở đây sự kết hợp của nhiệt độ và độ ẩm. Đó là lý do tại sao ngay cả khi cùng một nhiệt độ, con người cảm thấy ở Trung Đông khắc nghiệt hơn châu Âu.
Từ trước đến nay, Trung Đông vẫn luôn là một khu vực nắng nóng. Ngày 5/8, thành phố Abadan (Iran) ghi nhận mức nhiệt kỷ lục trong năm khi nhiệt độ lên tới 53 độ C. Kết hợp với độ ẩm cao, khu vực này trở thành một nơi khó có thể sinh sống đối với con người. Trong điều kiện thời tiết ẩm, cơ thể rất khó để hạ nhiệt. Con người khó chảy mồ hôi và từ đó không thể hạ nhiệt cơ thể.
Hiện tượng nhiệt cao kết hợp với độ ẩm được gọi là nhiệt độ bầu ướt. Nhiệt độ này được đo bằng nhiệt kế bầu ướt. Nhiệt kế bầu ướt là nhiệt kế đo nhiệt độ không khí thông thường nhưng có quấn thêm cuộn giấy vải ướt. Khi đo, ta quay nhiệt kế bầu ướt ở tốc độ cao để làm cho nước trên cuộn vải ướt bay hơi. Nước trên cuộn vải sẽ bay hơi đến khi nào không khí bảo hòa độ ẩm hay nói cách khách nước ngừng bay hơi. Do đó, nhiệt độ đo được trên nhiệt kế bầu ước luôn thấp hơn nhiệt độ đo được từ nhiệt kế bầu khô, với cùng điều kiện môi trường đo.
Nhiệt độ bầu ướt cũng là chỉ số trực tiếp nói về khả năng hạ nhiệt cơ thể của con người thông qua cơ chế đổ mồ hôi.
“Nhiệt độ bầu ướt là nhiệt độ thấp nhất có thể đạt được bằng cơ chế bay hơi nước. Trung Đông vốn dĩ nóng và có thể ẩm ướt. Chính vì vậy, biến đổi khí hậu có thể đẩy khu vực này trở thành nơi mà sức khỏe con người gặp nguy hiểm”, Tapio Scheneide – giáo sư khoa học môi trường tại Viện Kỹ thuật California – giải thích.
Ngày 19/7, Anh ghi nhận ngày nóng nhất trong lịch sử, với nhiệt độ lần đầu tiên vượt quá 40 độ C. Cùng ngày, nhiệt độ trung bình tại London và Dubai đều là 34 độ C, song nhiệt độ bầu ướt tại London là 20 độ C còn tại Dubai là 27 độ C.
Vịnh Ba Tư là một trong số ít nơi trên thế giới từng ghi nhận nhiệt độ bầu ướt vượt quá ngưỡng có thể sống sót của con người là 35 độ C. Kể từ năm 2005, đã có 9 lần ngưỡng này được ghi nhận.
Nhiệt độ bầu ướt là 35 độ C đồng nghĩa với việc cơ thể không còn có thể tự làm mát đến nhiệt độ có thể duy trì các chức năng bình thường.
“Đó là một ngưỡng nhiệt khiến con người không còn khả năng sống sót dù đang ở độ tuổi hay thể lực ra sao. Họ sẽ chết trong vòng vài giờ”, chuyên gia Schneider cảnh báo nhiệt độ bầu ướt ngay dưới ngưỡng 35 độ C cũng không phải là lý tưởng.
Các quốc gia Arab với mỏ dầu trù phú ở Vịnh Ba Tư đã tự trang bị cho mình khả năng chống nóng bằng hệ thống điều hòa không khí tiêu hao nhiều năng lượng, nhưng các quốc gia khu vực khác lại không được đặc quyền như vậy.
Tại Iraq, các nhân viên ở thành phố Basra đã được lệnh ở nhà do nhiệt độ cao hồi đầu tháng. Các gia đình chỉ có điện tối đa trong 10 giờ đồng hồ từ lưới điện quốc gia.
Tại Gaza, cư dân chỉ có 3-4 giờ sử dụng điện mỗi ngày. Tương tự, chính phủ Liban không cung cấp điện quá 2 giờ mỗi ngày.
Ở một số quốc gia Arab vùng Vịnh như Kuwait, không phải tất cả mọi người đều có thể sử dụng điều hòa nhiệt độ.
Một mô phỏng của Viện Công nghệ Massachusetts MIT cho thấy nếu tốc độ phát thải nhà kính tiếp tục như hiện nay, nhiệt độ bầu ướt tối đa hàng năm ở các thành phố như Abu Dhabi, Dubai và Doha sẽ vượt quá ngưỡng khả năng sống sót của con người đến cuối thế kỷ này.