Dự án chip 18,5 tỷ USD của Trung Quốc gặp khó, giám đốc từ chức chỉ sau 1 năm lãnh đạo

Nguyễn Hải |

Với hàng loạt khó khăn từ khi bắt đầu triển khai và mới đây, CEO của họ đã từ chức, dự án nhà máy sản xuất chip của HSMC dường như đã dừng lại.

Wuhan Hongxin Semiconductor Manufacturing, hay HSMC, nhà sản xuất chip trị giá 18,5 tỷ USD của Trung Quốc vừa mất giám đốc điều hành của họ đúng vào thời điểm sự thiếu hụt về tiền mặt đang khiến công ty này đứng trên bờ vực phá sản.

Chiang Shang-yi, một người kỳ cựu trong ngành bán dẫn đã trở thành CEO và tổng giám đốc của HSMC từ tháng Sáu năm 2019, đã từ chức khỏi mọi vị trí của công ty ở Vũ Hán này vào tháng 7 vừa qua. Nguồn tin từ tạp chí Fortune cho biết, ông Chiang đã rời khỏi Trung Quốc.

Tuyên bố của luật sư cho biết, vị giám đốc này từ chức vì những lý do cá nhân và đã được công ty chấp nhận. Ông Chiang cho biết, những ngày của ông tại HSMC là một "trải nghiệm không dễ chịu" và "rất khó mô tả chỉ bằng một vài từ."

Dự án chip 18,5 tỷ USD của Trung Quốc gặp khó, giám đốc từ chức chỉ sau 1 năm lãnh đạo - Ảnh 1.

Ông Chiang Shang-yi, người vừa từ nhiệm khỏi HSMC chỉ sau 1 năm dẫn dắt dự án này

Từng là một giám đốc trong hãng TSMC, nhà gia công chip lớn nhất thế giới hiện nay, ông Chiang nổi tiếng vì kinh nghiệm và chuyên môn về sản xuất chip. Được học tại Đại học Princeton và Stanford và đã có gần 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Vào năm 2016, ông được chỉ định làm giám đốc độc lập của SMIC, hãng gia công chip lớn nhất Trung Quốc. Đến năm 2019, ông chuyển sang HSMC, dự án chip tham vọng được chính quyền Vũ Hán hậu thuẫn.

Được thành lập năm 2017, với kế hoạch đầu tư khoảng 18,5 tỷ USD, HSMC dự định sẽ sản xuất các chip logic sử dụng tiến trình công nghệ 14nm và 7nm và nhỏ hơn nữa. HSMC là một phần trong sự bùng nổ đầu tư vào ngành bán dẫn gần đây tại Trung Quốc, khi nước này đang ưu tiên cho chính sách tự chủ các công nghệ cốt lõi.

Trước đó, dự án ở Vũ Hán đã nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ chính quyền địa phương. Website của chính quyền Hồ Bắc cho biết đây là một trong những dự án đầu tư lớn nhất của tỉnh trong những năm 2017 và 2018 và là một "dự án xây dựng chủ chốt của tỉnh".

Dự án chip 18,5 tỷ USD của Trung Quốc gặp khó, giám đốc từ chức chỉ sau 1 năm lãnh đạo - Ảnh 2.

Nhưng dự án này chưa bao giờ tiến triển như dự kiến và vấp phải hàng loạt khó khăn từ năm ngoái đến nay. Trong tháng 11 năm 2019, tòa án địa phương đã tạm dừng quyền sử dụng đất của HSMC đối với khu vực dự định xây nhà máy do phát sinh tranh chấp với một trong các công ty có liên quan đến khu đất.

Trong tháng Bảy năm nay, báo cáo từ chính phủ còn cho thấy HSMC đang gặp phải tình trạng thiếu hụt vốn trầm trọng có thể khiến công ty dừng hoạt động bất kỳ lúc nào. Theo báo cáo, đến gần 90% trong số khoản vốn 18,5 tỷ USD trong kế hoạch đầu tư ban đầu vẫn chưa nhận được.

Theo báo cáo, về cơ bản dự án này đã phải dừng lại khi khả năng nhận được bất kỳ chút nào trong phần vốn còn lại đều trở nên không chắc chắn.

Báo cáo điều tra của Caixib còn cho thấy năng lực công nghệ của nhà máy đã bị phóng đại. Chính quyền địa phương cho biết HSMC sở hữu cỗ máy quang khắc chip do hãng ASML của Hà Lan sản xuất và là cỗ máy hiện đại nhất từng nhập khẩu vào Trung Quốc hiện nay. Hóa ra thông tin này chỉ là hiểu lầm khi thiết bị của HSMC chỉ tương tự như một trong các cỗ máy sản xuất chip 7nm từng được Trung Quốc nhập khẩu.

Dự án chip 18,5 tỷ USD của Trung Quốc gặp khó, giám đốc từ chức chỉ sau 1 năm lãnh đạo - Ảnh 3.

Sau nhiều hứa hẹn, đến nay dự án nhà máy sản xuất chip của HSMC vẫn chỉ là mô hình trên giấy

Hiện tại, đăng ký kinh doanh cho thấy HSMC giờ thuộc quyền kiểm soát của chính quyền tỉnh Vũ Hán sau khi đăng ký thay đổi danh sách cổ đông vào ngày 10 tháng 11 vừa qua. Doanh nghiệp này giờ hoàn toàn nằm dưới quyền kiểm soát của Ủy ban Quản lý và Giám sát tài sản Nhà nước thuộc Quận Dongxihu của Vũ Hán.

HSMC là một trong nhiều ví dụ cho thấy sự bất cẩn của chính quyền địa phương khi đầu tư vào lĩnh vực sản xuất chip. Theo Meng Wei, phát ngôn viên của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc, nhiều công ty đã "mù quáng tham gia vào các dự án" cho dù không có kinh nghiệm, công nghệ và nhân lực có trình độ về phát triển mạch tích hợp.

Theo tính toán của Caixin, đến cuối năm 2019, trên toàn Trung Quốc có khoảng 50 nhà sản xuất chip quy mô lớn với tổng nguồn vốn huy động được khoảng 1,7 nghìn tỷ Nhân dân tệ (hơn 258 tỷ USD) cho lĩnh vực này.

Tham khảo Niikei

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại