Những con số biết nói trong nhiệm kỳ Tổng thống Donald Trump Nỗ lực kiểm phiếu lại và các vụ kiện của Tổng thống Donald Trump 9 điểm đối lập giữa ông Donald Trump và ông Joe Biden
Đây là lần đầu tiên Thượng viện Mỹ, do đảng Cộng hòa chiếm đa số, cùng thông qua một dự luật với đảng Dân chủ để bác bỏ phủ quyết của Tổng thống Donald Trump. Gặp nhau trong một phiên họp hiếm hoi ngày đầu năm mới, các thượng nghị sĩ đã bỏ phiếu với tỉ lệ 81-13 đảm bảo đa số hai phần ba cần thiết để vượt qua quyền phủ quyết.
Tổng thống có quyền phủ quyết một dự luật đã được Quốc hội thông qua nhưng các nhà lập pháp có thể giữ nguyên dự luật nếu hai phần ba cả hai viện bỏ phiếu vượt qua phủ quyết. Trước đó ông Trump đã dùng quyền phủ quyết 8 lần và cả 8 lần đều được giữ nguyên, Reuters cho biết.
Các nhà lập pháp đảng Cộng hòa phần lớn đã đứng về phía tổng thống trong nhiệm kỳ đầy biến động của ông ở Nhà Trắng. Tuy nhiên, kể từ khi thất bại trong nỗ lực tái tranh cử vào tháng 11, ông Trump đã đả kích họ vì không hết lòng ủng hộ các tuyên bố của ông về gian lận cử tri, vì khước từ đòi hỏi của ông nâng tiền cứu trợ COVID-19 lên và vì vượt qua phủ quyết của ông.
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak tuyên bố phản đối Quốc hội Mỹ thông qua các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào dự án Dòng chảy phương Bắc 2 của Nga
Ngày 30/12/2020, ông Donald Trump đã bị mất đi một nguồn ủng hộ quan trọng nhất ở Thượng viện. Ông Mitch McConnell, lãnh đạo phe đa số Cộng hòa, đã phản đối việc ông Trump tăng mức trợ cấp khẩn cấp vì virus Corona lên 2.000 USD.
Nhưng, quan trọng nhất là ông McConnell không còn ủng hộ ông Trump trong việc từ chối nhìn nhận thất bại bầu cử. Trong khi Tổng thống Mỹ đề nghị các nghị sĩ ngăn cản tiến trình xác nhận kết quả kiểm phiếu đại cử tri vào ngày 6-1, McConnell đã gọi điện yêu cầu họ chứng nhận chiến thắng của ông Joe Biden. Sự việc đã khiến ông Trump nổi đóa.
Đạo luật The National Defence Authorisation Act (NDAA - ngân sách quốc phòng) trị giá 740 tỉ USD xác định chi tiêu cho mọi thứ từ số lượng tàu được mua đến tiền lương của binh lính và cách thức ứng phó giải quyết với các mối đe dọa địa chính trị.
Ông Trump từ chối ký thành luật vì nó không bãi bỏ một số biện pháp bảo vệ pháp lý nhất định đối với các nền tảng mạng xã hội và ông đặc biệt phê phán về việc luật ngân sách này cho phép đổi tên các căn cứ quân sự nào mang tên những vị tướng Liên minh miền Nam thua trận trong cuộc nội chiến Mỹ, biểu tượng của quá khứ nô lệ Mỹ.
Trong tuyên bố phủ quyết, ông Trump cho rằng dự luật này “không đưa vào các biện pháp an ninh quốc gia then chốt” và “mâu thuẫn với các nỗ lực của chính quyền của tôi nhằm đặt nước Mỹ lên trên hết về an ninh quốc gia và các hành động chính sách đối ngoại”.
Trong Luật Ngân sách quốc phòng được Quốc hội lưỡng viện Mỹ thông qua bất chấp phủ quyết của Tổng thống Trump, có một điều khoản lên án Trung Quốc xâm lược quân sự Ấn Độ. Theo hãng tin PTI của Ấn Độ, điều khoản này phản ánh sự yểm trợ mạnh mẽ của Chính phủ Mỹ đối với các đồng minh và đối tác ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương và những nơi khác.
Cụ thể, trong luật NDAA 2021, có một nghị quyết, do nghị sĩ gốc Ấn Độ Raja Krishnamoorthi đề nghị, yêu cầu chính quyền Trung Quốc chấm dứt tấn công quân sự vào Ấn Độ dọc theo Đường kiểm soát thực tế LAC.
Trung Quốc và Ấn Độ đụng độ với nhau tại ranh giới LAC ở khu vực Ladakh từ tháng 5 năm ngoái. Các cuộc thảo luận giữa Bắc Kinh và New Delhi nhằm giải quyết xung đột cho tới nay vẫn chưa đạt kết quả cụ thể nào.
Bày tỏ “quan ngại rất lớn” về hành động quân sự tiếp diễn của cả hai bên dọc theo LAC, Luật Ngân sách quốc phòng Mỹ yêu cầu Trung Quốc cùng với Ấn Độ giải quyết tình hình tại đường ranh giới này thông qua các cơ chế ngoại giao hiện có, chứ không được dùng đến hành động cưỡng ép hay vũ lực.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ký luật ngân sách quốc phòng năm tài khóa 2020 vào ngày 20-12-2019.
Theo hãng tin PTI, phản ứng về việc nghị quyết mà ông đề nghị được đưa vào Luật Ngân sách quốc phòng Mỹ, nghị sĩ Krishnamoorthi nói:
“Sự xâm lấn của Trung Quốc dọc theo Đường kiểm soát thực tế với Ấn Độ, cũng như nhắm vào các nước khác là không thể chấp nhận được. Việc nghị quyết này trở thành luật là một thông điệp rõ ràng về sự yểm trợ và đoàn kết đối với Ấn Độ và các đối tác khác của chúng ta trên khắp thế giới vào thời điểm chúng ta bước vào năm mới”.
Luật Ngân sách quốc phòng Mỹ vừa được thông qua còn nhấn mạnh là những yêu sách chủ quyền “vô căn cứ” của Trung Quốc đối với các vùng như Biển Đông, Biển Hoa Đông là những yêu sách gây mất ổn định và trái với luật pháp quốc tế.
Luật Ngân sách quốc phòng 2021 cũng yêu cầu chính phủ gia hạn các biện pháp trừng phạt nhằm vào hoạt động xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) của Nga, đặc biệt đối với các công ty cung cấp dịch vụ thử nghiệm, kiểm tra hoặc chứng nhận.
Phản ứng trước điều này, ngày 4/1, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak phát biểu trên kênh RBK: “Dự án Nord Stream 2, tuyến đường ống nối Nga với Đức qua đáy biển Baltic, sẽ được hoàn thành tốt đẹp nhờ sự hỗ trợ của các đối tác châu Âu. Dự án này là đối tượng của một loạt các biện pháp trừng phạt của Mỹ và nước này dự kiến sẽ gia hạn thêm các lệnh trừng phạt trong năm 2021”.
“Các biện pháp trừng phạt này [...] là cách cạnh tranh không lành mạnh. Mọi người đều biết rõ điều này. Những ai muốn dự án này được thực hiện, cụ thể là các quốc gia và công ty châu Âu, đều ủng hộ. Tôi chắc chắn rằng nhờ sự hỗ trợ này, dự án sẽ được hoàn thành”, ông Novak nói thêm.
Các lệnh trừng phạt của Mỹ đã khiến công ty Thụy Sĩ Allseas và sau đó là Công ty DNV GL của Na Uy phải rút lui. “DNV GL sẽ không thực hiện bất kỳ hoạt động kiểm tra nào đối với đường ống dẫn khí Nord Stream 2 do đây là mục tiêu trừng phạt của Mỹ”, công ty cho biết.
Điện Kremlin thừa nhận rằng các lệnh trừng phạt có thể tạo ra những vấn đề mới nhưng vẫn quyết tâm tìm ra giải pháp. Việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt được nối lại vào tháng 12-2020 ở vùng biển của Đức.