Đây là khoảng cách gần kỷ lục mà Đồng hồ Ngày tận thế thể hiện khi Mỹ và Liên Xô thử nghiệm bom nhiệt hạch năm 1953.
Theo đài BBC, các nhà khoa học giải thích động thái vặn thêm 30 giây gần hơn so với mốc nửa đêm xuất phát từ nguyên do các nhà khoa học nhận định thế giới đang trở nên “nguy hiểm hơn”.
Phát biểu tại buổi họp báo ở thủ đô Washington D.C (Mỹ) vào ngày 25/1, nhóm phụ trách BAS cho biết quyết định trên là không hề “dễ dàng” và nó không chỉ đơn thuần dựa vào một nhân tố đơn lẻ.
Tuy nhiên, Chủ tịch và Giám đốc điều hành BAS Rachel Bronson tiết lộ: “Trong các lần thảo luận năm nay, vấn đề hạt nhân luôn là chủ đề chính”.
Nhóm các nhà khoa học chỉ ra chính những lần thử hạt nhân của Triều Tiên là nguyên nhân khiến căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên leo thang đáng kể và dẫn tới các cuộc khẩu chiến Mỹ-Triều.
BAS cũng ám chỉ tới chiến lược hạt nhân mới của Mỹ khi kêu gọi đầu tư ngân sách mở rộng kho vũ khí hạt nhân của nước này.
Căng thẳng gia tăng giữa Nga và phương Tây là một trong các yếu tố khiến nhóm chuyên gia cân nhắc.
Bên cạnh đó, mối đe dọa từ tình trạng biến đổi khí hậu, việc không thể giải mã Tổng thống Trump… cũng góp phần khiến các nhà khoa học lo ngại.
Đồng hồ Ngày tận thế được một nhóm các nhà khoa học thuộc Dự án Manhattan chế tạo, được cập nhật hàng năm kể từ khi chính thức xuất hiện vào năm 1947. Quy chế hoạt động của chiếc đồng hồ này là đánh giá mức độ nguy hiểm thảm họa thế giới. Mỗi lần kim phút của đồng hồ được vặn gần về gần mốc 12h đêm, những hiểm họa đối với sự tồn vong của Trái Đất ngày càng rõ rệt. Tùy theo tính chất nghiêm trọng của tình hình quốc tế, kim đồng hồ được vặn lên với số phút ít nhiều tương ứng.
Thời điểm mà kim phút được vặn gần về mốc nửa đêm đạt kỷ lục là vào năm 1953 khi Mỹ và Liên Xô thử nghiệm bom nhiệt hạch. Trong khi đó, thời điểm kim phút được vặn ra xa nhất - 17 phút là thời điểm chấm dứt Chiến tranh Lạnh (1991) khi cựu Tổng thống George H.W. Bush ký Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược.
Link gốc bài viết tại đây