Donald Trump xung đột với giới tình báo Mỹ vì quan hệ với Nga

Trần Khánh |

Tổng thống đắc cử Trump ngày 10/12 đã bác bỏ kết luận của giới tình báo Mỹ rằng Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ để giúp ông thắng cử.

Theo Reuters, kết luận của giới tình báo Mỹ ngay cả khi ông Trump đã giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử Tổng thống vừa qua cũng như việc họ chưa có bằng chứng rõ ràng về sự can thiệp (nếu có) của Nga đến cuộc bầu cử nói trên cho thấy mối quan hệ “cơm không lành canh chẳng ngọt” giữa ông Trump và cộng đồng tình báo Mỹ sắp nằm trong quyền điều hành của ông.

Gốc rễ là từ mối quan hệ với Nga?

Xung đột giữa ông Trump và cộng đồng tình báo Mỹ được cho là bắt nguồn từ mối quan hệ được cho là thân thiết giữa ông Trump và Nga- quốc gia bị cộng đồng tình báo Mỹ cáo buộc “ngày càng trở nên hiếu chiến” trong vấn đề Syria và Ukraine.

Không những thế, cộng đồng tình báo Mỹ còn đổ lỗi cho Nga đứng đằng sau việc hỗ trợ các nhóm tin tặc gia tăng các cuộc tấn công mạng, và can thiệp vào các cuộc bầu cử ở châu Âu và Mỹ một cách công khai hoặc bí mật.

Cộng đồng tình báo Mỹ cũng “rất tự tin” khi đưa ra kết luận rằng, tình báo Nga không chỉ đứng đằng sau việc xâm nhập hệ thống máy tính của Đảng Dân chủ mà còn tìm cách hạ thấp uy tín của bà Hillary Clinton- ứng viên Tổng thống của Đảng này.

Trong một tuyên bố ngày 10/12, Hạ nghị sĩ Adam Schiff- Ủy viên Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ nhấn mạnh, việc Nga xâm nhập vào hệ thống máy tính trong cuộc bầu cử Mỹ đã “diễn ra một cách thành công ngoài mong đợi của chính Nga”.

Chỉ có kẻ mù quáng mới không nhận ra một thực tế là hành động của Nga là nhằm hạ thấp hình ảnh của bà Hillary Clinton và hỗ trợ ông Trump. Tôi không tin rằng, đây là hành động ngẫu nhiên và không có tính toán”, ông Schiff nói.

Nga – Mỹ có thể thỏa hiệp về Syria và Ukraine dưới thời ông Trump VOV.VN - Tổng thống mới đắc cử Mỹ Donald Trump có thể sẽ giãn ra trong vấn đề Syria và Ukraine để tập trung mối quan tâm cho khu vực châu Á.

Cho đến nay, theo các giới chức tình báo Mỹ, ông Trump không hề yêu cầu họ soạn thảo một báo cáo đặc biệt nào liên quan đến Nga, bất chấp việc họ thường xuyên cảnh báo ông rằng Tổng thống Nga Putin đang tìm cách chia rẽ Mỹ và các đồng minh.

Ngoài ra, ông Trump cũng chỉ yêu cầu họ gửi báo cáo tình báo 1 tuần/lần- tần suất quá thấp so với những Tổng thống trước đó của Mỹ.

Đáp lại, văn phòng chuyển giao quyền lực của ông Trump ra tuyên bố khẳng định, ông đã giành chiến thắng vang dội trước đối thủ là bà Hillary Clinton. Tuyên bố của văn phòng chuyển giao quyền lực của ông Trump cũng chỉ trích cộng đồng tình báo Mỹ vì những thất bại của họ tại Iraq.

Những người tố cáo chúng tôi cũng chính là những người khẳng định rằng Saddam Hussein sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt [trên thực tế không có bằng chứng nào cho thấy điều này-ND].

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đã kết thúc với một trong những thắng lợi vang dội nhất trong lịch sử nước Mỹ. Giờ là lúc cần phải hướng đến việc khiến cho nước Mỹ trở lại vĩ đại như xưa”.

Bản thân ông Trump cũng bác bỏ những cáo buộc từ phía cộng đồng tình báo Mỹ: “Tôi không tin rằng Nga can thiệp vào kết quả cuộc bầu cử. Cáo buộc nói trên là rất nực cười”.

Quan hệ lạnh nhạt giữa Donald Trum và cộng đồng tình báo Mỹ

Sự lạnh nhạt giữa ông Trump và cộng đồng tình báo Mỹ được giới chức tình báo nước này tiết lộ qua thông tin, nhóm chuyển giao quyền lực của ông Trump mới chỉ liên lạc “qua loa” với Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) bất chấp một thực tế là ông Mike Pompeo- người được ông Trump chọn làm Giám đốc CIA- không có nhiều kinh nghiệm làm việc trong môi trường tình báo.

Không những thế, nhiều quan chức Đảng Dân chủ và cả Đảng Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ đều bày tỏ quan ngại về những dự định sắp tới của ông Trunp đối với 17 cơ quan tình báo của Mỹ, trong đó có Cơ quan An ninh Quốc gia, Cơ quan Tình báo Quốc phòng và Trung tâm Chống khủng bố Quốc gia.

Một số thành viên của các cơ quan tình báo này tuyên bố, họ sẵn sàng từ chức chứ không muốn tuân theo mệnh lệnh từ những người do ông Trump chỉ định làm lãnh đạo các đơn vị của họ.

Thậm chí, nhiều quan chức tình báo Mỹ còn bày tỏ lo ngại rằng, những chính sách sắp tới của ông Trump như việc cho phép mở rộng việc giám sát bằng các thiết bị điện tử đối với các nghi can khủng bố bắt nguồn từ nguồn gốc tôn giáo hoặc quốc tịch của họ sẽ khiến cộng đồng tình báo Mỹ gặp rắc rối về mặt pháp lý.

Hơn thế nữa, những tuyên bố của ông Trump về Nga cũng như việc ông chọn tướng lục quân đã nghỉ hưu Michael Flynn vào vị trí Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ khiến cho nhiều quan chức tình báo Mỹ càng thêm “đứng ngồi không yên” bởi những quan chức này cho rằng, Nga ngày càng mở rộng tham vọng của mình trên khắp mọi lĩnh vực và sẽ rất khó kiềm chế./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại