Đơn độc trong cuộc chiến Libya, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị Nga "nghiền nát" nếu mạo hiểm chiếm Sirte?

Mạnh Kiên |

Các động thái của Thổ Nhĩ Kỳ đang đẩy tình hình lên cao khi tuyên bố một cuộc tấn công vào Sirte vẫn đang được cân nhắc. Tuy nhiên, Ankara sẽ phải đơn độc một mình trước sự trả đũa từ Nga.

Nguy cơ Ai Cập- Thổ Nhĩ Kỳ tương tàn

Quốc hội miền Đông ủng hộ lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) của tướng Khalifa Haftar trong tuần này đã thông qua một quyết định bước ngoặt mở đường cho Ai Cập can thiệp quân sự, đối đầu với Chính phủ Hiệp định Quốc gia (GNA) ở Tripoli.

Quyết định này làm tăng khả năng xảy ra một cuộc đụng độ trực tiếp giữa các lực lượng Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ trên đất Libya. Cho đến nay, các mặt trận chiến đấu vẫn tĩnh lặng xung quanh thành phố chiến lược Sirte.

Mặc dù các nỗ lực ngoại giao đang được đẩy mạnh nhưng nguy cơ leo thang là rất thực tế, phản ánh cuộc cạnh tranh địa chiến lược và sự khác biệt về ý thức hệ lâu dài giữa Ankara và Cairo.

Đơn độc trong cuộc chiến Libya, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị Nga nghiền nát nếu mạo hiểm chiếm Sirte? - Ảnh 1.

Thổ Nhĩ Kỳ đang đảo chiều cuộc chiến theo hướng có lợi cho GNA.

Libya hiện đang xảy ra cuộc chiến giữa Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ các phe đối lập. Ankara là bên ủng hộ chính cho GNA ở Tripoli. Trong khi đó, Ai Cập ủng hộ đối thủ Quân đội Quốc gia Libya (LNA) của tướng Khalifa Haftar, nắm giữ khu vực phía Đông giàu dầu mỏ của đất nước.

Một nhóm các thế lực quốc tế cũng tham gia vào hai phe. GNA có sự hỗ trợ bổ sung của Qatar và Italy. Trong khi đó, tướng Haftar có sự hậu thuẫn của UAE, Pháp, Saudi Arabia và được cho là cả Nga.

Cuộc khủng hoảng hiện nay được kích hoạt bởi sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 4, giúp ngăn chặn bước tiến của tướng Haftar ngay trên ngưỡng cửa Tripoli. Nếu không có sự can thiệp này, nhiều khả năng cuộc chiến đã kết thúc với chiến thắng cho LNA.

Động thái của Thổ Nhĩ Kỳ đã nhanh chóng giúp xoay chuyển tình thế. Phía GNA/Thổ Nhĩ Kỳ sau đó đã phản công, đẩy LNA về phía Đông. Căn cứ không quân Watiya của LNA cũng thất thủ.

Khi các lực lượng được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn tiến về Sirte, phía Ai Cập đã ngay lập tức tuyên bố đây là lằn ranh đỏ, nếu bị xâm phạm, Cairo sẽ chính thức can thiệp quân sự.

Sirte là khu vực chiến lược hướng đến các mỏ dầu chính ở phía đông của Libya. Nếu thất thủ, LNA sẽ thất bại.

Diễn biến tiếp theo

Các sự kiện ở Libya phản ánh chiều sâu và cường độ của một trong những cuộc chiến âm ỉ và lâu dài giữa các thế lực quan trọng ở Trung Đông. Đây là cuộc cạnh tranh giữa một bên bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar và một loạt các lực lượng liên kết trong khu vực, còn bên kia là Ai Cập, UAE và Saudi Arabia.

Mặc dù có những yếu tố khác tham gia vào không gian chiến lược phức tạp của Libya, nhưng hai phe này là những thế lực trung tâm. Sự cạnh tranh này không chỉ là chiến lược địa lý. Nó còn liên quan đến các đường hướng quản trị. Thổ Nhĩ Kỳ khao khát trở thành thế lực hàng đầu trong khu vực.

Địa chính trị của thế giới Ả Rập từ lâu là một trận chiến về ý thức hệ. Cuộc đụng độ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập ở Libya là gốc rễ của cuộc đấu tranh lâu dài này.

Hiện tại, các động thái của Thổ Nhĩ Kỳ đang đẩy tình hình lên cao khi tuyên bố một cuộc tấn công vào Sirte vẫn đang được cân nhắc nếu tướng Haftar và các đồng minh từ chối rời khỏi khu vực.

Tuy nhiên, Ankara cũng cần xem xét bức tranh ngoại giao rộng lớn hơn trước khi thử bất kỳ động thái nào như vậy.

Dường như có rất ít sự hỗ trợ từ châu Âu hoặc Mỹ cho động thái tiến quân về phía đông của Libya, vì kịch bản tấn công vào Sirte và các mỏ dầu - giữa tính toán Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là thành viên NATO – không phải là điều gì đó khiến khối quân sự này cần phải ra tay giúp sức, hoặc đơn giản là nó không phù hợp với lợi ích của phương Tây.

Ngược lại, và có lẽ là quan trọng nhất, Nga được cho là đang tăng cường dấu ấn ở Libya và gần đây Mỹ cáo buộc nước này đã đưa máy bay Mig-29 đến đóng tại căn cứ không quân Jufra. Ngoài ra, lính đánh thuê từ tập đoàn Wagner của Nga cũng được triển khai cùng với LNA.

Moscow dường như đã từ bỏ quan niệm về một chiến thắng tuyệt đối cho LNA. Ngoại trưởng Sergei Lavrov nói rằng lực lượng của tướng Haftar sẽ sẵn sàng ký lệnh ngừng bắn ngay lập tức. Nhưng thái độ hòa giải này sẽ không dẫn đến sự khoan dung đối với việc đẩy Thổ Nhĩ Kỳ đi xa hơn về phía Đông.

Điều này sẽ làm tăng khả năng các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ phải đối mặt với sự trả đũa từ Nga , mà không có sự hỗ trợ của Mỹ hoặc EU. Một viễn cảnh như vậy sẽ khiến tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cân nhắc thận trọng.

Tuy nhiên, sự bế tắc Thổ Nhĩ Kỳ - Ai Cập trước ngưỡng cửa Sirte chỉ ra rằng sự chia rẽ trong quá khứ vẫn đang thống trị chính trị Trung Đông và không thể giải tỏa chỉ trong một sớm một chiều, hoặc sau cuộc chiến Libya.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại