Vị giáo hoàng hay gây sốc với những việc làm bình dị

Ngọc Minh |

Hôn chân tù nhân, rửa chân cho phụ nữ và người Hồi giáo, dùng ghế thay ngai..., Giáo hoàng Francis thường khiến người ta hết sức ngạc nhiên. Ông sống cực kỳ giản dị, nhưng có một quyền lực mềm rất lớn.

Mặc dù có điều kiện và có quyền hưởng cuộc sống tiện nghi, sang trọng, lãnh đạo nhiều quốc gia vẫn có cách sống hoặc hành vi rất bình dị, khiêm tốn. Loạt bài này sẽ giới thiệu những nhà lãnh đạo đặc biệt như vậy đến với bạn đọc.

Người đến từ “tận cùng thế giới”

Vài ngày sau khi Giáo hoàng Francis được bầu chọn làm người đứng đầu Tòa thánh Vatican, thông tin được đưa ra từ văn phòng báo chí Vatican rằng vị giáo hoàng mới sẽ chủ trì buổi giảng đạo buổi sáng.

Cả thế giới sớm nhận ra, Giáo hoàng làm việc đó theo cách riêng của mình.

Buổi ban phước này được tổ chức trong một phòng cầu nguyện nhỏ của nhà khách Vatican, nơi Giáo hoàng Francis chọn để ở, thay vì khu dinh thự được trang trí công phu dành cho Giáo hoàng.

Những người dự lễ ban phước ngày hôm đó không phải các hồng y của Giáo triều Roma, mà là những người làm vườn, lao công và nhân viên văn phòng của Vatican. Giáo hoàng Francis không chỉ ngồi ghế chủ tọa như Giáo hoàng John Paul II làm trước đó.

Ông ấy còn thuyết giáo, như thể ông chỉ là cha xứ bình thường. Một thông điệp lớn được gửi đi. “Nhà thờ yêu cầu tất cả chúng ta phải thay đổi, phải loại bỏ những cấu trúc suy đồi – vì chúng vô dụng”, Giáo hoàng nói trong bài giảng sáng hôm đó.


Lối sống giản dị khiến Giáo hoàng Francis được rất nhiều người yêu kính (Ảnh: AP)

Lối sống giản dị khiến Giáo hoàng Francis được rất nhiều người yêu kính (Ảnh: AP)

Tính cách giản dị của ông đã chiếm được trái tim và sự tôn kính của bao người. Một vị giáo hoàng cười tươi hòa vào đám đông lớn trên quảng trường Thánh Peter.

Ông nói những điều rất con người về những số phận bị nền kinh tế toàn cầu gạt ra rìa, về những người di cư chết đuối trên biển hay những phụ nữ bị ép trở thành gái bán dâm.

Nhưng ông cũng là một chiến lược gia khó hiểu khi những nỗ lực cải cách nhà thờ của ông làm dấy lên cả lo lắng, hy vọng, và một số hoài nghi. Những người bảo thủ sợ ông. Những người tự do coi ông như một người đồng cảm.

Những người khác cho rằng ông không quan tâm đến vấn đề trái hay phải mà chỉ chú tâm tìm cách đảo ngược tình trạng giảm sút số lượng tín đồ Công giáo ở Mỹ Latin và những khu vực khác. Giáo hoàng Francis vẫn chưa bộc lộ hết phương pháp đổi mới của mình.

Nhưng sứ mệnh thiêng liêng của việc đặt người nghèo ở trung tâm của nhà thờ khiến ông đưa họ vào những cuộc tranh luận toàn cầu về biến đổi khí hậu, di cư và xem xét lại kinh tế tư bản chủ nghĩa từ sau cuộc khủng hoảng năm 2008.

Đã có một số thay đổi diễn ra trong Nhà thờ trước khi Giáo hoàng Francis lên lãnh đạo, nhưng ông đã thay đổi trọng tâm, trong bối cảnh Vatican đang bê bối vì hàng loạt vụ lạm dụng tình dục của các giáo sĩ.

Ông nhấn mạnh mối liên hệ lịch sử với sự bần cùng, và tách biệt những vấn đề chiến tranh văn hóa. Nhờ thế, tầm ảnh hưởng địa chính trị của ông cũng như của Nhà thờ tăng nhanh chóng.

“Ông ấy có quyền lực mềm rất lớn, không chỉ trong lòng những người Công giáo”, báo New York Times dẫn nhận xét của Giáo sư Joseph S. Niy Jr ở Trường Kennedy thuộc ĐH Havard.

“Nhiều vị giáo hoàng từng nói về đói nghèo. Nhưng điều Giáo hoàng Francis làm được là đưa nó trở thành vấn đề trọng tâm mà không bị những vấn đề khác làm mờ đi”, Giáo sư Joseph nói.


Trong một buổi giảng đạo năm 2008, Tổng giám mục Bergoglio hôn chân một người đàn ông đang cố gắng cai nghiện ở Buenos Aires (Ảnh: AP)

Trong một buổi giảng đạo năm 2008, Tổng giám mục Bergoglio hôn chân một người đàn ông đang cố gắng cai nghiện ở Buenos Aires (Ảnh: AP)

Chuyến thăm của Giáo hoàng Francis sang Mỹ vào cuối tháng 9 vừa qua được coi là bài thử quan trọng.

Ông luôn nhấn mạnh những nước “ngoài rìa” về cả thực tế lẫn địa lý, nên ông chủ ý đến thăm những nước nhỏ như Albania, Sri Lanka, Bosnia,  Philippines, Ecuador và Bolivia trước.

Với việc đi từ Cuba sang Mỹ, Giáo hoàng muốn nhấn mạnh luận điểm rằng các nước ở ngoài rìa kết nối với trung tâm quyền lực, và không có nước nào có sức mạnh kinh tế và chính trị tiêu biểu như Mỹ.

Và sự yêu mến mà người Mỹ dành cho Giáo hoàng lớn đến mức Tổng thống Mỹ Barack Obama ra tận sân bay đón ông, và chuyến thăm quan trọng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sang Washington cũng bị lu mờ trên báo chí.

Bằng nhiều lời nói và cử chỉ, Giáo hoàng Francis nhiều lần thách thức giới tinh hoa, ở cả trong và ngoài nhà thờ. Ông tấn công vào hệ thống cấp bậc hẹp hòi của Công giáo vì tập trung quá nhiều vào giáo điều và thế giới tâm linh, nhưng quá ít cho dân thường.

Ông lên án mô hình kinh tế chính thống toàn cầu là không thích hợp để giải quyết đầy đủ nhu cầu cho những người nghèo.

Ở Mỹ, việc Giáo hoàng phê bình sự thái quá của chủ nghĩa tư bản đã gây khó chịu kể cả với những người ủng hộ ông. Còn những người hiểu ông nhiều năm đã cười vào những cái mác mà người ta gắn cho ông.

Nhưng tất cả đều đồng ý rằng ông là người khó nắm bắt, từ chối bị đặt trong một cái hộp tư tưởng ngay từ những ngày đầu còn ở Argentina.

Từ khoảnh khắc ông bước ra ban công trung tâm của vương cung thánh đường Basilica và chào đón đám đông sau khi bất ngờ được bầu làm người lãnh đạo Nhà thờ Công giáo vào tháng 3.2013, Giáo hoàng Francis đã đi vào lịch sử với tư cách Giáo hoàng đầu tiên của Mỹ Latin. Đêm hôm đó, ông còn nói đùa rằng các hồng y đã đi đến “tận cùng thế giới” để tìm ra một giáo hoàng.

Lời nói ấy cho thấy khoảng cách lớn thế nào giữa một nước như Argentina tới Vatican. Nhưng đến nay, một điều dường như đã trở nên rõ ràng là Giáo hoàng Francis không hề nói đùa. “Tận cùng thế giới” là ẩn dụ của những ngôi nhà ổ chuột.

Giáo hoàng của những ngôi nhà ổ chuột

Để hiểu được một vị giáo hoàng của những người làm vườn và lao công, cần phải bắt đầu từ Argentina, nơi người trước khi trở thành lãnh đạo Vatican đã được gọi với cái tên Jorge Mario Bergoglio.


Giáo hoàng Francis hôn đầu một người đàn ông bị biến dạng khuôn mặt trên quảng trường Thánh Peter năm 2013 (Ảnh: AP)

Giáo hoàng Francis hôn đầu một người đàn ông bị biến dạng khuôn mặt trên quảng trường Thánh Peter năm 2013 (Ảnh: AP)

Đối với nhiều người Argentina, Jorge Mario Bergoglio là một bí ẩn. Khi ông trở thành tổng giám mục của Buenos Aires năm 1998, ông chuyển đổi một khu nhà công thành ký túc xá cho các linh mục, còn ông chuyển đến ở chung trong một tòa nhà văn phòng của giáo phận.

Ông có một phòng ngủ nhỏ được trang bị lò sưởi di động để ông sử dụng khi hệ thống sưởi trung tâm của tòa nhà tắt tự động vào cuối tuần. Ông thường tự nấu ăn trong một căn bếp nhỏ.

Ông tránh xuất hiện trên các phương tiện truyền thông và dành ít thời gian ở những khu vực giàu có của thủ đô.

Những người tiền nhiệm của ông rất thân với giới quý tộc chính trị (dẫn đến vụ bê bối tham nhũng sau đó), nhưng tổng giám mục Bergoglio luôn giữ khoảng cách với tầng lớp này.

Ông lập ra một nhóm linh mục sống và làm việc ở những khu ổ chuột ở Buenos Aires, và ông cũng thường xuyên đến làm lễ ở đó. Trước mỗi dịp Phục sinh, ông đều đến thăm tù nhân, bệnh nhân AIDS hoặc người già.

Những tháng đầu tiên mới trở thành Giáo hoàng, ông vẫn trả hóa đơn khách sạn mà ông ở trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu kín của các hồng y Vatican. Sau khi được bầu chọn, ông vẫn đi đôi giày đen đơn giản thay vì đôi giày đỏ mà các giáo hoàng khác thường đi.

Ông không sử dụng căn hộ nhiều phòng trong nhà khách của Vatican. Ông không ngại rửa chân cho các tù nhân, phụ nữ và một người Hồi giáo.

Ông ôm hôn một người đàn ông “mặt quỷ”. Ông gửi đi tín hiệu về một thái độ chào đón hơn đối với những người đồng tính với câu nói: “Tôi là ai đâu mà được phán xét?”.

Những buổi giảng đạo buổi sáng mà Giáo hoàng Francis tổ chức 4 lần/tuần hiện nay đều mang phong cách giản dị, nơi Giáo hoàng thể hiện đúng nghĩa mình là người chăn cừu, không phải một vị vua.

Nhưng vị giáo hoàng giản dị cũng là một giáo hoàng nhiều hoài bão. Giáo hoàng Francis không chỉ đang nỗ lực thay đổi Nhà thờ Công giáo Roma, ông dường như quyết tâm tạo ra thay đổi trên toàn thế giới.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại