Bản tính keo kiệt "vô địch thiên hạ" của quan lại Trung Hoa

Trần Quỳnh |

Bảng xếp hạng dưới đây sẽ khiến nhiều người bật cười trước muôn kiểu hà tiện của mười vị quan keo kiệt nhất trong lịch sử Trung Quốc.

Tào Hồng

Tào Hồng là em trai của Tào Tháo - một nhân vật có tên tuổi thời Tam Quốc. Ông từng nhiều lần cứu sống Tào Tháo, cùng Tào Tháo đánh đông dẹp bắc, lập được không ít công trạng, được phong làm Đô hộ Tướng quân.

Sau khi Tào Phi xưng đế, Tào Hồng được phong làm Vệ tướng quân, sau lại thăng chức làm Phiêu Kỵ tướng quân, tước Dã Vương hầu, sau đổi thành Đô Dương hầu.

“Ngụy lược” có ghi chép: Tào Hồng vơ vét của cải rất có kỹ nghệ, là kẻ giàu nhất trong các thủ hạ của Tào Tháo. Thân là kẻ có tiền, nhưng Hồng lại vô cùng hà tiện và keo kiệt, từng có lần suýt mất mạng vì bản tính này.


Hình tượng Tào Hồng trên phim ảnh - vị tướng quân mất chức vì keo kiệt. (Ảnh: nguồn internet).

Hình tượng Tào Hồng trên phim ảnh - vị tướng quân mất chức vì keo kiệt. (Ảnh: nguồn internet).

Khi Ngụy Văn đế Tào Phi còn đang ở ngôi Thái tử, từng hỏi mượn Tào Hồng 100 kiện vải. Hồng khi đó trong lòng không muốn, liền tìm mọi cách thoái thác, kết quả là chọc giận Tào Phi.

Kể từ đó, Tào Phi ghi hận trong lòng, sau khi lên ngôi đã tìm lý do kéo vị thúc thúc này ngã ngựa. Tào Hồng năm đó suýt bị xử tử, may có Biện Thái hậu ra mắt cầu xin mới giữ được mạng sống, nhưng bị tước quan, hạ tước vị.

Tiêu Kỷ

Thời Nam – Bắc triều có Võ Lăng vương Tiêu Kỷ là con trai thứ 8 của Lương Võ Đế. Sinh thời, Kỷ được phụ hoàng rất mực cưng chiều, muốn gió được gió, muốn mưa được mưa.

Sinh ra trong hoàng thất, lại được sủng ái, lẽ ra Kỷ phải là người coi thường tiền bạc. Nhưng trên thực tế, vị Võ Lăng vương này lại là một kỳ nhân keo kiệt hiếm có trong thiên hạ.

Sinh thời, Tiêu Kỷ là bậc kỳ tài, giỏi võ nghệ, từng khai phá Ninh Châu, Việt Tuyến ở phía Nam, thu phục Tư Lăng, dân tộc Thổ Dục Hồn ở phía Tây, lại có chính sách khuyến nông trong nước, tăng cường thông thương với bên ngoài, tiền bạc nhiều không kể xiết.


Có thừa tài năng và của cải, nhưng Tiêu Kỷ tự đẩy mình vào cửa tử cũng vì keo kiệt. (Ảnh minh họa).

Có thừa tài năng và của cải, nhưng Tiêu Kỷ tự đẩy mình vào cửa tử cũng vì keo kiệt. (Ảnh minh họa).

Dù ngồi trên đống tài sản của thiên hạ, Tiêu Kỷ tiêu một đồng cũng cần phải cân nhắc. Bản thân có thừa tài năng để làm nên đại nghiệp, nhưng Kỷ lại bị chính bản tính keo kiệt của mình hại đến nỗi vong mạng

Sử cũ ghi lại: Tiêu Kỷ khi xuất thân đi đánh Giang Lăng, liền cho người để 100 đồng tiên vào giỏ, lại giả bộ có 100 chiếc giỏ đựng đầy tiền bạc, lụa là, gấm vóc như vậy, treo lên cao để khích lệ binh sĩ.

Nhưng Tiêu Kỷ sau khi chiến thắng lại không hề luận công ban thưởng. Quân lính biết Hoàng đế bày ra trò “cá gỗ”, nhuệ khí tụt giảm nhanh chóng. Trong trận chiến sau đó, đội quân của Tiêu Kỳ nhanh chóng đại bại, bản thân ông cũng mất mạng trong đám loạn quân.

Vi Trang

Thời Ngũ Đại thập quốc còn ghi nhận một vị quan cũng nổi tiếng keo kiệt tên là Vi Trang. Trước mỗi bữa cơm, ông tự mình xuống bếp, cân đo đóng đếm từ gạo đến thức ăn vô cùng cẩn thận, tới bữa dù thiếu một miếng thịt cũng đều biết.


Vi Trang tính toán từ miếng thịt, bát cơm cho tới cả...manh chiếu! (Ảnh minh họa).

Vi Trang tính toán từ miếng thịt, bát cơm cho tới cả...manh chiếu! (Ảnh minh họa).

Năm xưa, họ Vi từng có một con trai, nhưng chết yểu khi mới lên 8. Tới khi an táng, vợ ông mặc cho con quần áo như lúc còn sống. Vi Trang này liền nhanh chóng cởi ra, nói: “Chỉ cần lấy chiếu cũ của nó cuốn cho nó là được.”

Tới khi an táng con trai, Vi Trang còn tiếc của, lấy lại chiếc chiếu mang về.

Chu Trát

Dưới thời Đông Tấn, nhà họ Chu của Hữu tướng quân Chu Trát có tới 5 người được phong hầu. Chu gia thế lực lớn mạnh, lọt vào tấm ngắm của đại thần quyền khuynh thiên hạ lúc bấy giờ là Vương Đôn.

Sau đó, Vương Đôn âm thầm liên thủ với gia tộc họ Thẩm của Giang Nam để thảo phạt Chu Trát. Khi Trát hay tin, tình hình đã vô cùng nguy cấp, liền nhanh chóng đem mấy trăm quân sĩ ra ngoài thành đón địch.

Trong nhà kho của Chu phủ khi ấy có một nhóm binh khí chế tạo rất hoàn mỹ, thủ hạ khuyên Trát lấy ra dùng. Nhưng họ Chu này vì xót của, chỉ trang bị cho quân lính những vũ khí kém nhất.


Chân dung Chu Trát - tướng quân vong mạng vì tiếc của. (Ảnh: nguồn baike).

Chân dung Chu Trát - tướng quân vong mạng vì tiếc của. (Ảnh: nguồn baike).

Đối mặt với thời khắc sinh tử, Chu Trát vẫn giữ “bản lĩnh” keo kiệt, khiến cho sĩ tốt nhụt chí. Kết quả là binh tàn tướng bại, Chu Trát bị giết.

Sở hữu đại danh keo kiệt nổi tiếng thiên hạ, nhưng ít ai biết rằng Chu Trát chính là con trai thứ ba của Chu Xử – đại anh hùng từng chém giao long, hàng phục mãnh hổ nổi tiếng xưa kia.

Trịnh Nhân Khải

Sinh thời, Trịnh Nhân Khải đảm nhiệm chức Thứ sử Mật châu. Vị quan họ Trịnh này nổi tiếng là một người coi tiền như mạng sống.


Bản tính keo kiệt trời sinh từng khiến Trịnh Nhân Khải làm ra nhiều chuyện khôi hài. (Ảnh minh họa).

Bản tính keo kiệt trời sinh từng khiến Trịnh Nhân Khải làm ra nhiều chuyện khôi hài. (Ảnh minh họa).

Trịnh phủ năm xưa từng có một người hầu. Kẻ này nài nỉ chủ nhân cấp cho một đôi giày. Nhân Khải khi ấy sảng khoái đáp ứng: “Việc này đơn giản, ta sẽ kiếm cho ngươi một đôi giày!”

Sau đó, ông cho gọi một người mộc phu đến phủ, lại hạ lệnh cho người này trèo lên cây lấy tổ chim. Trong lúc người đó trèo lên cây, Trịnh Nhân Khải lén bảo người hầu nhà mình lấy giày của mộc phu đi vào.

Đến khi người kia xuống đất, từ có giày bị biến thành chân không, còn người hầu của Trịnh phủ quả nhiên có một đôi giày như ý nguyện.

Trương Doãn

Thời kỳ Ngũ Đại thập quốc, ở Đông Hán có Thị lang Bộ Lại là Trương Doãn cũng nổi tiếng keo kiệt.

Tương truyền rằng Trương Doãn không cho vợ lấy một đồng tiền, lại sợ thê tử lén tiêu, liền đem tất cả chìa khóa trong phủ bỏ vào một xâu, đeo bên thắt lưng.

Từ đó, Doãn đi đâu cũng phát ra tiếng leng keng của chìa khóa, tựa như một nữ nhân đeo nhiều đồ trang sức trên người.


Bản tính keo kiệt của Trương Doãn đã đạt tới trình độ chết vì...xót của! (Ảnh minh họa).

Bản tính keo kiệt của Trương Doãn đã đạt tới trình độ chết vì...xót của! (Ảnh minh họa).

Sau cuộc binh biến Quách Uy, Trương Doãn nhờ trốn trong một ngôi miếu đổ nát mới may mắn thoát chết. Nhưng chìa khóa trên người ông bị binh lính đoạt đi, của nải trong nhà cũng bị cướp sạch.

Trương Doãn về nhà thấy cảnh ấy, tim đau như cắt, khóc òa một tiếng rồi ngã quỵ xuống đất, sau đó thổ huyết, vì xót của mà tức tưởi qua đời.

Vương Nhung

“Thế thuyết tân ngữ” trong phần “Tiết kiệm, keo kiệt” từng có mẩu chuyện ghi chép về vị quan tên Vương Nhung. Theo đó, họ hàng Vương Nhung năm xưa từng có một người cháu gái đi lấy chồng.

Thân làm bác trai, Vương Nhung nghiễm nhiên phải chuẩn bị “một kiện áo đơn” tặng cháu. Thế nhưng, họ Vương này vì xót của, không lâu sau đã chạy đến nhà chồng của cô gái nọ để…đòi quà!


Dù đối với họ hàng hay ruột thịt, Vương Nhung đều đối xử công bằng và...keo kiệt! (Ảnh minh họa).

Dù đối với họ hàng hay ruột thịt, Vương Nhung đều đối xử công bằng và...keo kiệt! (Ảnh minh họa).

Ngay cả đối với con ruột, Vương Nhung cũng không hề hào phóng. Năm xưa, con gái ông gả cho Bùi công tử, từng phải “mượn” cha mấy vạn đồng tiền. Thế nhưng, khi trở về nhà mẹ đẻ, Vương tiểu thư lại quên không trả, khiến cho Vương Nhung giận tím mặt.

Dù vô cùng giàu có, nhưng Vương Nhung trời sinh keo kiệt, một lòng muốn “tiền đẻ ra tiền”, cũng là một kỳ nhân trên phương diện quản lý tài sản.

Họ Vương này một đồng đều không muốn bỏ ra, còn tự mình làm từ cây tăm xỉa răng. Năm đó, trong Vương phủ có cây mận quý ra quả, ông định sai người đem bán lấy tiền.

Tuy nhiên sau đó, Vương Nhung lại lo sợ kẻ khác lấy hạt mận nhà mình để trồng, liền đem bỏ hết hạt trong mận rồi mới mang đi bán.

Nguyên Tông Quy

Một số tài liệu lịch sử từng ghi lại: Đường triều có vị quan tên là Nguyên Tông Quy, làm tư mã ở Quả Châu.

Nguyên phủ khi đó có một tỳ nữ mới chết, Nguyên Tông Quy liền nhắc nhở quản gia: “Tỳ nữ già của phủ ta đã qua đời. Bà ấy ở nhà ta tận tụy nhiều năm, hẳn là nên mua quan tài để nhập liệm, đưa tang.

Ta mới nhậm chức, trong nhà rất nghèo, mua không nổi quan tài mới. Ngươi chỉ cần lấy đại cái nào còn dùng được là ổn. Nhớ không được nói là nhà ta mua, cứ bảo là nhà ngươi có tang sự.”


Chân dung Nguyên Tông Quy - vị tư mã từng bị thiên hạ chê cười vì quá keo kiệt.

Chân dung Nguyên Tông Quy - vị tư mã từng bị thiên hạ chê cười vì quá keo kiệt.

Quản gia sau khi rời phủ liền đem lời Nguyên Tông Quy kể lại cho mọi người. Thiên hạ thấy vậy đều chê cười vị tư mã này hẹp hòi. Câu chuyện keo kiệt của vị quan họ Nguyên từ đó trở thành chuyện mua vui khắp nơi trong những lúc trà dư tửu hậu.

Lý Việt

Sử cũ ghi chép: Lý Việt là người quang minh chính đại, từng giữ chức huyện lệnh Thái Châu. Tuy nhiên, họ Lý tính tình vô cùng keo kiệt, nhiều lần xử sự khiến cho người khác không khỏi mất lòng.

Năm xưa, nhà họ Lý quanh năm suốt tháng chẳng mấy khi ăn thịt.

Tới mùng 8 tháng chạp hằng năm, Lý Việt thường sai người làm đến hàng thịt để “mượn” một cân thịt đem về, lại lấy thêm vài chiếc đĩa, đặt lên vài đồng tiền, cứ như vậy làm thành một mâm cơm để cúng tổ tiên.


Lý Việt từng không ngại mượn thịt để làm cơm cúng tổ tiên. (Ảnh minh họa).

Lý Việt từng không ngại "mượn" thịt để làm cơm cúng tổ tiên. (Ảnh minh họa).

Vị quan này trong lúc khấn vái còn nói: “Rượu này là con dùng tiền làm quan mua được, vô cùng trong sạch. Thịt là con mượn từ cửa hàng, các ngài có thể “ăn hương ăn hoa”. Bởi vì bận công chuyện nên con chưa kịp mua trái cây, nay xin dùng tiền này thay cho hoa quả.”

Sau khi cúng bái xong, Lý Việt lập tức sai người mang thịt vừa mượn đến trả lại cửa hàng. Mọi người biết chuyện đều chê cười.

Thang Bân

Vào thời nhà Thanh, trong những năm Khang Hy tại vị, tuần phủ Giang Ninh là Thang Bân từng được tôn là “Lý học đại thần”, từng là nhân vật cốt cán trong triều cùng Chu Học Phái.


Thang Bân cả đời sinh hoạt kham khố, lấy việc tiết kiệm làm danh tiết, cũng nổi danh là một kỳ nhân keo kiệt. (Ảnh nguồn: Eastday.com).

Thang Bân cả đời sinh hoạt kham khố, lấy việc tiết kiệm làm danh tiết, cũng nổi danh là một kỳ nhân keo kiệt. (Ảnh nguồn: Eastday.com).

Tương truyền rằng, vị quan này có một ngày bỗng nổi hứng kiểm tra toàn bộ sổ sách chi tiêu của Thang phủ. Sau đó, Thang Bân bàng hoàng phát hiện có người trong nhà từng cả gan mua… một quả trứng!

“Lý học đại thần” lúc đó vô cùng giận dữ nói: “Ta từ khi tới Tô Châu còn chưa bao giờ ăn một quả trứng gà, rốt cuộc là kẻ nào dám mua?”

Hạ nhân trong nhà khi ấy khai rằng người mua trứng là công tử. Thang Bân liền gọi con trai tới, phạt quỳ ngoài sân, còn luôn miệng quở trách:

“Con cho rằng trứng gà Tô Châu với trứng gà Hà Nam có giá như nhau hay sao? Nếu muốn ăn trứng gà thì về quê Hà Nam mà ăn!”

 

 

 

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại