Đối đầu phương Tây trên khắp thế giới, ông Putin "bước tới mọi nơi mà sức mạnh Mỹ suy tàn"?

Tất Đạt |

Tờ CNN cho rằng, tại những nơi Mỹ rời bỏ, ông Putin lại tìm thấy cơ hội cho riêng nước Nga.

Sau đây là một bài bình luận được đăng tải trên CNN về tầm ảnh hưởng chiến lược ngày càng sâu rộng của tổng thống Putin trên thế giới, đặc biệt khi xét tới tình hình chính trị của các nước trong thời gian gần đây:

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã kết thúc một tuần làm việc với những thành tựu ngoại giao cấp cao khi ông xuất hiện tại Diễn đàn Vành đai Con đường ở Bắc Kinh - và nhận được sự đón tiếp nhiệt tình của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình.

"Tổng thống Putin là người bạn tốt, là người bạn lâu năm của người dân Trung Quốc. Ông ấy cũng là người bạn thân thiết nhất của tôi," ông Tập nói.

Trước khi tới Trung Quốc, ông Putin đã gặp mặt nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại thành phố Vladivostok, Nga. Tại đây, ông Putin đã tự đặt mình vào vị trí của nhà hòa giải cho cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, và đưa Nga trở lại vị thế quan trọng trên trường quốc tế.

Đối đầu phương Tây trên khắp thế giới, ông Putin bước tới mọi nơi mà sức mạnh Mỹ suy tàn? - Ảnh 1.

Tổng thống Nga Putin gặp mặt Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AP

Trả lời các phóng viên sau cuộc thượng đỉnh, ông Putin nói ông sẽ chuyển lời về kết quả của cuộc thượng đỉnh tới ông Tập - cũng như tới chính quyền của ông Trump.

"Tất nhiên, tôi sẽ nói về chuyện đó tại Bắc Kinh với người lãnh đạo của Trung Quốc. Tôi cũng sẽ nói một cách cởi mở và thẳng thắn nội dung cuộc nói chuyện hôm nay với nhà lãnh đạo nước Mỹ. Không có gì bí mật ở đây cả, Nga luôn cởi mở, và không có thuyết âm mưu nào hết."

Tuy nhiên, điều không được nhắc tới là sự thật rằng tổng thống Mỹ Donald Trump đã thất bại trong nỗ lực thúc giục ông Kim kí một thỏa thuận hạt nhân. Hồi tháng 2 vừa qua, ông Trump đã cắt ngắn cuộc gặp thượng đỉnh với ông Kim Jong Un sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên kiên quyết muốn Mỹ gỡ bỏ các lệnh trừng phạt.

"Đôi lúc chúng ta phải học cách rời bỏ," ông Trump nói.

Nhưng tại những nơi Mỹ rời bỏ, ông Putin lại tìm thấy cơ hội cho riêng nước Nga.

Ảnh hưởng của Nga trên khắp thế giới

Ví dụ, vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi đã khiến Washington bối rối và đe dọa nghiêm trọng tới mối quan hệ giữa Mỹ và Ả Rập Saudi. Giữa lúc cộng đồng quốc tế sôi sục về cái chết của ông Khashoggi, điện Kremlin đã im lặng một cách bất thường.

Các quan chức Mỹ nói nhiệm vụ thuyết phục ông Khashoggi từ Istanbul trở về Ả Rập Saudi sẽ không thể nào được thực hiện mà không có sự đồng thuận của Thái tử Mohammed bin Salman. Riyadh vẫn luôn khẳng định rằng cả Thái tử bin Salman lẫn Quốc vương Salman đều không biết gì về vụ ám sát Khashoggi.

"Làm thế nào mà nước Nga có thể hủy hoại mối quan hệ với Ả Rập Saudi trong khi không biết điều gì đã thực sự xảy ra tại nơi đó?" - ông Putin hỏi.

Đối đầu phương Tây trên khắp thế giới, ông Putin bước tới mọi nơi mà sức mạnh Mỹ suy tàn? - Ảnh 2.

Ông Putin đập tay với Thái tử Mohammed al Salman khi bê bối Khashoggi vẫn chưa lắng xuống. Ảnh: NBC News

Trường hợp về Philippines cũng đáng lưu tâm. Hồi năm 2017, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã có chuyến thăm tới Moskva. Đây là một khoảnh khắc quan trọng bởi chính phủ Nga đã đón tiếp nhiệt tình với ông Duterte giữa những chỉ trích của Mỹ về việc Philippines vi phạm nhân quyền nghiêm trọng trong cuộc chiến chống ma túy gây tranh cãi ở nước này.

Và sau đó, không thể không kể tới cuộc khủng hoảng ở Venezuela, nơi điện Kremlin đã ngầm gửi tới vô số sự hỗ trợ dành cho tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. Với những động thái "khiêu khích" nhưng ít tốn kém như cử máy bay ném bom Nga có khả năng chở theo đầu đạn hạt nhân tới Venezuela, ông Putin đã ám chỉ rằng Nga có thể "chơi" ngay trên sân sau của Mỹ.

Ông Putin dường như bước tới mọi nơi mà sức mạnh Mỹ suy tàn. Vậy điều đó phải chăng có nghĩa là ông Putin là một kì thủ lão luyện trên bàn cờ địa chính trị, khéo léo điều khiển từng quân cờ trên mọi mặt trận khắp thế giới?

Câu trả lời - mà theo như hầu hết những chuyên gia về Nga nhận định - là không. Ông Putin có thể thường xuyên giữ quan điểm đối chọi lại Washington, nhưng chính sách của vị tổng thống Nga cũng có thể mang tính ứng phó và tình thế.

Ví dụ điển hình nhất có thể thấy là tình hình gần đây ở Sudan.

Theo CNN, Tổng thống Sudan Omar al-Bashir dường như đã nhận lệnh, và hành động theo lời của một "thế lực bên ngoài". Các nguồn tin chính phủ và quân sự cho biết ông Bashir không trực tiếp có liên hệ với chính phủ Nga, mà có liên quan tới công ty được điều hành bởi một nhà tài phiệt thân cận với điện Kremlin, ông Yevgeny Prigozhin.

Prigozhin cũng là một cái tên xuất hiện trong cuộc điều tra của Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller về việc Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.

Theo cáo trạng, ông Prigozhin đã đứng đằng sau một tổ chức tung các thông tin thất thiệt nhằm vào những cử tri Mỹ để bỏ phiếu có lợi cho ông Trump trong cuộc tranh cử.

Theo Mark Galeotti, một quan sát viên kì cựu về nước Nga dưới thời ông Putin, gọi đây là chiến lược ngoại giao "thích ứng" của điện Kremlin, tức là cấp dưới sẽ cố gắng đạt được mục tiêu mà ông Putin đề ra.

Tuy nhiên có thể thấy, trong trường hợp ở Sudan, nhà tài phiệt Nga đã thất bại. Ông Bashir đã bị lật đổ vào đầu tháng này.

Có thể thấy, dù trực tiếp hay gián tiếp, ông Putin đã có những sự can thiệp nhất định đối với tình hình an ninh chung của cả thế giới.

*Bài viết không thể hiện quan điểm của tòa soạn

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại