Doanh nghiệp bán ô tô mua resort mời khách ở

PV |

Doanh số bán ô tô tại Việt Nam đã nhanh chóng phục hồi kể từ tháng 10 sau khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng. Một số doanh nghiệp ghi nhận mức tăng trưởng doanh số tháng 10 tăng gần 100% so với tháng trước.

Theo báo cáo của một doanh nghiệp chuyên kinh doanh xe hơi hạng sang, doanh số bán xe tháng 10 đã tăng tới 96% so với tháng 9 và chỉ giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước đó, công ty này ghi nhận tổng doanh số bán ô tô giảm tới 43% trong cả quý 3 do việc thực hiện giãn cách xã hội tại các thị trường chính, Hà Nội và TP.HCM.

Mặc dù vậy, lượng đặt cọc mua xe vẫn tăng trong quý 3 (giai đoạn giãn cách xã hội), lên tới 236 tỷ đồng, tăng 74% so với cùng kỳ năm ngoái và là một kỷ lục mới tại doanh nghiệp này. Điều này cho thấy nhu cầu mua xe của người Việt đang bị dồn nén trong thời gian qua.

Không ít người sẵn sàng chi tiền tỷ cho những chiếc xe sang đắt tiền dịp cuối năm, đặc biệt là thời điểm trước Tết Nguyên đán.

Theo lời nhân viên bán hàng tại một đại lý ô tô Vinfast, không chỉ do tâm lý mua sắm bị dồn nén, nhiều người có tâm lý đặt mua trước 01/12, thời điểm hết hiệu lực của chính sách ưu đãi miễn giảm 50% phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Do đó, lượng khách đặt cọc tăng đột biến trong hai tháng 10 và 11 gần đây.

Tuy nhiên, nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước trước bối cảnh dịch Covid-19, Chính phủ cũng đã chính thức ban hành Nghị định 103/NĐ-CP quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Theo đó, kể từ ngày 1/12/2021 đến hết ngày 31/5/2022, mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước bằng 50% mức thu quy định hiện hành.

Đây là lần thứ 2 trong 2 năm qua, lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được giảm 50%. Các đại lý bán xe kỳ vọng thị trường xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ tiếp tục sôi động nhờ chính sách này.

Doanh nghiệp bán ô tô mua resort mời khách ở - Ảnh 1.

Thị trường ô tô được dự báo sôi động trở lại nhờ chính sách giảm phí trước bạ.

So với các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô nguyên chiếc, các nhà sản xuất, lắp ráp trong nước còn có thêm chút lợi thế khi tình trạng thiếu hụt chip kéo dài giúp giảm bớt cạnh tranh.

Các nhà sản xuất chip lớn đều cho rằng tình trạng thiếu hụt chip sẽ tiếp diễn ít nhất đến nửa đầu năm 2022, chỉ sau khi các nhà máy sản xuất chất bán dẫn xây dựng từ 2020 bắt đi vào hoạt động.

Nhiều hãng xe sang đã giảm sản lượng sản xuất của các mẫu xe mới vì tình trạng thiếu chip kéo dài. Trong trong thông cáo báo chí gần đây, Mercedes, BMW, và Audi ước tính sản lượng sản xuất ô tô năm 2021 sẽ giảm lần lượt 3%, 8% và 11% so ssi năm ngoái.

Thời gian vận chuyển linh kiện chip cho các nhà sản xuất tiếp tục tăng cao lên mức gần 5 tháng (22 tuần), do nguồn cung chưa bắt kịp được với nhu cầu thế giới..

Để chạy doanh số cuối năm, các hãng xe và đại lý bán xe gần đây ồ ạt chạy khuyến mãi với các ưu đãi hấp dẫn. Ngoài việc tặng voucher giảm giá, tặng các gói bảo hiểm, thậm chí tặng thêm 50% phí trước bạ, các nhà bán lẻ ô tô đang tiếp tục có những chiêu độc lạ nhằm câu kéo khách hàng.

Thậm chí, một doanh nghiệp chuyên kinh doanh xe sang với thương hiệu xe hơi đến từ Đức đã chi 36 tỷ đồng vào năm 2020 để mua 1.000m2 nhà tại Villa Hồ Tràm Resort. Mục đích chính để cung cấp cho khách hàng phương thức chiết khấu phi tiền mặt khi mua xe, và tạo lợi thế cạnh tranh với các đại lý khác.

Công ty cho biết giá thị trường của bất động sản này đã tăng lên 50 tỷ đồng, tương ứng lợi nhuận chưa thực hiện là 14 tỷ đồng, nhưng doanh nghiệp này không có kế hoạch kinh doanh BĐS trong tương lai gần.

Thay vào đó, công ty sẽ đầu tư vào nhiều BĐS nghỉ dưỡng khác tại Đà Nẵng, Nha Trang và Hạ Long để tạo một hệ sinh thái giúp thay thế hình thức chiết khấu tiền mặt cho khách hàng trong dài hạn.

Hình thức này không mới trên thị trường bởi Vingroup với hệ sinh thái gồm các resort nghỉ dưỡng trải dài khắp cả nước đã cho phép hãng xe tặng mạnh voucher nghỉ dưỡng cho khách mua xe.

Tuy nhiên, với một doanh nghiệp chuyên kinh doanh ô tô hạng sang, việc mạnh dạn đầu tư vào các dự án resort, dù mới chỉ ở mức dè dặt, cũng là một chỉ dấu cho thấy sự dịch chuyển về phương thức chăm sóc khách hàng và thúc đẩy lợi nhuận.

Trước đó, VAMA cho hay trong tháng 10/2021, doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 29.797 xe, tăng 120% so với tháng 9/2021, giảm 10,4% so với tháng 10/2020. Doanh số bán của xe lắp ráp trong nước đạt 15.344 xe, tăng 110% so với tháng trước và doanh số xe nhập khẩu nguyên chiếc là 14.453 xe, tăng 132% so với tháng trước.

Doanh số tăng trong tháng 10 nhờ vào 2 yếu tố chính: hoạt động trở lại của tất cả các đại lý ô tô trên toàn quốc, cũng như sự phục hồi nhanh chóng của các dòng xe nhập khẩu nguyên chiếc, tăng 132% so với tháng trước; và mới đây là thông tin từ Chính phủ về việc áp dụng mức giảm 50% lệ phí trước bạ sẽ được áp dụng từ ngày 15 tháng 11 năm 2021.

Tuy nhiên, doanh số tháng 10 năm 2021 vẫn giảm 10,4% so với tháng 10 năm 2020. Doanh số bán ra của thị trường lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 10 vẫn thấp hơn so với cùng kỳ trong thời điểm trước đại dịch (Mười tháng đầu 2021 so với mười tháng đầu 2019: giảm 16%).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại