Đình chỉ giao S-400, Ấn Độ tin Nga sẽ từ bỏ Trung Quốc?

Mạnh Kiên |

Câu hỏi đặt ra là liệu Nga có từ bỏ quan hệ chiến lược với Trung Quốc để quay sang bắt tay với Ấn Độ trong cuộc chiến mới?

Ấn Độ và Nga đã tăng cường các nỗ lực trong những tháng gần đây để tăng quy mô các cam kết song phương giữa cả hai.

Với tình hình căng thẳng mà Ấn Độ đang đối mặt ở biên giới với Trung Quốc, Nga có thể lo ngại về việc New Delhi sẽ trở thành một phần trong khuôn khổ do Mỹ dẫn đầu nhằm chống lại Bắc Kinh. Mặt khác, New Delhi đang có những hy vọng rằng, Nga có thể thoát khỏi các khuôn khổ do Trung Quốc định hướng để tăng cường hợp tác với chính mình.

Câu hỏi đặt ra là liệu Nga có từ bỏ quan hệ chiến lược với Trung Quốc để quay sang bắt tay với Ấn Độ trong cuộc chiến mới?

Đình chỉ giao S-400, Ấn Độ tin Nga sẽ từ bỏ Trung Quốc? - Ảnh 1.

Theo các nhà phân tích, bản thân Nga cũng lo ngại về các hoạt động của Trung Quốc trong khu vực và hai nước cũng đã có một số bất đồng thời gian qua.

Trước đó, vào tháng 12/2019, một công ty quốc phòng Nga đã cáo buộc Trung Quốc "sao chép trái phép" khí tài quân sự của nước này.

Vào tháng 7, Nga đã quyết định đình chỉ giao hệ thống tên lửa đất đối không S-400 cho Trung Quốc. Bên cạnh đó, Moscow được cho là không thoải mái với các động thái gia tăng ảnh hưởng kinh tế và quân sự của Bắc Kinh ở Trung Á.

Những diễn biến này cho thấy, sự xuất hiện của những bất ổn mới có khả năng làm rạn nứt mối quan hệ.

Vì sao Nga khó rời bỏ Trung Quốc?

Trung Quốc trong vài tháng qua bị cáo buộc có những hành động làm tổn hại chủ quyền lãnh thổ của Ấn Độ, quốc gia là đối tác chiến lược thân thiết của Nga và cũng là thị trường quan trọng đối với vũ khí Nga.

Ấn Độ đã quyết định rút khỏi cuộc tập trận quân sự Kavkaz 2020 của Nga, được cho là vì có sự tham gia của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, trong khi Moscow phải duy trì một tư thế chiến lược tự chủ, không phụ thuộc vào Trung Quốc, thì có một số thách thức cản trở việc Nga tách khỏi Trung Quốc để có mối quan hệ hợp tác với phương Tây.

Thứ nhất, không giống như những năm 1970, khi sự phụ thuộc của Trung Quốc vào Nga ngày nay là rất ít, trong khi bản thân Moscow lại phụ thuộc đáng kể vào Bắc Kinh về thương mại.

Ví dụ, vào năm 2018, trong khi thương mại của Nga với Trung Quốc chiếm đến 15,5% tổng kim ngạch, thì tỷ lệ đó của Trung Quốc với Nga chỉ là 0,8%. Hơn nữa, thương mại chủ yếu tập trung vào nguyên liệu thô, xuất khẩu năng lượng từ Nga chiếm hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc.

Đình chỉ giao S-400, Ấn Độ tin Nga sẽ từ bỏ Trung Quốc? - Ảnh 3.

Nga đi theo liên minh do Ấn Độ và Mỹ dẫn đầu vẫn là khả năng nhỏ nhoi.

Về hợp tác công nghệ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Putin đã ký kết một lộ trình cho giai đoạn 2021-2022. Huawei không chỉ thử nghiệm 5G tại Nga mà còn mở một phòng thí nghiệm nghiên cứu trí tuệ nhân tạo ở Moscow. Cũng có báo cáo cho rằng hai quốc gia đang hợp tác để tích hợp các hệ thống định vị vệ tinh của nhau.

Bắc Kinh đã tạo ra sự phụ thuộc đáng kể đối với Moscow và được trang bị tốt hơn để ngăn chặn Nga thay đổi động lực cân bằng quyền lực ở châu Á.

Thứ hai, Nga ngày nay không cung cấp nguồn lực kinh tế dồi dào như Trung Quốc. Về phần mình, Trung Quốc đã cung cấp lao động giá rẻ cho các công ty Mỹ và châu Âu, tạo ra lợi ích và sự phụ thuộc. Với cấu trúc hiện tại của nền kinh tế Nga cũng như về nhân khẩu học, rất khó có cơ hội để Nga đi theo cách làm tương tự.

Do đó, ngay cả khi Mỹ-Nga có quan hệ hợp tác để kiềm chế Trung Quốc, thì trục xoay kinh tế nhằm duy trì quan hệ đó sẽ đòi hỏi nhiều nỗ lực đáng kể.

Thứ ba, mặc dù có nền kinh tế tương đối yếu, nhưng Moscow gây ra sự lo lắng lớn cho các nước phương Tây ở khía cạnh đối ngoại.

Trong những năm 1970, mặc dù Trung Quốc là một quốc gia lớn, ảnh hưởng của nước này chỉ giới hạn ở một số khu vực của châu Á. Mặt khác, trong thời gian gần đây, Moscow luôn bị cáo buộc là gia tăng vị thế tại các sân sau của phương Tây.

Do những lo ngại này, lời kêu gọi xây dựng mối quan hệ bền vững với Nga có thể bị một số quan chức phương Tây coi là hành động thông đồng với đối thủ.

Cuối cùng, trong khi một phần giới lãnh đạo chính trị của Mỹ gần đây đã hòa giải và cố gắng tiếp cận với Moscow, thì quan điểm chủ đạo ở Mỹ vẫn nhìn Nga qua lăng kính Chiến tranh Lạnh. Ví dụ, Báo cáo Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ (2019) đã phân loại Nga là "một tác nhân xấu đang hồi sinh".

Do đó, khả năng Điện Kremlin cắt đứt quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt với Bắc Kinh để chuyển sang Ấn Độ sẽ phụ thuộc vào việc, liệu giới tinh hoa chính trị của Mỹ có thể thay đổi quan điểm hay không.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại