Điều ít biết về nhân vật đứng sau cuộc chính biến tại Guinea

Hồng Anh |

Đại tá Mamady Doumbouya, chỉ huy lực lượng đặc nhiệm của quân đội Guinea, cho biết tình trạng nghèo đói và tham nhũng đã thúc đẩy lực lượng này lật đổ Tổng thống Alpha Conde.

Các binh lính Guinea tại thủ đô Conakry ngày 5/9.Ảnh: Reuters.

Các binh lính Guinea tại thủ đô Conakry ngày 5/9.Ảnh: Reuters.

Một cuộc đấu súng dữ dội đã xảy ra ngay tại trung tâm của thủ đô Conkary (Guinea) sáng 5/9. Sau đó, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều video cho thấy, Tổng thống của quốc gia Tây Phi này đang bị quân đội bắt giữ. Trên kênh truyền hình nhà nước, lực lượng đặc nhiệm của Guinea tuyên bố giải tán chính phủ và các cơ quan nhà nước, xóa bỏ hiến pháp, đóng cửa biên giới trên bộ, trên không tại quốc gia Tây Phi này.

Lý do Guinea rơi vào cảnh binh biến

Đại tá Mamady Doumbouya, chỉ huy lực lượng đặc nhiệm của quân đội Guinea, cho biết tình trạng nghèo đói và tham nhũng đã thúc đẩy lực lượng này lật đổ Tổng thống Alpha Conde. Nếu quân đội chiếm quyền tiếp quản đất nước, Guinea sẽ trở thành quốc gia Tây Phi thứ 3 trải qua cuộc chuyển giao quyền lực dữ dội trong 5 tháng qua.

Trước đó vào tháng 4, Tổng thống Cộng hòa Chad, ông Idriss Deby Itno đã qua đời do bị thương trên mặt trận khi đang chỉ huy quân đội chiến đấu với phiến quân ở miền Bắc, vụ việc mà giới học thuật cho là “một cuộc đảo chính bí mật”. Tiếp đến vào tháng 5, Phó Tổng thống Mali đã tiến hành cuộc đảo chính, bắt giữ tổng thống, thủ tướng và bộ trưởng quốc phòng của nước này.

Alexis Arieff, tại Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ, nói rằng, các cuộc đảo chính và binh biến không còn là điều mới lạ ở Tây Phi, khu vực đã chứng kiến ​​"sự thụt lùi của nền dân chủ" trong những năm gần đây.

Trước khi ông Conde trở thành nhà lãnh đạo được bầu theo thể chế dân chủ đầu tiên tại Guinea vào năm 2010, quân đội đã hai lần nắm giữ quyền lực, vào năm 1984 và 2008.

Tổng thống Alpha Conde đã giành chiến thắng đầy tranh cãi trong cuộc bầu cử tháng 10/2020 sau khi thay đổi hiến pháp, cho phép ông nắm quyền thêm một nhiệm kỳ nữa, vượt quá giới hạn 2 nhiệm kỳ. Chiến thắng này làm dấy lên các cuộc biểu tình phản đối của lực lượng lượng đối lập. Đã có hàng chục người thiệt mạng trong các cuộc đụng độ giữa những người biểu tình và lực lượng ủng hộ chính phủ. Ngay trước thềm cuộc bầu cử, ông Conde cáo buộc thủ lĩnh phe đối lập Cellou Dalein Diallo, cố gắng chiêu mộ lính đánh thuê để tấn công Guinea.

Theo giới phân tích, cuộc đảo chính xuất phát từ thực trạng biểu tình bạo lực gia tăng nhằm phản đối việc sửa hiến pháp. Bên cạnh đó, nền kinh tế Guinea cũng là nguyên nhân khiến giọt nước tràn ly.

Sau khi nhậm chức, chính phủ của Tổng thống Conde đã giúp Guinea trở thành một nước xuất khẩu quặng bauxite lớn, giúp kinh tế tăng trưởng. Nhưng điều này cũng tác động không nhỏ đến cuộc sống của một bộ phận người dân. Một số nhóm nhân quyền nói rằng, các công ty khai thác mỏ đã làm ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh kế của các cộng đồng nông thôn.

Trong những tuần gần đây, chính phủ đã tăng thuế mạnh để bổ sung kinh phí vào kho bạc nhà nước và tăng giá nhiên liệu lên 20%, gây ra sự thất vọng trên diện rộng. Reuters cho biết, nhiều nhà phê bình đã chỉ trích chính phủ về tình trạng chia rẽ sắc tộc, gia tăng cạnh tranh chính trị và tham nhũng.

Nhân vật cầm đầu cuộc đảo chính

Trong tuyên bố trên truyền hình nhà nước, ông Mamady Doumbouya nói: “Chúng ta sẽ không còn giao phó chính trị cho một người nữa, thay vì vậy, giao phó chính trị cho toàn bộ nhân dân. Chúng tôi tới đây chỉ vì mục đích này. Nghĩa vụ của người lính là phải cứu đất nước”.

Theo một nguồn tin quân đội, cây cầu duy nhất kết nối đất liền với khu vực Kaloum – nơi đặt dinh tổng thống và nhiều tòa nhà chính phủ, đã bị phong tỏa. Lực lượng đảo chính đã áp đặt lệnh giới nghiêm trên toàn quốc và cho biết, sẽ triệu tập một cuộc họp với nội các của Tổng thống Conde trong ngày hôm nay. Tuyên bố của phe đảo chính nêu rõ "bất kỳ ai không tham dự sẽ bị coi là nổi loạn chống Ủy ban phát triển và tập hợp quốc gia (CNRD)".

Mamady Doumbouya sinh ra tại vùng Kankan ở Guinea. Ông có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực quân sự, từng tham gia các hoạt động tại Afghanistan, Bờ Biển Ngà, Djibouti, Cộng hòa Trung Phi.

Ông cũng là cựu thành viên của French Foreign Legion (FFL) (đơn vị đặc nhiệm của Pháp cho phép các công dân mang quốc tịch nước ngoài gia nhập đơn vị, miễn là họ vượt qua những bài kiểm tra về thể chất và tinh thần trước khi trở về nước để lãnh đạo Lực lượng đặc nhiệm – một đơn vị tinh nhuệ do Tổng thống Alpha Conde lập ra vào năm 2018. Theo một số phương tiện truyền thông, ông từng được huấn luyện tại Flintlock – cuộc tập trận thường niên lớn nhất của quân đội Mỹ tại châu Phi. Ông được cho là đã tìm kiếm thêm quyền hạn cho lực lượng đặc nhiệm trong năm nay.

Mamady Doumbouya tuyên bố ông hành động để đáp lại thiện chí của người dân, đối đầu với đói nghèo và nạn tham nhũng. “Nếu nhân dân bị giới tinh hoa đè bẹp, quân đội phải trả lại tự do cho nhân dân”. Mamady Doumbouya cho biết thêm, Hiến pháp sẽ được viết lại với sự tham vấn của tất cả người dân Guinea.

Khung cảnh hỗn loạn đã diễn ra trên đường phố Conkary sau cuộc đảo chính. Một nhân viên bảo vệ hiệu thuốc cho biết: “Chúng tôi liên tiếp nghe thấy tiếng súng nổ và các binh lính di chuyển khắp thành phố. Mọi người đều phải ở trong nhà vì các binh sỹ không cho phép họ ra ngoài”. Một số người dân nhớ lại những cuộc đảo chính trước đây và lo ngại về một tương lai đầu bất ổn. “Các cuộc đảo chính quân sự không có lợi cho Guinea. Quân đội cần phải thực hiện lộ trình chuyển giao quyền lực trong thời gian ngắn”.

Liên Hợp Quốc đã lên án mạnh mẽ hành động lật đổ chính quyền bằng vũ lực nói trên và kêu gọi trả tự do lập tức cho ông Conde. Cộng đồng kinh tế các nước Tây Phi (ECOWAS) cũng lên án cuộc đảo chính và đe dọa sẽ trừng phạt Guinea nếu nước này không khôi phục lại trật tự hiến pháp./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại