Chiều 10-10, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm "Giá thành điện - Thực trạng và giải pháp".
Tọa đàm diễn ra trong bối cảnh Bộ Công Thương vừa công bố nội dung về kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2023 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Theo đó, năm 2023, tổng cộng hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2023 và các hoạt động liên quan đến sản xuất kinh doanh điện năm 2023 của EVN lỗ 21.821 tỉ đồng.
Trước đó, năm 2022, EVN lỗ 26.235 tỉ đồng. Như vậy, tổng số lỗ 2 năm liên tiếp 2022 - 2023 lên tới hơn 48.000 tỉ đồng, chưa bao gồm khoản chênh lệch tỉ giá hơn 18.000 tỉ đồng theo hợp đồng mua bán điện của các đơn vị phát điện phần còn lại năm 2019 và khoản chênh lệch tỉ giá theo hợp đồng mua bán điện các năm từ 2020 - 2023.
Lý giải về số lỗ của EVN trong năm 2023, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) Nguyễn Thế Hữu cho biết quá trình và kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2023 của EVN đảm bảo quá trình tính khách quan, minh bạch.
Theo báo cáo của EVN và trong quá trình kiểm tra của đoàn kiểm tra, năm vừa qua, giá nhiên liệu đầu vào cho sản xuất điện gồm giá than, dầu, khí, tỉ giá ngoại tệ đều tăng cao do biến động của tình hình chính trị xã hội toàn thế giới cùng với ảnh hưởng của hiện tượng El Nino khiến cơ cấu nguồn điện biến động theo hướng bất lợi. Tức là nguồn cho điện giá rẻ như thủy điện giảm trong khi nguồn điện có giá đắt như điện than, điện dầu tăng cao.
Cùng với đó, nhu cầu điện của Việt Nam tăng cao, xấp xỉ 10-11%, như vậy, ngoài các nguồn điện rẻ đã sử dụng hết, ngành điện tiếp tục sử dụng nguồn tăng thêm có giá cao hơn. Tất cả những yếu tố đó dẫn tới chi phí phát điện tăng cao.
Khó thu hút đầu tư tư nhân vào ngành điện
Theo nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Tiến Thỏa, giá thành mua điện đang cao hơn giá bán, gây nhiều hệ lụy cho ngành điện.
"Nếu số lỗ của EVN tăng mạnh theo từng năm như vậy sẽ khiến tập đoàn này khó đảm bảo tín nhiệm qua con số tài chính để vay vốn, thu hút đầu tư tư nhân vào phát triển nguồn và lưới điện" - ông lo ngại.
Trong khi đó, TS Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh, nhấn mạnh EVN không có đủ nguồn lực đầu tư dự án lớn nếu mấy năm lỗ triền miên như vậy. Nếu tiếp tục duy trì giá điện thấp sẽ rất đe dọa an ninh năng lượng.
Trước con số lỗ "khủng" của EVN tăng mạnh qua từng năm, Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhìn nhận đây là bất cập cần phải giải quyết triệt để nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích cho các bên.
"Nếu EVN cố gắng tìm cách giảm giá mua điện sẽ khiến nhà sản xuất, nhà bán điện thiếu động lực, từ đó tác động xấu tới đầu tư, an ninh ngành điện" - ông nói.
Từ đó, Đại biểu Phan Đức Hiếu kiến nghị tách bạch chính sách an sinh - xã hội trợ giá điện để tính đúng, tính đủ giá điện. Hiện nay, Luật Điện lực đang xem xét sửa đổi, cơ chế chính sách điều chỉnh giá điện đã có, vì vậy cần được điều chỉnh theo đúng quy định.