Tổng thống Nga Putin dự kiến sẽ có bài phát biểu tại lễ ký kết sáp nhập 4 vùng lãnh thổ Ukraine
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov thông tin, tại Đại sảnh Georgian của Đại điện Kremlin, lễ ký kết sáp nhập các vùng lãnh thổ mới vào Nga sẽ diễn ra lúc 15h ngày 30/9/2022 (19h giờ Hà Nội). "Thỏa thuận sẽ được ký với tất cả 4 vùng lãnh thổ đã tổ chức trưng cầu dân ý và đưa ra yêu cầu tương ứng với phía Nga", ông Dmitry Peskov cho biết.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng sẽ có bài phát biểu quan trọng trong sự kiện này và gặp gỡ lãnh đạo các vùng lãnh thổ sáp nhập.
Trước đó, chính quyền thân Nga ở 4 vùng Ukraine là Kherson, Zaporizhzhia ở miền nam và Donetsk, Lugansk ở miền đông thông báo kết quả trưng cầu dân ý cho thấy phần lớn người dân chọn sáp nhập vào Nga. Mặc dù Nga chưa kiểm soát hoàn toàn tỉnh nào trong số các tỉnh này, tuy nhiên lãnh đạo 4 vùng này đã tới Moscow để hoàn tất thủ tục pháp lý cho việc sáp nhập.
Theo hiến pháp Nga và luật liên bang về việc sáp nhập các thành viên mới, thủ tục sáp nhập sẽ gồm nhiều bước. Sau khi các khu vực đệ trình đề xuất sáp nhập cho Nga, Tổng thống Nga sẽ thông báo cho Quốc hội và chính phủ về vấn đề này.
Nếu đạt được thỏa thuận về việc sáp nhập, thì một bản dự thảo các điều ước quốc tế về việc tiếp nhận các quốc gia nước ngoài hoặc các vùng lãnh thổ của các nước này vào Nga sẽ được thiết lập. Các thỏa thuận này quy định các vấn đề như tên và tình trạng của các vùng lãnh thổ mới, quyền công dân, hoạt động của các cơ quan công quyền, quy định pháp luật,...
Phó Chủ tịch Thượng viện Nga Konstantin Kosachev cho biết, Tòa án Hiến pháp Nga cần xác minh xem các thỏa thuận này có tuân thủ luật tối cao của đất nước hay không. Nếu không có vi phạm nào, Quốc hội Nga sẽ phê chuẩn thông qua dự thảo thỏa thuận sáp nhập.
4 tỉnh Donetsk, Lugansk, Zaporizhzhia và Kherson của Ukraine. Đồ họa: DW.
Đồng thời, một dự thảo luật liên bang về việc sáp nhập các lãnh thổ mới vào Nga cần được đệ trình lên Hạ viện Nga. Nếu Hạ viện chấp thuận, dự thảo luật này sẽ tiếp tục được trình lên Thượng viện nước này để xem xét thông qua. Ông Kosachev chia sẻ, luật này có hiệu lực không sớm hơn hiệu lực của các điều ước quốc tế nói trên.
Tuy nhiên cho đến nay, quá trình này bị cho là bất hợp pháp, vì các chuyên gia cho rằng không thể tổ chức một cuộc bầu cử tự do và công bằng trong một vùng chiến sự hoặc lãnh thổ bị chiếm đóng. Một quan chức hàng đầu của Liên Hợp Quốc, Rosemary DiCarlo, cho biết các cuộc bỏ phiếu tại 4 vùng trên của Ukraine "không được gọi là biểu hiện chân thực của ý chí toàn dân".
Kết quả trưng cầu dân ý tại 4 vùng lãnh thổ nói trên của Ukraine cũng mâu thuẫn với dữ liệu từ trước khi xảy ra chiến sự Nga- Ukraine . Một cuộc thăm dò độc quyền do CNN thực hiện vào tháng 2/2022 cho thấy chỉ 18% người Ukraine ở khu vực miền đông - bao gồm cả các vùng Luhansk và Donetsk - đồng ý với tuyên bố rằng "Nga và Ukraine nên là một quốc gia", trong khi 16% người Ukraine sống tại khu vực phía nam, bao gồm các vùng Kherson và Zaporizhzhia ủng hộ điều này.
Mặc dù kết quả của các cuộc trưng cầu dân ý do Nga hậu thuẫn là không đáng ngạc nhiên, nhưng giới quan sát lo ngại rằng những nỗ lực của Nga nhằm khẳng định chủ quyền đối với 4 vùng lãnh thổ Ukraine có thể dẫn đến sự leo thang nguy hiểm của chiến sự Nga- Ukraine.
Điện Kremlin dự kiến sẽ coi các vùng lãnh thổ này như một phần lãnh thổ của Nga, đồng thời cảnh báo rằng họ sẽ bảo vệ các khu vực này. Trong khi đó, phía Ukraine khẳng định vẫn sẽ tiếp tục các cuộc phản công để giành lại các vùng đã bị Nga kiểm soát.
Nếu Ukraine tấn công vào 4 vùng lãnh thổ nói trên, đồng nghĩa đã xâm lược lãnh thổ Nga. Theo đó, Nga có thể sẽ đáp trả mạnh mẽ, không ngoại trừ cả vũ khí hạt nhân, khiến chiến sự Nga- Ukraine sẽ ngày càng khốc liệt hơn.