Các chuyên gia ở xứ sở Sương mù nhận định, các đối thủ tiềm năng của Anh như Nga và Trung Quốc có đủ khả năng để thăm dò và tiêu diệt tàu nổi, máy bay quân sự, thậm chí là các mục tiêu trên mặt đất được bảo vệ chặt chẽ của phương Tây bằng loại vũ khí có độ chính xác cao.
Họ đang nỗ lực để tạo ra các loại vũ khí tương đối rẻ mà vẫn có thể vô hiệu hóa hoặc phá hủy những loại vũ khí đắt tiền.
Các nhà phân tích của RUSI đưa ra cảnh báo về mối đe dọa từ các đối thủ tiềm năng đối với đội tàu sân bay của phương Tây, đặc biệt là tàu sân bay mới nhất của Hải quân Anh mang tên Queen Elizabeth.
Tất nhiên, tiêu diệt tàu sân bay của một quốc gia phát triển về công nghệ là một vấn đề không đơn giản. Bản thân tàu sân bay không có khả năng tự vệ, nhưng cần phải lưu ý rằng, đi kèm với tàu sân bay luôn có một đội tàu hộ tống hùng mạnh, bao gồm: Tàu tuần dương, tàu khu trục, tàu khu trục nhỏ và tàu ngầm đa nhiệm.
Tàu sân bay luôn ở vị trí trung tâm của đội tàu khi di chuyển trên biển và được bảo vệ bởi hệ thống phòng không và hệ thống chống ngầm. Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự Anh có mọi lý do để lo sợ cho "số phận" con tàu của họ trong trường hợp có xung đột vũ trang.
Tàu sân bay USS Carl Vinson của Hải quân Mỹ cùng nhóm tàu hộ tống. Nguồn: RIA Novosti
Báo cáo của RUSI ghi nhận, Trung Quốc và Nga đang tập trung nỗ lực vào việc nghiên cứu cách vô hiệu hóa các thiết bị quân sự chủ chốt, đắt tiền và có số lượng ít của NATO. Một tên lửa chống tàu có chi phí chưa đến nửa triệu bảng Anh có thể vô hiệu hóa tàu sân bay của Anh có giá hơn ba tỷ bảng Anh.
Việc làm này dường như dễ dàng hơn là tạo ra một cái gì đó để tấn công lại trên cơ sở "cùng đẳng cấp". Con tàu mạnh nhất của Hải quân Nga, tàu tuần dương mang tên lửa nguyên tử hạng nặng Peter Đại đế có khả năng mang theo 20 tên lửa P-700 Granit ( NATO định danh là SS-N-19 Shipwreck).
Mỗi tên lửa P-700 Granit mang theo một đầu đạn nổ có sức công phá lớn nặng 750 kg và có khả năng tấn công mục tiêu ở khoảng cách 550 km.
Tất nhiên các tàu sân bay được bảo vệ bởi đội tàu tấn công có nhiều khả năng để phá hủy một phần của tên lửa, nhưng chỉ cần 1 cú đánh bằng tên lửa vào boong tàu sân bay cũng đủ để tàu sân bay lớn và đắt tiền trở nên " vô dụng".
Ngoài tàu Peter Đại đế được trang bị tên lửa P-700 Granit, trong thành phần hạm đội của Hải quân Nga còn có các tàu chiến được trang bị hệ thống tên lửa chống tàu hiện đại hơn như tên lửa Kalibr, nổi tiếng bởi các hoạt động chống khủng bố ở Syria.
Tàu ngầm Nga cũng được coi là mối đe dọa đặc biệt đối với hạm đội tàu chiến lớn nhất của các nước NATO. Các chuyên gia của RUSI cho rằng, các tàu ngầm hiện đại nhất của Nga dựa vào tiếng ồn thấp nên không bị thiết bị định vị thủy âm của tàu sân bay phát hiện.
Tàu ngầm Kazan thuộc đề án Yasen-M, là một phần của Hạm đội Biển Bắc, không hề thua kém các đối thủ cạnh tranh của phương Tây về tần số tiếng ồn ở mức thấp.
Các chuyên gia của RUSI cũng nhắc đến mối đe dọa tấn công mạng. Vào cuối tháng 6, tờ The Telegraph đưa tin, tàu sân bay Queen Elizabeth của Hải quân Anh rất dễ bị tin tặc tấn công.
Theo hình ảnh được công bố trên mạng, các máy tính trong phòng điều khiển của con tàu được cài đặt một hệ điều hành cũ Windows XP.
Hệ điều hành này không còn được Microsoft hỗ trợ, đồng nghĩa với việc không có các bản cập nhật để bảo vệ máy tính khỏi các hình thức tấn công mạng mới, vì vậy các hệ thống thông tin của tàu đứng trước nguy cơ dễ bị xâm nhập.
Nhiều máy tính được cài hệ điều hành Windows XP của các tổ chức trên thế giới đã bị mã độc WannaCry tấn công. Báo cáo của RUSI khẳng định, các đối thủ sẽ cố gắng để phá vỡ hệ thống thông tin liên lạc và điều khiển tàu của các nước NATO.
Cuối cùng, các chuyên gia của RUSI kết luận, không phải lúc nào vũ khí đắt tiền cũng có khả năng ứng phó trước các "mối đe dọa bất đối xứng" từ phía đối thủ thông minh và giàu trí sáng tạo...