Cách đây 22 năm, Gareth Southgate là tội đồ của cả nước Anh khi làm hỏng quả penalty trong trận bán kết với Đức, tại giải Euro 96.
Cả nước Anh giận dữ. Các tờ báo, truyền hình... thi nhau chỉ trích Southgate. Thậm chí, trong chương trình ca nhạc "Top of the Pops" do nhóm Spice Girls cầm trịch vào... 6 tháng sau, nhóm nhạc nữ này vẫn "ôm hận" và đem Southgate ra nói. Dường như người Anh sẽ chẳng bao giờ quên được lỗi lầm này.
Thế nhưng, thực tế cho thấy điều ngược lại. Hiện tại, Southgate là HLV trưởng của đội tuyển bóng đá Anh và đang làm khá tốt công việc của mình. Dưới góc nhìn tâm lí học, chuyện này quả thật rất thú vị.
Gareth Southgate - từ hỏng penalty đến chiến thắng penalty đi vào lịch sử 22 năm sau
Quay lại thời điểm sau Euro 96, nhiều người cho rằng "phốt" hỏng penalty của Southgate quá nặng, nó sẽ đập nát sự nghiệp của ông. Kể cả chính Southgate cũng ám chỉ điều đó.
Cũng phải thôi. Nếu chúng ta đặt bản thân mình vào hoàn cảnh Southgate thời điểm sau Euro 96, ta có thể sẽ nghĩ rằng: "Quê nhà đang bỏ ra hàng tháng trời nguyền rủa tôi và khả năng cầu thủ của tôi, vì tôi đã nỗ lực trong 1 tình huống đặc biệt căng thẳng nhưng không thành công"!.
Vậy, tại sao Southgate vẫn tiếp tục theo đuổi bóng đá? Được biết, Southgate còn giỏi bóng rổ và toàn đạt điểm A ở phổ thông. Nhiều bạn bè cho rằng ông có nhiều con đường khác để đi nếu phải tạm biệt sân cỏ. Nhưng không!
Phải chăng Southgate kiên cường, cứng đầu hơn phần lớn mọi người? Ông yêu bóng đá đến vậy sao? Hay là, chính bản thân những trải nghiệm tiêu cực đã biến thành 1 thứ động lực kì lạ, giúp vực dậy người đàn ông này với nghiệp bóng đá? Theo khoa học, điều đó hoàn toàn có thể.
Rất nhiều nghiên cứu cho thấy những trải nghiệm tiêu cực, gây stress nặng nề lại có thể dẫn đến hiệu quả tâm lí tích cực!
Hiệu quả ấy bao gồm: khả năng xử lý nhận thức hiệu quả hơn, biết cách giải quyết vấn đề, chấp nhận vấn đề và tìm thấy sự lạc quan.
Một người hâm mộ 14 tuổi gửi thư động viên Southgate sau Euro 96, ông đã phản hồi thư để cảm ơn. Southgate viết: "Cảm ơn cậu về lá thư sau giải vô địch châu Âu.
Xin lỗi vì không hồi âm sớm, nhưng cậu biết đó, mọi thứ khá hỗn loạn. Cảm ơn vì những lời động viên tốt lành, điều đó giúp tôi rất nhiều trong thời gian khó khăn này".
Trong tâm lí học, hiện tượng tự vực dậy này gọi là "adversarial growth" – sự tăng trưởng đối nghịch.
Kevin Green - một tỷ phú tự thân đồng thời là nhà tư vấn kinh doanh - cũng ủng hộ quan điểm trên. Trong một nghiên cứu của mình, Kevin phát hiện rằng có 1 điểm chung giữa những người thành công như Bill Gates hay Richard Branson.
Họ đều gặp khó khăn, thậm chí bất hạnh trong quá khứ, và điều ấy lại thôi thúc phải thành công cho bằng được. (Bản thân Kevin Green cũng từng là người vô gia cư vào thập niên 80 trước khi trở thành tỷ phú).
Dĩ nhiên mỗi người sẽ có cách đối mặt với nghịch cảnh khác nhau. Tuy nhiên, điểm chung là hoàn cảnh khó khăn sẽ làm bùng nổ cảm giác chán chường, bí bách. Lúc đó, chớ nên giam cầm, kìm hãm thứ cảm xúc tiêu cực ấy mà hãy trải qua nó.
Việc đương đầu sẽ giúp cho bạn dần dần làm chủ được cảm xúc của mình và huấn luyện bộ não trở nên phong phú, trải đời hơn.
Vì theo bản năng, ai cũng tìm cách tránh những hoàn cảnh éo le, căng thẳng. Nhưng nếu chúng ta dũng cảm dám đương đầu với nó, thì sẽ có được những cảm giác mới, thông tin mới mà trước đây ta chưa từng biết.
Điều này giúp chúng ta hiểu rõ hơn về thế giới xung quanh. Để rồi khi 1 sóng gió mới kéo tới, ta đã biết cách xử lý nó sao cho hiệu quả nhất.
Bằng chứng là ở trận đấu với Colombia tại tứ kết, Southgate đã giúp tuyển Anh làm nên lịch sử. Lần đầu tiên tại World Cup, Tam sư chiến thắng trên loạt sút luân lưu.
Nói đi cũng phải nói lại, nhiều khi hoàn cảnh tiêu cực sẽ dìm chết người ta. Để trở nên mạnh mẽ hơn, bạn cần sự đấu tranh, điều này không hề có sẵn.
Mặt khác, mỗi người phản ứng với stress theo cách riêng. Một số người do nhiều nguyên nhân mà đặc biệt nhạy cảm với nó.
Với Gareth Southgate, có thể nói ông đã chưa dùng hết vận may của đời mình. Vì cú sốc sự nghiệp giáng xuống vào năm Southgate 26 tuổi. Suy ra, lúc đó ông vẫn còn khá trẻ và chưa hề đánh mất ý chí, sự bền bỉ, tham vọng,...
Ngoài ra, cách đây 22 năm, truyền thông dù phủ sóng rộng nhưng vẫn chưa dày đặc như ngày nay. Có lẽ vì thế mà những ngôi sao bóng đá, giải trí,... hiện nay dễ nổi tiếng hơn nhưng cũng nhiều áp lực hơn.
Dù sao, sự thật là Southgate đã khiến cho người Anh gần như quên sạch lỗi lầm ngày xưa và đạt đến thành công ở hiện tại - vẫn gắn với nghiệp bóng đá. Điều này đồng thời cũng hợp lí dưới góc nhìn của tâm lí học và nghiên cứu về não bộ.
Tuy nhiên, không có nghĩa là mọi người có thể tùy tiện xúc phạm hay bình luận ác ý với 1 cầu thủ, 1 ngôi sao nào đó với lí do "what doesn’t kill you makes you stronger" - thứ gì không hạ gục bạn sẽ khiến bạn mạnh mẽ hơn. Điều này còn tùy thuộc vào mỗi cá nhân, mỗi hoàn cảnh khác nhau.
Còn trước mắt, cứ tiếp tục ủng hộ Southgate và đội Anh hay đội tuyển nào mà bạn yêu thích 1 cách lành mạnh, nhiệt tình đi nhé. Hy vọng chúng ta sẽ có các trận bán kết, chung kết World Cup 2018 thật bùng nổ!
*Bài viết thể hiện quan điểm của nhà khoa học thần kinh Dean Burnett.
Nguồn: The Guardian