Quân đội Trung Quốc và Tajikistan tiến hành tập trận chung chống khủng bố. (Ảnh: Tân Hoa Xã)
Hồi tháng 10, Tajikistan cho biết Trung Quốc sẽ hỗ trợ 8,5 triệu USD để xây dựng căn cứ ở tỉnh tự trị Gorno-Badakhshan nằm ở phía đông Tajikistan trên vùng núi Pamir giáp với khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc và tỉnh Badakhshan ở đông bắc Afghanistan. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ không điều động quân đội tới hoạt động ở căn cứ tại quốc gia Trung Á nhỏ bé.
Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy Trung Quốc tiếp tục mở rộng tầm ảnh hưởng ở khu vực Trung Á xuất phát từ động cơ an ninh và kinh tế, giữa lúc Bắc Kinh đẩy mạnh các dự án thuộc khuôn khổ sáng kiến Vành đai và Con đường.
Tại sao xây căn cứ ở Tajikistan?
Là quốc gia nghèo nhất ở Trung Á, Tajikistan có đường biên giới chung kéo dài 1.357 km với Afghanistan, cùng đường biên giới dài 447 km với khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc mà chủ yếu là đi qua khu vực núi non.
Trong khi đó, Bắc Kinh lo ngại các nhóm vũ trang cực đoan hoạt động ở Afghanistan và Syria, cùng một số tay súng người Duy Ngô Nhĩ có thể lợi dụng địa hình ở Tajikistan và vài quốc gia khác ở Trung Á làm tuyến đường để xâm nhập vào Trung Quốc.
Sau khi Mỹ rút toàn bộ lực lượng khỏi Afghanistan, hơn 1.000 binh sĩ Afghanistan cũng đã bỏ trốn sang Tajikistan.
“Đối với Trung Quốc, an ninh ở vùng biên là vô cùng quan trọng và là lợi ích trọng tâm của quốc gia này ở khu vực Trung Á. Hoạt động mở rộng tầm ảnh hưởng là biện pháp hiệu hữu nhất.
Tajikistan là quốc gia có đường biên giới Afghanistan, và Tajikistan là nơi Trung Quốc có tầm ảnh hưởng lớn nhất ở Trung Á”, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời ông Temur Umarov, chuyên gia tại Trung tâm Carnegie Moscow.
Vào năm 2016, Trung Quốc, Pakistan, Afghanistan và Tajikistan đã cho thiết lập cơ chế chống khủng bố để chia sẻ thông tin tình báo và tiến hành tập trận chung giữa các lực lượng vũ trang 4 nước. Tuy nhiên, sau khi phe phiến quân Taliban nắm quyền kiểm soát Afghanistan, tình hình an ninh ở Trung Á trở nên bất định.
Ông Shih Chien-yu, nhà nghiên cứu ở Viện An ninh và Quốc phòng tại Đài Loan, cho biết kể từ năm 2016 đã có những báo cáo nhắc tới việc quân đội Trung Quốc hiện diện ở Tajikistan, cùng với một căn cứ nằm ở phía đông gần biên giới với Trung Quốc và Afghanistan.
Theo ông Shih, dù Trung Quốc nhiều lần khẳng định không có ý định xây căn cứ quân sự ở nước ngoài, nhưng “cộng đồng quốc tế không đồng tình với tuyên bố này, sau khi chứng kiến tốc độ mở rộng hoạt động của quân đội Trung Quốc”.
Nhận định của ông Shih ám chỉ tới sự hiện diện của cảnh sát và binh sĩ Trung Quốc ở nước ngoài mà cụ thể là tại Djibouti, quốc gia ở sừng châu Phi.
Djibouti là nơi Trung Quốc đặt căn cứ hải quân đầu tiên ở nước ngoài cách đây vài năm và cơ sở này ngày càng được tăng cường năng lực hoạt động. Hồi tháng Năm, Đại tướng Stephen Townsend, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Mỹ ở châu Phi, cho hay có khoảng 2.000 binh sĩ Trung Quốc đang có mặt ở căn cứ Djibouti bao gồm hàng trăm lính thủy đánh bộ.
“Chắc chắn họ được trang bị vũ khí và đạn dược. Họ còn có cả xe chiến đấu bọc thép. Chúng tôi cho rằng, Trung Quốc sẽ sớm triển khai các trực thăng ở đây mà khả năng bao gồm cả các trực thăng tấn công”, ông Townsend nhận định.
Còn theo ông Umaraov, liên quan tới căn cứ xây dựng ở Tajikistan, khả năng Trung Quốc vẫn duy trì sự hiện diện của một lực lượng bán quân sự “chịu trách nhiệm duy trì trật tự công cộng và chiến đấu chống khủng bố trong thời bình”.
Mối liên hệ kinh tế
Trung Quốc hiện là nhà đầu tư lớn nhất vào Tajikistan. Vào năm 2018, khoản đầu tư từ Trung Quốc chiếm 37% trong tổng đầu tư quốc tế vào Tajikistan.
Thậm chí, Tajikistan hiện là “con nợ lớn nhất” của Trung Quốc. Số liệu của Bộ Tài chính Tajikistan cho thấy, Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Trung Quốc đang giữ 1,1 ngàn tỉ USD trong khoản nợ 3,2 tỉ USD nước ngoài của Tajikistan trong năm 2020.
Dù an ninh là mối quan tâm hàng đầu, song Bắc Kinh cũng đặc biệt chú trọng tới phát triển lợi ích kinh tế ở Tajikistan. Bởi Tajikistan có nhiều đồi núi hiểm trở, cùng cơ sở hạ tầng giao thông yếu kém khiến chi phí giao thương bị tăng lên.
Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), những dự án cơ sở hạ tầng thuộc sáng kiến Vành đai và Con đường có thể giúp cắt giảm chi phí giao thương giữa Trung Quốc và Tajikistan từ 4,5% - 5,6%, đồng thời tiết kiệm được thời gian vận chuyển hàng hóa tới 4 ngày.
Cũng theo WB, một phần đường ống dẫn gas giữa Trung Quốc – Turkmenistan đang được xây dựng ở Tajikistan. Trung Quốc còn muốn xây con đường nối với Iran và chạy qua Tajikistan.
Trong khi đó, các công ty khoáng sản Trung Quốc còn đang nắm trong tay nhiều hợp đồng khai thác bạc, chì, kẽm và uranium ở Tajikistan.