Công trình xây dựng trường tiểu học xã Thanh Minh (TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) là 1 trong 9 hạng mục công trình thuộc chương trình đô thị miền núi phía Bắc, sử dụng vốn vay của NH Thế giới (WB) đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Tuy nhiên, dự án đang đứng trước nguy cơ chậm tiến độ.
Khu vực đất hơn 9.000m2 đang được thu hồi để xây dựng trường tiểu học xã Thanh Minh
3.000m2 đất chỉ được bồi thường 74 triệu đồng
Hạng mục trường tiểu học xã Thanh Minh đã được tỉnh Điện Biên đăng ký với WB khởi công năm nay và hoàn thành trong năm 2018.
Tuy nhiên, năm 2017 đã sắp hết, công tác GPMB vẫn chưa hoàn thành do phản ứng của các hộ dân bị thu hồi đất.
Để có mặt bằng thi công, UBND TP Điện Biên Phủ thu hồi hơn 9.600m2 thuộc 9 hộ gia đình và 345,6m2 đất do UBND xã Thanh Minh quản lý.
Đến nay, còn 6 gia đình không chấp nhận phương án đền bù, tiếp tục kiến nghị lên chính quyền sở tại về mức giá đền bù quá rẻ...
Gia đình ông Nguyễn Quốc Hạnh bị thu hồi hơn 3.000m2, trên đất trồng cây lâu năm nhưng tổng số tiền bồi thường cả đất và cây cối là 74 triệu đồng (tương đương gần 25.000 đồng/m2).
Tương tự, gia đình bà Trịnh Tố Nga bị thu hồi 2.000m2 đất nhưng chỉ nhận được 41 triệu đồng (tương đương hơn 20.000 đồng/m2). Tính ra 1m2 đất chưa bằng bát phở.
Các gia đình ông Hà Xuân Quân, Nguyễn Đức Việt, Bùi Văn Sinh cũng có đơn kiến nghị về giá đất bồi thường; làm rõ trách nhiệm đơn vị thi công GPMB đã tự ý cho máy móc, thiết bị thi công chặt dỡ cây trồng khi các hộ dân chưa nhận tiền và chưa bàn giao đất....
Bà Trịnh Tố Nga, đại diện các hộ dân nói: “Chúng tôi tuân thủ và ủng hộ chủ trương xây dựng trường học, tuy nhiên với mức giá đền bù rẻ như vậy rất thiệt thòi cho người dân nghèo.
Trong khi thực tế, có gia đình nhận tiền đền bù đất ở với số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng".
Sẽ đối thoại với dân
Chủ tịch UBND TP Điện Biên Phủ Nguyễn Đức Đuyện thừa nhận, những kiến nghị liên quan tới phương án đền bù của các hộ dân đang là mấu chốt cần giải quyết để có thể triển khai dự án đúng tiến độ.
"Nếu không thực hiện theo đúng kế hoạch cam kết, TP sẽ mất cơ hội đầu tư các công trình hạ tầng trên địa bàn theo quy định của nhà tài trợ" - lời ông Đuyện. Lãnh đạo TP cũng đã nhiều lần đối thoại với các hộ dân để tìm tiếng nói chung.
Tại cuộc họp ngày 18/8 do Phó chủ tịch UBND TP Phạm Văn Sỹ chủ trì với sự tham gia của các hộ dân khiếu kiện; đại diện Phòng Giáo dục, Phòng TN&MT, Ban QLDA WB, những kiến nghị, thắc mắc của các hộ dân đã được đưa ra bàn.
Lãnh đạo UBND TP giải thích, khung giá đất đền bù được áp theo khung giá của UBND tỉnh; dựa trên cơ sở kết quả điều tra, thu thập thông tin, xác định giá đất của đơn vị tư vấn xác định giá đất; kết quả thẩm định của Sở TN&MT, Tài chính, Hội đồng thẩm định giá cấp tỉnh.
Đại diện Ban QLDA WB Điện Biên |
Ông Vũ Ngọc Thuận, đại diện Ban QLDA WB cho biết: Việc khảo sát để xây dựng giá đất cụ thể tuân thủ theo quy định của luật Đất đai 2013 và theo tiêu chí yêu cầu của WB, đơn giá được khảo sát đất nông nghiệp trồng cây lâu năm có giá 63.000 đồng cao hơn các tỉnh lân cận (Sơn La giá đất lâm nghiệp đền bù 25.000 đồng/m2; Lai Châu: 27.000); giá đất lâm nghiệp rừng sản xuất đền bù 8.500 đồng/m2 cao hơn giá đất lâm nghiệp đền bù của Lai Châu (7.000).
Lãnh đạo TP Điện Biên Phủ cũng cho biết, kiến nghị giao đất tái định cư và giao đất nông nghiệp cho các hộ dân bị thu hồi cũng không thể thực hiện được do TP không có quỹ đất.
Mặt khác, một số hộ dân không phải là hộ trực tiếp sản xuất nông nghiệp nên không được giao đất tái sản xuất.
Ông Nguyễn Đức Đuyện cho biết, TP sẽ chỉ đạo các ban ngành đối thoại với các hộ dân trong thời gian sớm nhất để hoàn thành GPMB.