Sputnik: Ukraine cho nổ đập gần Bakhmut để chặn cuộc tấn công của Nga: Một vị cố vấn của nước "Cộng hòa nhân dân Donetsk" tự xưng vừa thông báo vào tối 25/2 rằng các binh sĩ Ukraine đã cho nổ tung một con đập gần Backmut nhằm làm chậm đà tiến của quân Nga và buộc dân thường phải sơ tán khỏi thành phố này.
Cố vấn Igor Kimakovsky nói với Sputnik: "Con đập đã bị nổ. Nước xối xả đổ xuống từ đập và hướng tới Artemivsk (tên thời Liên Xô của Bakhmut). Họ có khả năng cố gắng chặn cuộc tiến công của chúng tôi. Có lẽ họ muốn cắt đứt các đơn vị tấn công của chúng tôi khỏi lực lượng phía sau nhằm làm chậm nguồn cung đạn dược".
Nga công bố loại khỏi vòng chiến đấu 90 quân nhân Ukraine cùng xe tăng, pháo: Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga hôm 25/2 cho biết, quân đội Nga đã hạ được 90 quân nhân Ukraine , và bắn cháy 3 xe tăng, phá hủy 2 khẩu lựu pháo của đối phương.
Phát ngôn viên Igor Konashenkov cho biết, cũng trong vòng 24 tiếng đồng hồ trước đó, phía Nga đã phá hủy được 2 xe chiến đấu bộ binh, 2 xe thiết giáp chiến đấu, 2 xe bán tải của phía Ukraine.
Ukraine sẽ mở rộng dải gài mìn dọc theo biên giới với Belarus và Nga: Cơ quan Biên phòng Ukraine hôm 25/2 thông báo nước này sẽ mở rộng dải đất gài mìn dọc theo biên giới của Ukraine với Belarus và Nga lên thành 2km về độ rộng.
Thông qua mạng xã hội Telegram, cơ quan này cho biết thêm, lực lượng Vệ binh quốc gia và cảnh sát đang được huấn luyện về thực thi nhiệm vụ biên giới.
Giám đốc CIA xác nhận khả năng Trung Quốc cung cấp vũ khí sát thương cho Nga: Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với hãng CBS News, Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) Williams Burns xác nhận khả năng Trung Quốc có thể gửi cho Nga viện trợ sát thương trong cuộc xung đột tại Ukraine.
Giám đốc Burns nói với người dẫn chương trình của đài CBS vào hôm 24/2 (giờ Mỹ): "Chúng tôi tin rằng phía Trung Quốc đang cân nhắc cung cấp vũ khí sát thương".
Hàng chục ngàn người Đức biểu tình chống cung cấp vũ khí cho Ukraine: Ước tính 13.000-50.000 người Đức đã xuống đường kêu gọi ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine và tiến hành đàm phàn hòa bình.
Những người biểu tình tham gia sự kiện Nổi dậy vì Hòa bình do chính trị gia Sahra Wagenknecht (đảng Tả) và tác giả Alice Schwarzer tổ chức vào hôm 25/2.
EU tung gói trừng phạt thứ 10 nhằm vào Nga liên quan xung đột Ukraine: Liên minh châu Âu (EU) vừa công bố gói trừng phạt thứ 10 nhằm vào 87 cá nhân và 34 thực thể pháp lý Nga, trong đó có cả tập đoàn quân sự tư nhân Wagner, liên quan đến xung đột Ukraine.
Theo EU, những cá nhân và thực thể bị đưa vào danh sách đen của họ lần này phải chịu trách nhiệm về điều mà họ gọi là "phá hoại hoặc đe dọa toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền và độc lập của Ukraine".
Nga bất ngờ cắt nguồn cung cấp dầu cho Ba Lan: Ngày 25/2, Nga tuyên bố ngừng cung cấp dầu qua đường ống Druzhba cho Ba Lan. Tuy nhiên, nhà máy lọc dầu Ba Lan cho biết chỉ 10% nguồn cung của nước này đến từ Nga và sẽ đang thay thế bằng nguồn khí đốt khác.
Ngay sau khi Nga tuyên bố ngừng cung cấp dầu cho Ba Lan thông qua đường ống Druzhba, ông Daniel Obajtek, Giám đốc điều hành của nhà máy lọc dầu Ba Lan PKN Orlen cho biết Ba Lan đã chuẩn bị giải pháp cho hành động này, cơ quan này cũng nhấn mạnh chỉ có 10% dầu thô đến từ Nga qua đường ống này và Ba Lan sẽ đảm bảo nguồn cung theo kế hoạch từ nguồn khí đốt khác.
G20 không ra được tuyên bố chung do bất đồng về Ukraine: Hội nghị Bộ trưởng Tài chính nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu (G20) vừa kết thúc mà không đạt được tuyên bố chung.
Cuộc xung đột tại Ukraine và những hệ lụy kéo theo đó là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới sự đóng băng quan hệ giữa các nước và gây ra sự đứt gãy của các diễn đàn đa phương hàng đầu.
Tổng thống Putin tố phương Tây mưu toan chia nhỏ và làm tan rã dân tộc Nga: Đài Sputnik cho hay, Tổng thống Putin vừa cảnh báo rằng nếu "kế hoạch của phương Tây làm tan rã nước Nga" được thực hiện, người dân Nga nhiều khả năng sẽ không còn tồn tại như một dân tộc .
Ông Putin nói: "Nếu chúng ta đi theo con đường này, thì tôi nghĩ rằng số phận của nhiều dân tộc tại nước Nga, và trên hết cả là dân tộc Nga, có thể thay đổi đáng kể. Tôi thậm chí không thể biết liệu một nhóm dân tộc như dân tộc Nga có thể tiếp tục tồn tại dưới hình thức hiện nay hay không".
Tổng thống Belarus phản bác thông tin sáp nhập vào Nga năm 2030: Hãng thông tấn Belta của Belarus cho hay vừa có sự rò rỉ thông tin sai về cái gọi là chiến lược của Nga đối với Belarus và ý định Nga sáp nhập Belarus vào năm 2030. Tổng thống Belarus Lukashenko đã lên tiếng về cáo buộc này.
Trao đổi với các phóng viên hôm 25/2, nhà lãnh đạo Belarus nhận định về ý đồ đằng sau thông tin mà ông cho là sai trái: "Họ chỉ muốn chia rẽ hai nước chúng ta một lần nữa. Đó là lý do vì sao chủ đề này lại trỗi dậy. Các bạn biết rõ quan điểm của tôi rồi. Không có gì thay đổi cả - chúng ta là một quốc gia độc lập, có chủ quyền".