Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 14/7

Trung Hiếu |

Dưới đây là những diễn biến chính đáng lưu ý trong tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine ngày 14/7/2022.

Tên lửa chống tăng của Ukraine ở vùng Donetsk. Ảnh: AP.

Tên lửa chống tăng của Ukraine ở vùng Donetsk. Ảnh: AP.

Chuyên gia quân sự Nga lo ngại các vũ khí mới của Ukraine nhận từ phương Tây: Một vị chuyên gia quân sự của Nga thừa nhận rằng các vũ khí mới được phương Tây cung cấp cho Ukraine có thể khiến cơ hội giành chiến thắng của Nga trở nên khó khăn .

Igor Korotchenko - Tổng biên tập ấn phẩm quân sự trực tuyến "Quốc phòng" của Nga, đưa ra nhận xét trên khi ông xuất hiện trên kênh truyền hình R1 của Nga. Đoạn phát biểu này đã được nhà báo Julia Davis đăng tải lên mạng xã hội Twitter vào hôm 13/7.

Tổng thống Serbia: Xung đột ở Ukraine là chiến tranh thế giới phương Tây - Nga: Xung đột ở Ukraine là một cuộc chiến tranh thế giới với việc phương Tây dùng binh lính Ukraine để chiến đấu với Nga, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic nhận định ngày 13/7.

"Chúng ta sẽ thấy rằng giữa lúc chiến tranh thế giới diễn ra, tất cả các cuộc thảo luận rằng đây là một cuộc chiến khu vực nên chấm dứt. Toàn bộ phương Tây đang chiến tranh với Nga thông qua Ukraine. Đây là một cuộc xung đột toàn cầu", Tổng thống Serbia cho hay.

Nga tố Mỹ cung cấp cho Ukraine thông tin tình báo về mục tiêu ở Donbass: Bộ Ngoại giao Nga hôm 14/7 tuyên bố, Mỹ cung cấp cho Ukraine thông tin tình báo về các mục tiêu ở Donbass, đồng thời gửi tới Ukraine chuyên gia hướng dẫn sử dụng các pháo phản lực do Mỹ cung cấp.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói rằng các lực lượng Ukraine "đã sử dụng trên mọi mặt trận các hệ thống rocket HIMARS do Mỹ cung cấp".

Tỉnh Zaporizhzhia ở Nam Ukraine sẽ trưng cầu dân ý về việc gia nhập Nga: Người đứng đầu cơ quan hành chính ở Zaporizhzhia (tỉnh nằm dưới sự kiểm soát của Nga ở miền Nam Ukraine) vừa tuyên bố địa phương này sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về việc gia nhập Liên bang Nga.

Cụ thể, quan chức Evgeny Balitsky nói: "Chúng tôi đang xây dựng cơ chế. Cuộc trưng cầu dân ý sẽ quyết định xem các cư dân của Zaporizhzhia muốn gì và muốn sống ra sao".

Ukraine cắt đứt quan hệ ngoại giao với Triều Tiên: Ngày 13/7, Bộ Ngoại giao Ukraine tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Triều Tiên do nước này công nhận hai nước Cộng hoà nhân dân Donetsk và Lugansk tự xưng.

Theo Bộ Ngoại giao Ukraine, nước này coi quyết định của Triều Tiên công nhận độc lập của hai nước cộng hoà nhân dân Donetsk và Lugansk tự xưng là "một nỗ lực nhằm phá hoại chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, vi phạm nghiêm trọng Hiến pháp Ukraine, Hiến chương Liên Hợp Quốc và các chuẩn mực, nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế".

EU không cấm hàng hóa Nga quá cảnh khi vận chuyển bằng đường sắt đến Kaliningrad: Ủy ban Châu âu (EU) đã đưa ra khuyến nghị bổ sung về việc không cấm hàng hóa của Nga quá cảnh khi vận chuyển bằng đường sắt đến Kaliningrad. Phía Bộ Ngoại giao Nga ngay lập tức tuyên bố sẽ giám sát các bước thực hiện khuyến nghị này của EU.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, quyết định của Ủy ban châu Âu về quá cảnh tới khu vực Kaliningrad là một biểu hiện của chủ nghĩa hiện thực và lẽ phải. Bà lưu ý, hiện Moscow đang nghiên cứu kỹ các giải thích do EU cung cấp và phân tích chúng từ quan điểm của một nhiệm vụ ưu tiên - hỗ trợ cuộc sống toàn diện cho khu vực Kaliningrad.

Đàm phán xuất khẩu ngũ cốc tiến triển trong khi xung đột Nga-Ukraine tiếp diễn: Nga, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc sẽ ký một thỏa thuận vào tuần tới nhằm nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine ở Biển Đen.

Sự đồng thuận này được đưa ra sau cuộc họp 4 bên tại Thổ Nhĩ Kỳ nhằm giảm bớt nguy cơ khủng hoảng lương thực ở nhiều nước trên thế giới. Trong bối cảnh cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine vẫn đang diễn ra thì việc các bên có thể thống nhất nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc được coi là điểm sáng trong bức tranh u ám.

Nga tuyên bố việc trung chuyển khí đốt qua Ukraine sẽ tùy thuộc vào châu Âu: Việc trung chuyển khí đốt qua Ukraine sẽ phụ thuộc vào việc Nga có cần bán năng lượng sang châu Âu sau năm 2024 hay không, quan chức Bộ Ngoại giao Nga cho biết.

Ông Dmitry Birichevsky, người đứng đầu Cơ quan Hợp tác Kinh tế thuộc Bộ Ngoại giao Nga cho biết, tương lai việc trung chuyển khí đốt Nga qua Ukraine sẽ phụ thuộc vào các nước châu Âu. Việc châu Âu từ bỏ năng lượng Nga có nghĩa là Ukraine sẽ không còn được nhận phí trung chuyển.

"Nếu các khách hàng châu Âu vẫn có nhu cầu và hệ thống đường ống ở Ukraine vẫn hoạt động, Nga sẽ xem xét duy trì việc trung chuyển qua Ukraine", ông Birichevsky nhấn mạnh.

Mỹ và đồng minh hợp lực tiếp tục giáng đòn vào dầu của Nga: Mỹ và các đồng minh vẫn đang nghiên cứu các biện pháp mới trừng phạt Nga để ngăn giá dầu và xăng tăng vọt lên mức có thể gây hỗn loạn kinh tế toàn cầu.

Trụ cột chính trong doanh thu tài chính của Điện Kremlin là dầu. Dầu đã giúp nền kinh tế Nga trụ vững bất chấp các lệnh cấm xuất khẩu, các lệnh trừng phạt của phương Tây và việc đóng băng tài sản của ngân hàng trung ương.

Các đồng minh châu Âu của Mỹ có kế hoạch tuân theo chính quyền Tổng thống Joe Biden và thực hiện các bước để ngừng sử dụng dầu của Nga vào cuối năm nay. Một số nhà kinh tế cho rằng động thái này có thể khiến nguồn cung dầu trên thế giới giảm và đẩy giá dầu lên tới 200 USD/thùng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại