Theo Interfax, phía Ukraine đã lập tức phủ nhận cáo buộc của Nga, nói thông báo từ Bộ Quốc phòng Nga là một "hành động tuyên truyền điên rồ".
Trong cáo buộc hôm 17-8, Bộ Quốc phòng Nga cho biết sẽ có phản ứng cứng rắn đối với bất kỳ cuộc tấn công nào vào nhà máy điện Kursk, nơi vẫn nằm trong quyền kiểm soát của họ.
Bộ này không đưa ra bằng chứng nào cho cáo buộc chống lại Ukraine, nhưng cho biết một khu vực rộng lớn xung quanh có thể đã bị ô nhiễm do một cuộc tấn công.
Ukraine đã tấn công vào khu vực Kursk, phía Tây của Nga, vào ngày 6-8 để cố gắng xoay chuyển cục diện của cuộc xung đột kéo dài hai năm rưỡi.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine Heorhii Tykhyi cho biết trên X rằng đây chỉ là một đợt tuyên truyền giống như khi Nga cáo buộc Ukraine sử dụng "bom bẩn" trước đó hoặc tấn công các nhà máy hạt nhân khác.
"Ukraine không có ý định hoặc khả năng thực hiện bất kỳ hành động nào như vậy" - ông Tykhyi nói.
Công ty hạt nhân nhà nước Nga Rosatom, đơn vị điều hành nhà máy điện hạt nhân tại Kursk lẫn nhà máy Zaporizhzhia (của Ukraine nhưng đang do Nga kiểm soát), cũng cáo buộc Kiev đe dọa an ninh của cả hai nhà máy mà không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào, hãng tin RIA cho biết.
Giám đốc Rosatom Alexei Likhachev đã thảo luận tình hình với giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi qua điện thoại và mời ông đến thăm nhà máy Kursk.
Trước đó, Nga và Ukraine đã nhiều lần cáo buộc nhau cố gắng phá hoại hoạt động của nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.
Cũng trong ngày 17-8, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết rằng lực lượng của ông đang củng cố các vị trí ở khu vực Kursk.
Theo Reuters, bình luận của ông Zelensky được đưa ra một ngày sau khi các quan chức Nga cáo buộc Ukraine phá hủy một cây cầu quan trọng bắc qua sông Seym cắt qua khu vực biên giới, nhằm ngăn chặn sự di chuyển của quân đội Moscow.