Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.
1. Thời điểm tăng lương tối thiểu vùng
Theo Dự thảo Nghị định, thời điểm áp dụng mức lương tối thiểu vùng mới là từ ngày 01/7/2024 và thay thế Nghị định 38/2022/NĐ-CP.
Như vậy, sau 2 năm áp dụng mức lương tối thiểu vùng theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP thì từ ngày 01/7/2024 sẽ bắt đầu áp dụng mức lương tối thiểu vùng mới.
2. Tăng 6% lương tối thiểu vùng
Dự thảo Nghị định điều chỉnh mức lương tối thiểu tăng 6% so với mức hiện hành (trùng với phương án Hội đồng tiền lương quốc gia thống nhất khuyến nghị Chính phủ), trong đó:
- Quy định các mức lương tối thiểu tháng theo 4 vùng: vùng I là 4.960.000 đồng/tháng, vùng II là 4.410.000 đồng/tháng, vùng III là 3.860.000 đồng/tháng, vùng IV là 3.450.000 đồng/tháng.
Mức lương tối thiểu nêu trên tăng từ 200.000 đồng - 280.000 đồng (tương ứng tỷ lệ bình quân 6%) so với mức lương tối thiểu hiện hành.
Mức điều chỉnh lương tối thiểu nêu trên cao hơn khoảng 2% so với mức sống tối thiểu của người lao động đến hết năm 2024 để cải thiện cho người lao động; dự kiến cơ bản bảo đảm mức sống tối thiểu năm 2025 (tính trước một phần CPI của năm 2025 vào mức sống tối thiểu để người lao động được hưởng ngay từ giữa năm 2024).
Mức điều chỉnh này có sự chia sẻ, hài hòa lợi ích của người lao động và doanh nghiệp, vừa chú ý cải thiện đời sống cho người lao động, vừa chú ý đến việc bảo đảm duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. 100% thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia thống nhất và khuyến nghị với Chính phủ điều chỉnh theo mức này.
- Quy định các mức lương tối thiểu giờ theo 4 vùng: vùng I là 23.800 đồng/giờ, vùng II là 21.200 đồng/giờ, vùng III là 18.600 đồng/giờ, vùng IV là 16.600 đồng/giờ.
Mức lương tối thiểu giờ tiếp tục được xác định dựa trên phương pháp quy đổi tương đương từ mức lương tối thiểu tháng và thời gian làm việc tiêu chuẩn theo quy định của Bộ luật Lao động 2019.
3. Thay đổi địa bàn áp dụng lương tối thiểu vùng
Địa bàn phân vùng, nguyên tắc áp dụng phân vùng cơ bản kế thừa theo danh mục quy định hiện hành tại Nghị định 38/2022/NĐ-CP, ngoài ra có sự rà soát, cập nhật lại tên một số địa bàn sau khi có sự thay đổi do phải thực hiện sắp xếp lại địa giới hành chính theo các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và những địa bàn có sự thay đổi về hạ tầng, mức độ phát triển thị trường lao động, vùng thu hút đầu tư… theo đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cụ thể:
- Điều chỉnh từ vùng II lên vùng I đối với: thị xã Quảng Yên, thị xã Đông Triều, thành phố Uông Bí, thành phố Móng Cái thuộc tỉnh Quảng Ninh.
- Điều chỉnh từ vùng III lên vùng II đối với: thành phố Thái Bình thuộc tỉnh Thái Bình; thành phố Thanh Hóa, thành phố Sầm Sơn, thị xã Nghi Sơn, thị xã Bỉm Sơn thuộc tỉnh Thanh Hóa; thị xã Ninh Hòa thuộc tỉnh Khánh Hòa; thành phố Sóc Trăng thuộc tỉnh Sóc Trăng.
- Điều chỉnh từ vùng IV lên vùng III đối với: huyện Thái Thụy, huyện Tiền Hải thuộc tỉnh Thái Bình; các huyện Triệu Sơn, Thọ Xuân, Yên Định, Vĩnh Lộc, Thiệu Hóa, Hà Trung, Hậu Lộc, Nga Sơn, Hoằng Hóa, Nông Cống thuộc tỉnh Thanh Hóa; huyện Ninh Phước thuộc tỉnh Ninh Thuận.