Điểm mặt tất cả máy bay tham gia tấn công Syria: Mỹ dùng loại nào áp chế phòng không Nga?

Trung Phạm |

Trong cuộc tấn công Syria ngày 14/4, liên quân Mỹ - Anh - Pháp đã huy động hàng chục chiến đấu cơ các loại, từ máy bay ném bom, trinh sát cho tới các máy bay tác chiến điện tử 50 năm tuổi.

Cuộc tấn công do liên minh Mỹ - Anh - Pháp phát động nhằm phá hủy các cơ sở bị tình nghi là địa điểm nghiên cứu và cất giữ vũ khí hóa học của Syria ngày 14/4 được đánh giá là một trong những chiến dịch quân sự hùng hậu với sự tham gia của nhiều loại máy bay và tàu chiến của cả 3 nước.

Hàng chục chiến đấu cơ đã được liên quân huy động, từ máy bay ném bom, máy bay trinh sát tới các tiêm kích siêu thanh và cả những chiếc máy bay tác chiến điện tử đã 50 năm tuổi. Dưới đây là danh sách những máy bay đã tham gia, cả trực tiếp và gián tiếp, vào cuộc không kích Syria vừa qua.

Máy bay tiêm kích

Các máy bay tiêm kích của Mỹ, Anh và Pháp đã đóng một vai trò cực kỳ quan trọng cho sự thành công của toàn bộ chiến dịch không kích Syria ngày 14/4. Tiêm kích F-22 Raptor, F-16 Fighting Falcon và F-15C Eagle của các Lực lượng Không quân Mỹ ở châu Âu đảm trách nhiệm vụ che chắn, bảo vệ bên cạnh các máy bay Typhoon của Anh và Mirage 2000 của Pháp.

Được vũ trang các tên lửa không đối không, sứ mệnh chính của chúng là bay lượn, kiên nhẫn chờ đợi và sẵn sáng khai hỏa nếu xuất hiện bất cứ mối đe dọa nào từ trên không.

Lực lượng tấn công trên không của Anh và Pháp gồm các chiến đấu cơ siêu âm Tornado và tiêm kích đa nhiệm Rafale. Cả hai đều được trang bị các tên lửa hành trình Storm Shadow/SCALP phiên bản phóng từ trên không có tầm bắn trên 900 km.

Điểm mặt tất cả máy bay tham gia tấn công Syria: Mỹ dùng loại nào áp chế phòng không Nga? - Ảnh 1.

Tiêm kích F-16 Fighting Falcon

Máy bay ném bom

Hai máy bay ném bom chiến lược B-1B đảm trách sứ mệnh không kích Syria của Mỹ bằng tên lửa không đối đất phóng từ ngoài ô phòng không đã được gia tăng tầm bắn (JASSM-ER). Những máy bay cỡ lớn này trước đây đã từng hoạt động ở Syria, Iraq và Afghanistan, yểm trợ cho lực lượng bộ binh dưới mặt đất từ các đòn đánh từ trên không.

Được phát triển từ thời Chiến tranh Lạnh như một giải pháp giúp Không quân Mỹ né tránh các hệ thống phòng không đối phương và để vận chuyển vũ khí hạt nhân tới những mục tiêu cần tấn công, các máy bay ném bom Lancer sau này đã bị loại bỏ vai trò tấn công hạt nhân sau sự sụp đổ của Liên Xô.

Ngày nay, B-1B thường mang theo các hệ thống định vị mục tiêu cũng như nhiều loại đạn dược "thông minh" thông thường để làm nhiệm vụ tấn công các đơn vị mặt đất khi được huy động. Tên lửa tấn công của Lancer thường là JASSM phiên bản tiêu chuẩn (JASSM -A).

Điểm mặt tất cả máy bay tham gia tấn công Syria: Mỹ dùng loại nào áp chế phòng không Nga? - Ảnh 2.

B-1B Lancer cất cánh từ một căn cứ ở Qatar

Máy bay tác chiến điện tử

Cho tới nay, một trong những bổ sung đáng chú ý nhất cho lực lượng tấn công Syria là sự tham gia của EA-6B Prowler, chiếc máy bay tác chiến điện tử 4 ghế ngồi duy nhất do Thủy quân Lục chiến Mỹ điều hành.

Prowler được biên chế cho Hải quân và Thủy quân Luc chiến Mỹ từ đầu những năm 1970, giữ vai trò là "các cỗ máy chế áp radar". Thủy quân Lục chiến Mỹ có kế hoạch vận hành Prowler đến năm 2019, sau đó chúng sẽ nghỉ hưu và được thay thế bằng các khả năng tác chiến điện tử trên chiến đấu cơ F-35 Lightning II.

Trong cuộc không kích Syria ngày 14/4, Prowler làm nhiệm vụ tháp tùng các máy bay tấn công của Mỹ, ngăn chặn sự phát hiện của các đài radar phòng không của Syria và thậm chí là của cả Nga. Các máy bay Prowler trước đó cũng đã từng được triển khai tới chiến trường Syria thực hiện các sứ mệnh bảo vệ tương tự.

Điểm mặt tất cả máy bay tham gia tấn công Syria: Mỹ dùng loại nào áp chế phòng không Nga? - Ảnh 3.

Một chiếc máy bay tác chiến điện tử VAQ-141 EA-6B Prowler

Máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không

Pháp đã điều tới Syria một cặp máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không (AWACS) E-3F Sentry từ Căn cứ không quân Avord để liên tục rà quét và theo dõi các máy bay của Nga và Syria hoạt động ở những vùng lân cận.

Sentry, do Boeing chế tạo, bắt đầu phục vụ trong Không quân Mỹ từ đầu những năm 1970, thay thế cho các máy bay cảnh báo sớm Warning Star già nua hơn trước đó.

Điểm mặt tất cả máy bay tham gia tấn công Syria: Mỹ dùng loại nào áp chế phòng không Nga? - Ảnh 4.

E-3 Sentry của Không quân Mỹ

Máy bay tiếp nhiên liệu trên không

Các máy bay KC-135R và KC-135FR Stratotanker của Mỹ và của Pháp thường trực bay ở khoảng cách an toàn sẵn sáng thực hiện nhiệm vụ tiếp nhiên liệu cho các máy bay chiến đấu của đồng minh khi cần thiết.

Được Boeing phát triển và hoạt động trên cùng một khung sườn như E-3 Sentry, KC-135 đã có trong biên chế của Không quân Mỹ từ cuối những năm 1950 và chắc chắn chúng sẽ vẫn còn phục vụ thêm vài thập kỷ nữa.

Loại "ngựa thồ" huyền thoại này đã tham gia tác chiến ở nhiều nơi trên thế giới, từ chiến tranh Việt Nam cho tới Chiến dịch Bão táp Sa Mạc ở Iraq, và hiện nay là cuộc chiến chống khủng bố IS ở Trung Đông.

Điểm mặt tất cả máy bay tham gia tấn công Syria: Mỹ dùng loại nào áp chế phòng không Nga? - Ảnh 5.

Máy bay tiến dầu KC-135 hạ cánh xuống Căn cứ không quân Mildenhall, Anh

Máy bay trinh sát

Theo chuyên gia David Cenciotti của trang mạng The Aviationist, nhiều giờ trước cuộc tấn công, chiếc máy bay không người lái duy nhất RQ-4 Global Hawk đã được phát hiện thấy hoạt động gần lãnh thổ Syria và Lebanon.

Cùng với đó là sự xuất hiện của một chiếc RC-135V Rivet Joint, cũng ở cùng khu vực, mà nhiều khả năng là thực hiện nhiệm vụ thu thập thông tin và chuyển tải dữ liệu trước phục vụ cuộc tấn công.

Global Hawk đã hoạt động trong Không quân Mỹ từ 17 năm nay, đóng vai trò như một phương tiện do thám linh động ở các vùng tác chiến khắp Trung Đông.

Trong khi đó, Rivet Joint lại là máy bay trinh sát tín hiệu có người lái được sử dụng cho mục đích trinh sát các nhiệm vụ bí mật trên khắp thế giới.

Điểm mặt tất cả máy bay tham gia tấn công Syria: Mỹ dùng loại nào áp chế phòng không Nga? - Ảnh 7.

RC-135V Rivet Joint cất cánh thực thi nhiệm vụ chiến đấu

Các máy bay chiến đấu Tornado của Anh tham gia chiến dịch không kích Syria

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại