Dịch vụ du lịch: 'Giá rẻ' đâu phải danh xưng tốt!

Lam Sơn |

Khi thanh lọc du khách bằng biện pháp kinh tế có thể làm mất đi cơ hội của người nghèo trong việc thụ hưởng và khám phá các kỳ quan, thắng cảnh của nhân loại. Tuy nhiên, một số điểm du lịch đã tìm ra các biện pháp khác để bảo đảm công bằng xã hội.

Dịch vụ du lịch: 'Giá rẻ' đâu phải danh xưng tốt!- Ảnh 1.

Làm sao để gỡ mác du lịch giá rẻ, để hút du khách siêu giàu? Ảnh: Sun Group

Trong một lần cafe với quản lý cấp cao bộ phận marketing một tập đoàn lớn về các dịch vụ du lịch được biết, họ vừa tổ chức thành công một gói dịch vụ cưới cho con trai một tỷ phú Ấn Độ. Sau show này, order từ bạn bè ông tỷ phú dồn dập tới.

"Giá cả không quan trọng, dịch vụ không quá cầu kỳ, họ chỉ yêu cầu... yên tĩnh và riêng tư. Tính ra tụi em phục vụ một đám cưới nhà giàu công sức và chi phí bỏ ra rất ít mà doanh thu bằng hàng chục đoàn khách tour".

Chả thế mà mới đây lãnh đạo ngành du lịch Đà Nẵng hồ hởi tổ chức event xúc tiến dịch vụ du lịch... cưới, bên cạnh dịch vụ du lịch MICE (hội nghị) và golf (thể thao), tức là có định hướng về một phân khúc phục vụ giới nhà giàu trong nước và các nước Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản chứ không nhăm nhăm thu hút khách, kể cả bình dân, bằng mọi giá! "Hàng xóm" của địa danh này, Hội An mới đây thổ lộ không muốn mang danh là địa điểm du lịch "rẻ nhất thế giới" nữa...

Trào lưu "hạn chế du khách"?

Nhìn rộng ra có rất nhiều địa danh nổi tiếng thế giới vừa phải áp dụng các biện pháp kinh tế và biện pháp khác để... hạn chế du khách, tức là thanh lọc để phục vụ du khách có mức chi tiêu cao. Cụ thể, có điểm du lịch nổi tiếng trên thế giới đã phải áp dụng các biện pháp kinh tế và biện pháp khác để giảm lượng khách du lịch nhằm bảo vệ môi trường, duy trì cơ sở hạ tầng và bảo tồn di sản văn hóa. Dưới đây là một số ví dụ:

Phải kể đến đầu tiên là núi Phú Sĩ (Nhật Bản) vừa quyết định áp dụng bán vé vào cổng, sau một thời gian dài cân nhắc. Ngoài vé, chính quyền địa phương còn đưa ra quota giới hạn số lượng người leo núi mỗi ngày để giảm áp lực lên hệ sinh thái. Thậm chí tại một số điểm dừng ven đường, người ta còn dựng các tấm che hướng về ngọn núi ngăn các đoàn du khách dừng đỗ chụp hình selfie!

Cùng với nước Nhật, cơ quan quản lý phố cổ Venice (Ý) cũng vừa áp dụng phí vào cửa đối với du khách trong ngày (day-trippers) để kiểm soát lượng khách và tạo nguồn thu cho bảo trì thành phố. Đồng thời, để bảo vệ kênh đào danh tiếng, việc giới hạn du thuyền lớn được đặt ra bằng cách hạn chế và cấm các tàu du lịch lớn vào trung tâm Venice.

Trước đó, "thiên đường hạ giới" Cửu Trại Câu (Trung Quốc) từng nổi danh vì biện pháp giới hạn số lượng khách hàng ngày, sau khi trận động đất năm 2017 gây thiệt hại nặng nề. Một trong các giải pháp mạnh là bán vé vào cửa mức cao nhằm vừa giảm bớt số lượng khách vừa tăng nguồn thu cho việc bảo trì và bảo vệ khu vực.

Còn tại di sản thế giới Machu Picchu (Peru) Chính phủ nước này thậm chí còn phải giới hạn số lượng vé vào cửa hàng ngày (dù đã tăng cao) để kiểm soát lượng du khách. Ngoài ra họ còn yêu cầu khách du lịch phải tuân thủ các lộ trình tham quan cố định để tránh tác động tiêu cực đến các khu vực nhạy cảm.

Hay ở hòn đảo Santorini (Hy Lạp) cơ quan quản lý du lịch vừa đưa ra quyết định giới hạn số lượng tàu du lịch và du khách được phép cập bến mỗi ngày bằng cấp phép và tăng giá dịch vụ (như khách sạn, nhà hàng) để giảm số lượng khách du lịch và tăng nguồn thu cho bảo trì hạ tầng.

Tranh cãi về công bằng xã hội

Những biện pháp trên trước khi được thực hiện đều xảy ra tranh cãi, dù mục tiêu ngoài việc tăng thu còn nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của du lịch đối với môi trường, cơ sở hạ tầng và di sản văn hóa. Dù các biện pháp kiểm soát lượng du khách không chỉ giúp bảo vệ những điểm du lịch nổi tiếng mà còn đảm bảo trải nghiệm tốt hơn cho những du khách có đủ khả năng đến tham quan, nhưng luôn có quan điểm cho rằng ai bảo vệ quyền được thụ hưởng các danh thắng, di sản thế giới của người nghèo? Tại Việt Nam khi tập đoàn Sungroup xây cáp treo Bà Nà từng có ý kiến: ai đảm bảo quyền được du ngoạn đỉnh núi cho người thu nhập thấp?

Trên thực tế khi thanh lọc du khách bằng biện pháp kinh tế như áp dụng hoặc tăng giá vé, giá dịch vụ có thể làm mất đi cơ hội của người nghèo trong việc thụ hưởng và khám phá các kỳ quan, thắng cảnh của nhân loại. Tuy nhiên, một số điểm du lịch đã tìm ra các biện pháp khác để vừa giới hạn lượng du khách mà vẫn bảo đảm công bằng xã hội.

Chẳng hạn ở quần đảo Galápagos Islands (Ecuador) dù chính quyền áp dụng việc thăm quan phải thông qua các tour du lịch được cấp phép, mỗi tour không vượt quá số lượng người nhất định, nhưng họ vẫn bán vé có mức giảm cho người địa phương và sinh viên. Hay như Bhutan, dù áp dụng mức phí du lịch hàng ngày cao, bao gồm cả chi phí lưu trú, ăn uống và hướng dẫn viên cũng như hạn chế số lượng visa du lịch cấp ra, nơi này cũng có chính sách miễn giảm phí cho người dân địa phương và các chương trình giáo dục nhằm giúp dân nghèo và học sinh, sinh viên có thể khám phá đất nước mà không phải trả phí.

Năm năm trước, cơ quan quản lý ngọn núi Uluru (Australia) đã áp dụng nhiều quy định nghiêm ngặt về leo núi và tham quan, nhưng khi bán vé vào công viên vẫn có chính sách giảm giá cho người dân địa phương, học sinh, sinh viên. Thậm chí các chương trình giáo dục đặc biệt dành cho học sinh, sinh viên và cộng đồng bản địa còn được hỗ trợ giúp họ hiểu và trân trọng di sản văn hóa của Uluru mà không phải chịu chi phí cao. Ngay như công viên Yellowstone National Park (USA) dù áp dụng hệ thống đặt chỗ trước và hạn chế phương tiện cá nhân, song giá vé vào cổng được thiết lập ở mức hợp lý và có các chương trình miễn giảm cho các nhóm đối tượng đặc biệt như người già, trẻ em và người thu nhập thấp.

Cho nên dù cách nào đi nữa, các nhà đầu tư đều hiểu rằng các biện pháp hạn chế du khách không nhất thiết phải làm mất đi cơ hội thụ hưởng các kỳ quan, thắng cảnh của người nghèo. Các biện pháp như giới hạn số lượng khách, hệ thống cấp phép, và chính sách giá vé linh hoạt vẫn có thể giúp bảo vệ môi trường và di sản văn hóa trong khi vẫn đảm bảo công bằng xã hội.

Chẳng cần phải kể đến các ví dụ từ Galápagos, Bhutan, Uluru, và Yellowstone, các biện pháp giảm giá vé dịch vụ du lịch 30-50% cho dân địa phương ở Lào Cai, Thanh Hoá, Tây Ninh, Kiên Giang của một doanh nghiệp du lịch trong nước cho thấy rằng có nhiều cách tiếp cận khác nhau để đạt được mục tiêu này. Riêng Đà Nẵng ngoài vé cáp treo giảm 50% cho dân địa phương còn áp dụng giá vé công viên giải trí ưu đãi cho người có thẻ sinh viên.

Do đó, đâu phải "giá rẻ" đã là danh xưng tốt cho một địa danh du lịch?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại