Đi tìm người... "làm hại" Công Phượng

Đông Tà |

Từ một ngôi sao trẻ được hàng triệu người chờ đợi giúp bóng đá Việt Nam gặt hái thành công ở sân chơi khu vực, tương lai Công Phượng bây giờ đang trở nên mù mịt.

Sai một ly đi một dặm

Cuối năm 2015, Công Phượng đã trở thành tâm điểm chú ý của dư luận với bản hợp đồng mượn từ CLB Mito (Nhật Bản). Một bản hợp đồng được chờ đợi đến mức bầu Đức phải lần đầu rớt những giọt nước mắt đầy xúc động trong ngày ký kết.

Bầu Đức không chỉ khóc mà còn gửi gắm lời vàng ngọc: "Tôi hy vọng một điều cực kỳ lớn là Công Phượng đến Mito Hollyhock, với sự giúp đỡ của CLB cùng sự động viên của khán giả Nhật Bản thì sẽ phát triển tốt. Đó là một niềm tin tuyệt đối.

Và tôi có niềm tin rất lớn, rằng Công Phượng sẽ tỏa sáng tại giải đấu cao hơn Việt Nam rất nhiều. Hôm nay có Chủ tịch CLB Mito Hollyhock, tôi xin chính thức gửi gắm Công Phượng qua Nhật Bản và nhờ có những chăm sóc đặc biệt, tạo điều kiện tốt nhất để Công Phượng phát triển…".

Đáp lại lời bầu Đức, Chủ tịch CLB Mito - Numata Kunio tin rằng tài năng trẻ số 1 Việt Nam sẽ giúp đội bóng thi đấu tốt ở -League 2 (giải đấu số 2 Nhật Bản). Nhưng ông Numata Kunio cũng không quên nói chuyện phi bóng đá khi chờ đợi Công Phượng đến Nhật Bản như "chiếc cầu nối thương mại" giúp tỉnh Ibaraki phát triển về du lịch, thương mại và có cả du lịch.

Đi tìm người... làm hại Công Phượng - Ảnh 1.

Công Phượng đánh mất nhiều điều tại Mito Hollyhock.

Thực tế, câu trả lời từ CLB Mito đã quá rõ sau 1 năm thi đấu của Công Phượng. Tài năng trẻ này chỉ có vỏn vẹn 80 phút thi đấu chính thức trong cả một mùa giải, dù tuổi 21 thì Phượng cần phải được chơi ít nhất 40 trận/mùa để phát triển tài năng.

Không thể trách bầu Đức đã quá vội cho Công Phượng sang Nhật nhưng sự thật thì 1 năm chơi ở J-League 2 đã lấy đi quá nhiều thứ của tiền đạo trẻ này. Danh tiếng, khả năng chơi bóng thiên tài như "thêu hoa dệt gấm" của Phượng gần như bị thui chột so với chính anh ngày nào làm tan vỡ hàng triệu trái tim NHM.

Từ một cầu thủ có thể đi bóng từ giữa sân qua một loạt các thủ lực lưỡng của U.19 Úc và ghi bàn như Messi, Phượng bây giờ không biết làm cách nào đưa bóng vào lưới, với hình ảnh thất vọng trong màu áo ĐTVN ở AFF Cup 2016.

Cái kết không thể buồn hơn là cú đá panenka trở thành trò cười trong trận bán kết gặp U.21 Yokohama ở bán kết U.21 quốc tế 2016. Phượng kết thúc năm 2016 với hình ảnh cuối đầu rời sân Thống Nhất. Thế còn gì buồn hơn?

Với nhiều ý kiến nhận định, nguyên nhân khiến Công Phượng xa lạ với NHM là dự bị quá nhiều ở Nhật. Đến đây có thể hiểu ai là "thủ phạm" đầu tiên khiến cho tài năng trẻ này "hỏng", bởi không có bản hợp đồng với Mito có lẽ Công Phượng đã trưởng thành so với chính mình.

Công Phượng sút trượt panenka

Trách mình trước khi trách người

Dự bị nhiều trên đất Nhật được xem là nguyên nhân chính khiến cho Công Phượng đánh mất chính mình, nhưng cần nhìn rộng hơn như trường hợp Xuân Trường cũng chẳng khá hơn ở đất Hàn Quốc, với một thời gian dự bị xuyên suốt. Vậy tại sao Trường không thui chột như Phượng?

Xuân Trường chỉ có 251 phút chơi cho CLB Incheon. Nếu xét theo lời HLV Hoàng Anh Tuấn nhận xét là cầu thủ trẻ cần 40 trận/mùa thì Xuân Trường cũng phải thui chột tài năng. Điều này cho thấy một phần nguyên nhân là chính bản thân Công Phượng không thể tiếp thu được cái mới để phát huy tài năng.

Bóng đá không có tính bắc cầu để một cầu thủ chơi hay ở giải trẻ có thể tiếp tục phát huy điều ấy ở cấp độ ĐTQG, hoặc sân chơi chuyên nghiệp. Nếu muốn điều ấy xảy ra thì cầu thủ này phải tự biết vận động và trau dồi thêm nhiều kỹ năng và phát huy các tố chất ưu việt của bản thân.

Nhìn lại từ thời điểm bầu Đức trình làng lứa U.19 đến nay, Công Phượng vẫn duy trì phong cách chơi bóng là "cắm đầu" dẫn bóng và cố gắng lừa qua hậu vệ đối phương, bất kể số đông trước mặt. Điều ấy chứng tỏ Phượng chưa thay đổi tư duy chơi bóng so với chính mình.

Đi tìm người... làm hại Công Phượng - Ảnh 3.

Công Phượng chưa thay đổi nhiều trong cách chơi bóng.

Với phong cách chơi bóng theo kiểu "cắm đầu" đi bóng, Công Phượng có thể làm nên dấu ấn ở giải trẻ - nơi các cầu thủ thiếu kinh nghiệm. Nhưng ở một sân cao hơn, mọi thứ là điều hoàn toàn khác biệt.

Không cần xét đến cấp độ ĐTQG, Công Phượng đã từng gây thất vọng lớn ở V.League 2015 – giải đấu mà Phượng thường xuyên "tắt điện" khi phải đối đầu với những đàn anh thừa kinh nghiệm và lắm tiểu xảo.

Vì vậy, Công Phượng thui chột tài năng do dự bị quá nhiều chỉ là bề, còn nguyên nhân sâu xa là Phượng không chịu thay đổi cách chơi để phù hợp hơn với những sân chơi trên tầm bóng đá trẻ.

Phượng khó "nở hòa" V.League 2017?

Sau 1 năm ăn tập bên Nhật, Công Phượng trở về thi đấu ở V.League 2017. Nếu xét theo cấp độ thì giải đấu số 1 Việt Nam sẽ là cơ hội để tiền đạo này trình diễn, bởi V.League chẳng thể so bì với J-League của Nhật Bản.

Tuy nhiên, một câu chuyện cũ nhắc lại là bóng đá không thể áp dụng tính bắc cầu nên không thể võ đoán Công Phượng sẽ "nở hoa" ở V.League 2017. Ngược lại, những nỗi lo lớn đang treo lơ lửng và chờ đợi "con cưng" của bầu Đức.

Hình ảnh dễ thấy nhất và có thể làm ví dụ để thấy Công Phượng khó tỏa sáng là nỗi thất vọng tột cùng trước U.21 Thái Lan ở U.21 quốc tế 2016. Những cầu thủ trẻ của Thái Lan có thể hình cao to vây bắt và khiến cho Phượng "tắt điện", với vỏn vẹn 1 cú sút bay lên trời trong suốt 90 phút có mặt trên sân.

Đi tìm người... làm hại Công Phượng - Ảnh 4.

Công Phượng sẽ lại bất lực ở V-League?

Đến V.League 2017, Công Phượng chắc chắn là tâm điểm số 1 của dư luận và khán giả. Đó là sức ép vô hình cho cầu thủ này khi đối diện với sân chơi từng khiến anh trở nên nhạt nhòa và mở ra chuyến đi Nhật đáng quên.

Nhưng điều đáng sợ nhất là Công Phượng đang đánh mất tự tin và không còn có những pha xử lý bóng uyển chuyển như ngày xưa. Trong khi đó, các đàn anh quá hiểu Phượng và gần như thuộc bài là tiền đạo này sẽ chơi bóng như nào.

Thế nên, một bi kịch khác có thể xảy ra với tài năng trẻ này ở V.League 2017.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại