CNN dẫn nguồn tin mới đây từ công viên quốc gia Grand Canyon (tiểu bang Arizona, Mỹ) cho biết, nhà địa chất Allan Krill, một giáo sư thỉnh giảng đến từ Na Uy tại Đại học Nevada, Las Vegas (UNLV), đã bắt gặp một tảng đá có các dấu chân hóa thạch 313 triệu năm tuổi, trong một chuyến đi bộ đường dài với các sinh viên vào năm 2016.
Tò mò về phát hiện của mình, ông Krill gửi bức ảnh chụp dấu chân hóa thạch cho đồng nghiệp Stephen Rowland, một nhà cổ sinh vật học tại UNLV.
Sau một thời gian nghiên cứu, ông Rowland và nhóm đồng nghiệp đã công bố khám phá này trong bài báo cáo khoa học xuất bản hôm 19/8 trên tạp chí PLOS One.
Những dấu chân được nhận định có niên đại khoảng 313 triệu năm tuổi, là dấu vết hoá thạch của động vật có xương sống lâu đời nhất từng được tìm thấy trên Trái đất.
“Đây là những dấu vết của loài động vật có xương sống lâu đời nhất từng được tìm thấy ở Công viên Quốc gia Grand Canyon. Hóa thạch này vào khoảng 313 triệu năm tuổi.”, ông Rowland cho biết. "Đó là một trong những dấu vết lâu đời nhất trên Trái Đất của động vật đẻ trứng có vỏ, chẳng hạn như bò sát, và là bằng chứng sớm nhất về động vật có xương sống đi bộ trên cát".
Cũng theo nhà cổ sinh vật học, dấu hoá thạch này cho thấy loài động vật đã xuất hiện ở khu vực này sớm hơn 8 triệu năm so với những ghi chép khoa học.
Tảng đá chứa những dấu vết hoá thạch lộ ra sau khi một vách đá sụp xuống. Dù có thể quan sát rõ khi đi dọc theo con đường mòn đi bộ Bright Angel trong công viên Grand Canyon, nhưng dường những vết tích này chỉ được biết đến khi nó được nhà địa chất Krill chú ý tới.
Các nhà khoa học nhận định dấu chân trên tảng đá thuộc về hai con vật khác nhau đang cùng đi trên dốc của một cồn cát. Một cặp dấu chân có 28 dấu móng vuốt, trong khi cặp còn lại cho thấy có thể con vật đã bị thương ở bàn chân phải do không có dấu móng vuốt nào ở bên đó.
Các nhà khoa học cho rằng dấu chân này thuộc về hai động vật đẻ trứng có vỏ, đi bằng bốn chân thuộc hàng cổ đại nhất trên Trái đất.
Hình dạng của dấu chân tiết lộ cách đi đặc biệt mà các nhà khoa học chưa từng biết đến ở những động vật thời cổ đại này. Theo các nhà khoa học đây là “cách đi cùng bên”: chân sau và chân trước ở một bên của con vật di chuyển cùng lúc với nhau, xen kẽ với các chân tương tự ở bên còn lại cũng di chuyển cùng nhau.
“Các loài động vật bốn chân đang sống trên Trái Đất, chẳng hạn như chó hay mèo, thường sử dụng cách di chuyển này khi chúng đi chậm”, nhà cổ sinh vật học cho biết. “Dấu vết này cho thấy rằng các động vật có xương sống từ thời cổ đại đã sử dụng cách đi này. Trước tới nay, chúng tôi chưa có thông tin gì về điều đó.”
Theo Dailymail, CNN