Để có nước bí đao, các chị dùng nguyên trái ép lấy nước để uống vào mỗi buổi sáng. Nhiều người cho biết: “Nước ép bí đao ngọt và ngon nên khi uống vào thấy rất dễ chịu vừa giảm cân vừa đẹp da”.
Theo Đông y, bí đao có tính hàn nên khi dùng sống có thể gây đi tiểu tháo, lạnh bụng, đau bụng và dễ bị nhiễm trùng. Khi nấu canh bí đao thường thêm hành ngò để hạ bớt “hàn khí” của bí. Do dùng để trị bệnh nên mọi liều lượng đều phải có chỉ định của lương y. Bí đao còn dùng để bôi ngoài da giúp da mát và mịn. Khi trời nắng nóng, canh bí đao nấu sườn, hoặc tôm bóc nõn giã nhuyễn viên tròn, có công dụng thanh nhiệt, giải độc cho cơ thể.
Trong bí đao còn có các sinh tố nhóm B, sinh tố C, bêta caroten, chất xơ và nhiều khoáng chất kali, magiê, vừa tốt cho tim mạch, bảo vệ mạch máu, vừa làm đẹp da. Dùng canh bí đao thay thế cơm, thức ăn, cũng là một cách giảm cân hiệu quả. Món canh này còn giúp giữ chỉ số đường huyết - phù hợp với người mắc bệnh tiểu đường. Bên cạnh món canh bí đao còn có thể chế biến các món khác như dùng bí đao nhồi thịt hầm, bí đao luộc…
Theo BS Nguyễn Thị Kim Hưng - Trung tâm Làm giàu thế giới nội tâm TP.HCM: “Khi chúng ta nuôi cơ thể bằng thực phẩm thì hãy lắng nghe phản ứng của cơ thể. Trong trường hợp dùng các loại nước ép mà bị tác dụng như sình bụng, tiêu chảy thì hãy ngưng một thời gian. Sau đó dùng lại, nếu vẫn bị như cũ, không nên sử dụng nữa. Còn nếu dùng một thời gian mà thấy sức khỏe tăng, trọng lượng giảm tức phù hợp với cơ thể”.
Theo Cát Tường
Phụ nữ TPHCM