Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 11-6 dẫn đầu một phái đoàn đến thăm Bắc Kinh. Đây là thứ 9 bà Merkel đến Trung Quốc kể từ khi nắm quyền giữa lúc các nhóm ngành công nghiệp Đức thúc giục nhà lãnh đạo này đối đầu mạnh mẽ hơn với Bắc Kinh.
Tháp tùng bà Merkel sang Trung Quốc có 6 bộ trưởng và nhiều đại diện công ty tên tuổi như Volkswagen, BMW, Siemens, ThyssenKrupp, Lufthansa và Airbus.
Theo kế hoạch, nữ thủ tướng Đức sẽ dùng bữa tối với người đồng cấp Trung Quốc Lý Khắc Cường ngày 12-6 và Chủ tịch Tập Cận Bình ngày tiếp theo. Ngoài ra, hai thủ tướng Đức và Trung Quốc sẽ cùng tham dự một cuộc họp với các lãnh đạo doanh nghiệp.
Tại đó, đại diện các công ty Đức dự kiến công khai bày tỏ nỗi lo về tình hình thị trường Trung Quốc. Bà Merkel dự kiến đến thăm một nhà máy của BMW ở TP Thẩm Dương,
Hãng Reuters cho rằng chuyến đi của Thủ tướng Merkel diễn ra trong bối cảnh có cuộc tranh luận gay gắt về những thương vụ mua thâu tóm của công ty Trung Quốc ở châu Âu.
Một số chính trị gia kêu gọi siết chặt quy định liên quan đến vấn đề này, nhất là sau khi nhà sản xuất thiết bị gia dụng Midea Group (Trung Quốc) đề nghị đã mua lại Công ty sản xuất robot công nghiệp Kuka của Đức.
Theo ông Sebastian Heilmann, chủ tịch Viện Mercator chuyên nghiên cứu về Trung Quốc (Merics), “hiện có các xung đột tiềm ẩn và công khai trong mối quan hệ Đức-Trung Quốc”.
“Chúng tôi sẽ không thể tránh khỏi những xung đột khó khăn với Trung Quốc trong những năm tháng tiếp theo. Có thể nói rằng chuyến thăm lần này của bà Merkel sẽ là một chuyến đi khó khăn”.
Hơn các quốc gia châu Âu khác, Đức hưởng lợi từ việc mở rộng nhanh chóng của nền kinh tế Trung Quốc trong thập kỷ qua. Từ năm 2005 đến năm 2014, xuất khẩu của Đức sang Trung Quốc tăng gấp 3, lên đến 74 tỉ euro. Tuy nhiên, vào năm 2015, xuất khẩu sang Trung Quốc bắt đầu giảm trong bối cảnh tăng trưởng Trung Quốc chững lại.
Trong khi đó, tại một cuộc họp báo ở Berlin vào ngày 10-6, các cố vấn hàng đầu của bà Merkel bày tỏ lo ngại về một loạt các diễn biến ở Trung Quốc, trong đó có một đạo luật an ninh mới nhằm hạn chế các tổ chức phi chính phủ (NGO) cho đến các hành động hung hăng của Bắc Kinh ở biển Đông.
Ngoài ra, vào thời điểm các công ty Trung Quốc tăng cường thâu tóm doanh nghệp các nước khác, Bắc Kinh lại hạn chế công ty nước ngoài sở hữu 50% cổ phần liên doanh với các đối tác địa phương. .“Chúng tôi muốn có một sân chơi bình đẳng cho cả hai bên” - một cố vấn cao cấp của bà Merkel nói với phóng viên.