New York tiếp tục rung chuyển
Thông báo của Sở Cảnh sát New York, vào lúc 15h5 ngày 31/10 (giờ địa phương, đã xảy ra một vụ nổ súng khi một xe bán tải lao nhanh vào làn đường dành cho xe đạp và đi bộ ở khu vực Hạ Manhattan, thành phố New York (Mỹ).
Chiếc xe đã lao với tốc độ cao và đâm vào nhiều người đi bộ và một chiếc xe buýt chở học sinh, làm 8 người thiệt mạng và 11 người bị thương.
Khi lao ra khỏi xe, đối tượng này đã hô "Allahu Akbar", theo tiếng Arab có nghĩa là "Thượng đế Vĩ đại" và giơ 2 khẩu súng giả. Đối tượng sau đó đã bị cảnh sát bắn trọng thương và bị bắt giữ. Theo kết quả điều tra sơ bộ, nghi can này là Sayfullo Saipov, một công dân Uzbekistan, 29 tuổi, sinh sống tại bang Florida.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhanh chóng lên tiếng chỉ trích vụ việc này. Trên trang Twitter cá nhân, Tổng thống Trump coi đây là một hành động điên rồ và khẳng định lực lượng chức năng đang theo dõi sát vụ việc.
Ngay sau vụ sau đó, Tổng thống Trump đã ra lệnh tăng cường hơn nữa việc "kiểm tra nghiêm ngặt" đối với khách du lịch nước ngoài tới nước này. Phát biểu trên trang Twitter cá nhân, ông Trump nêu rõ: "Tôi đã ra lệnh cho Bộ An ninh Nội địa đẩy mạnh thực hiện Chương trình kiểm soát cực độ".
Đây là vụ khủng bố đẫm máu có người chết đầu tiên tại New York kể từ vụ tấn công khủng bố bằng máy bay ngày 11/9/2001 do các phần tử khủng bố Al-Qaeda tiến hành nhằm vào Tòa Tháp đôi ở New York, làm gần 3.000 người thiệt mạng.
Có bàn tay IS
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 31/10 tuyên bố Mỹ sẽ không để những phần tử thành chiến của tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng quay trở về hoặc xâm nhập vào Mỹ sau khi chúng bị đánh bại ở nước ngoài.Tuyên bố trên được đưa ra chỉ vài giờ sau vụ tấn công khủng bố tại thành phố New York làm 8 người thiệt mạng và 11 người bị thương.
Trên trang Twitter cá nhân, Tổng thống Trump viết: "Chúng ta sẽ không cho phép IS trở lại hoặc xâm nhập nước Mỹ sau khi đánh bại chúng ở Trung Đông hay những nơi khác".
Phát biểu tại một cuộc họp báo, Thị trường New York ông Mayor Bill de Blasio khẳng định: "Dựa trên những thông tin mà chúng tôi có vào thời điểm hiện tại, có thể xác định đây là một hành vi khủng bố hèn hạ nhằm vào những người dân thường vô tội".
Đặc biệt, Kênh truyền hình NBC cho biết người đàn ông bị nghi ngờ tấn công khủng bố ở New York vào chiều 31/10 làm 8 người thiệt mạng, và 11 người bị thương, đã hành động thay mặt nhóm khủng bố IS.
Kênh truyền hình này nêu rõ: "Theo nguồn tin riêng trong các cơ quan thực thi pháp luật, người đàn ông lao xe ô tô vào đám đông tại New York đã để lại một bức thư trong xe cho thấy rằng hắn đang thực hiện cuộc tấn công này thay mặt IS".
Nguồn tin cho hay, tên Seifullo Saipov người gốc Uzbekistan, sống ở Paterson, New Jersey, và đã có giấy phép lái xe của Florida. Người hàng xóm của Saipov trả lời phỏng vấn của NBC cho biết tên này có vợ và hai con nhỏ.
Sai lầm trong chính sách đối ngoại
Sai lầm trong chính sách đối ngoại là căn nguyên chính khiến nước Mỹ phải hứng chịu nhiều vụ tấn công từ các tổ chức khủng bố nước ngoài, điển hình là vụ khủng bố hôm 31/10 được cho là tồi tệ nhất kể từ sau sự kiện 111/9/2001.
Phát biểu trong chương trình "Loud & Clear" của đài Sputnik, các chuyên gia Mỹ cho rằng chính Mỹ đã tạo ra chủ nghĩa khủng bố và đang hứng chịu hậu quả từ đó.
Sau vụ tấn công bằng xe tải hôm 31/10, vụ tấn công khủng bố tồi tệ nhất tại thành phố New York kể từ sau sự kiện 11/9, nhà hoạt động chính trị Cindy Sheehan nhận định, "sau sự kiện 11/9, Mỹ đã bắt đầu một chương trình khủng bố của mình trên khắp thế giới", và giờ đây hệ quả đang quay trở lại ám ảnh nước Mỹ.
Giáo sư tại Đại học New York, ông Danny Shaw phát biểu trong chương trình "Loud & Clear" của đài Sputnik cho rằng, chủ nghĩa khủng bố "là một sản phẩm từ chính sách đối ngoại của Mỹ". Theo ông Shaw, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis "hôm 30/10 đã ủng hộ việc tiếp tục chương trình toàn cầu nơi Mỹ có thể tới bất kỳ đâu, cáo buộc bất kỳ ai là khủng bố và tiến hành can thiệp".
Theo ông Shaw, liên quan tới vụ nổ bom tại cuộc thi Marathon tại Boston năm 2013, anh em nhà Tsarnaev, những kẻ gây ra vụ tấn công đã nói rằng chúng "bị nhiễm tư tưởng cực đoan, nhưng không phải do tổ chức IS, mà do chính sách đối ngoại của Mỹ tại Iraq và Afghanistan".
Chính vì vậy, ông Shaw nhận định, một khi Mỹ vẫn tiếp tục tàn sát, xâm lược và thuộc địa hóa Libya, Syria, Iraq, Afghanistan, nước này cần hiểu rõ rằng "vòng xoáy bạo lực" sẽ quay trở lại.
Ngoài ra, cũng có một sốquan điểm cho rằng, chính Mỹ phải chịu trách nhiệm cho sự xuất hiện của chủ nghĩa khủng bố. Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) là cơ quan đã khơi nguồn cho chủ nghĩa khủng bố. Bởi vì, chính CIA đã đào tạo và trang bị cho những "chiến binh thánh chiến" đầu tiên người Afghanistan. Và chính những người sau đó đã có mặt ở hầu hết các nước Hồi giáo và Arập.
Như vậy, việc theo đuổi chính sách đối ngoại theo hướng làm thay đổi chế độ ở một số quốc gia trên thế giới đã làm trầm trọng hơn quy mô và tính chất của chủ nghĩa khủng bố ở chính những quốc gia mà Mỹ can thiệp. Và chính điều này là gốc rễ cho khủng bố "nảy mầm" ngay tại nước Mỹ vốn được coi là "trung tâm" của các hoạt động chống khủng bố.