Dấu hiệu nghiêm trọng: Thế giới côn trùng đang chết quá nhanh, có thể tuyệt chủng trong thời gian tới

J.D |

Các loài côn trùng vốn có sức sinh tồn rất mạnh, nhưng giờ đây giới khoa học đang lo ngại về việc chúng sẽ sớm tuyệt chủng. Và vấn đề còn trở nên nghiêm trọng hơn khi đây còn là dấu hiệu cảnh báo về một tương lai bất ổn cho nhân loại.

Nếu phải chọn đâu là những sinh vật cuối cùng còn tồn tại trên Trái đất, câu trả lời có lẽ sẽ là các loài côn trùng. Chúng sinh sản nhanh, có mức độ thích nghi cao, và một số loài có khả năng sinh tồn cực tốt.

Nhưng theo một nghiên cứu quy mô toàn cầu mới đây thì sự thực là ngược lại. Các loài côn trùng có thể sẽ tuyệt diệt ngay trong thế kỷ này, bởi lẽ tốc độ suy giảm số lượng đang tăng quá nhanh.

Nghiên cứu của các chuyên gia từ ĐH Sydney (Úc) đã chỉ ra rằng khoảng 41% các loài côn trùng có số lượng đang giảm dần. Theo thống kê, số lượng côn trùng đang giảm ít nhất 2,5% mỗi năm. Nếu xu hướng này cứ tiếp tục thì đến cuối thế kỷ 21, thế giới côn trùng sẽ bị tuyệt diệt, và một thảm họa sinh thái trên phạm vi toàn cầu chắc chắn sẽ xảy ra.

Dấu hiệu nghiêm trọng: Thế giới côn trùng đang chết quá nhanh, có thể tuyệt chủng trong thời gian tới - Ảnh 1.

Số lượng các loài côn trùng đang giảm quá nhanh

Đại diệt chủng lần thứ 6

Như đã nêu, các loài côn trùng từ lâu vốn đã được đánh giá rất cao về khả năng sinh tồn trong thế giới động vật. Có nghĩa, chúng ta sẽ cần đến một tác động có mức hủy diệt ở quy mô rất lớn mới có thể khiến côn trùng tuyệt chủng.

Cũng bởi quan niệm này mà giới bảo tồn thường bỏ qua côn trùng, cho rằng chúng không nguy cấp. Nhưng theo nghiên cứu lần này, có lẽ đã đến lúc con người phải quan tâm hơn đến chủng loài đông đảo nhất thế giới này rồi, bởi tốc độ diệt vong của côn trùng đang cao hơn gấp 8 lần so với các loài động vật khác - bao gồm thú, chim và bò sát.

Nghiên cứu được xây dựng dựa trên kết luận rằng Trái đất chuẩn bị tiếp đón một cuộc Đại diệt chủng lần thứ 6 - sự kiện đã từng hủy diệt khủng long 66 triệu năm trước. Các số liệu cho thấy trong vòng vài thập kỷ năm qua, số lượng bướm đã giảm 53%, ong giảm 46%, bọ cánh cứng giảm 49%, chuồn chuồn là 37%. Đáng chú ý, số lượng các loài thuộc bộ Cánh lông giảm tới 68%.

Dấu hiệu nghiêm trọng: Thế giới côn trùng đang chết quá nhanh, có thể tuyệt chủng trong thời gian tới - Ảnh 2.

Số lượng bọ cánh cứng giảm tới 49% trong vài thập kỷ qua

Nguyên nhân chính gây ra xu hướng này là các hoạt động nông nghiệp của con người. Nhưng bên cạnh đó còn nhiều nguyên nhân khác, như biến đổi khí hậu, đô thị hóa, mất môi trường sống, dịch bệnh, và sự xuất hiện của các loài xâm thực.

Côn trùng có tuyệt diệt?

Theo tiến sĩ Andrew Bladon - chuyên gia từ ĐH Cambridge, thì việc các loài côn trùng biến mất hết là rất khó. Tuy nhiên, số lượng của chúng sẽ giảm rất mạnh, bởi hệ sinh thái đang dần bị thu hẹp.

"Có lẽ rất ít khả năng Trái đất sạch bóng côn trùng, nhưng nếu không thay đổi các hoạt động nông nghiệp, chúng ta sẽ mất đi một lượng không nhỏ đâu," - Bladon chia sẻ.

Chắc nhiều người cũng hiểu rằng côn trùng có vai trò quan trọng đối với mọi hệ sinh thái. Chúng giúp cây cối thụ phấn, là thức ăn cho các sinh vật khác. Vậy nên nếu chúng biến mất, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.

"Thời điểm một loài côn trùng bị coi là tuyệt chủng là khi hệ sinh thái không cho phép chúng tiếp tục hoạt động nữa. Chúng không thể thụ phấn rồi chết dần mòn, trong khi bản thân lại là nhân tố quan trọng trong chuỗi thức ăn của nhiều loài vật khác,"

"Nếu điều đó xảy ra, hệ quả cho con người sẽ là rất lớn."

Theo một nghiên cứu cuối năm 2018, có xu hướng giảm rõ rệt về số lượng côn trùng tại Đức và Puerto Rico. Và theo nghiên cứu lần này, đây thực chất là vấn đề toàn cầu, một cuộc khủng hoảng thực sự.

"Xu hướng này xác nhận cuộc Đại diệt chủng lần thứ 6 đang gây ảnh hưởng đến mọi dạng sống trên hành tinh này," - trích trong báo cáo nghiên cứu.

"Trừ phi thay đổi các phương pháp sản xuất thực phẩm, nhiều loài côn trùng sẽ tuyệt chủng trong vòng vài thập kỷ tới."

Không phải để cảnh báo, mà cả tương lai của Trái đất phụ thuộc vào đó

Francisco Sánchez-Bayo là một trong những tác giả của nghiên cứu này. Trong nghiên cứu, ông sử dụng rất nhiều từ ngữ mạnh, nhưng cho biết đó không phải là lời cảnh báo, mà là "cảnh tỉnh" cho một bộ phận đang coi thường tình hình của các loài côn trùng.

"Nếu tình trạng này không sớm được giải quyết, hậu quả nghiêm trọng sẽ xảy ra với hệ sinh thái toàn cầu, và hiển nhiên là cả nhân loại nữa."

Theo đánh giá của Francisco Sánchez-Bayo, mức giảm 2,5% thường niên trong vòng 25 - 30 năm qua thực sự là quá lớn.

"Nó diễn ra quá nhanh. Trong vòng 10 năm, bạn mất đi 1/4. Trong vòng 50 năm, chỉ còn lại một nửa. Và trong vòng 100 năm, chúng ta sẽ chẳng còn gì."

Mar Wright - giám đốc khoa học của WWF (Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên) thì chia sẻ: "Côn trùng biến mất không chỉ là việc bạn trải qua mùa hè mà không có tiếng dế kêu. Đó là khi bạn mất đi cả một nền tảng của sự sống trên Trái đất."

"Việc số lượng côn trùng sụt giảm là dấu hiệu cho thấy hành tinh đang khủng hoảng, và con người cần nhanh chóng có những thay đổi ở quy mô toàn cầu. Tương lai của chúng ta phụ thuộc vào đó."

Để thấy được hậu quả, hãy đến với Puerto Rico - quốc gia từ lâu đã được lấy làm ví dụ rõ rệt cho sự tác động trong dài hạn của việc côn trùng biến mất. Chỉ 35 năm, lượng côn trùng ở đây giảm tới 98%, và điều này kéo theo vô số các loài cá, bò sát, lưỡng cư... cũng giảm theo vì thiếu thức ăn.

Đây là hậu quả của nhiều vấn đề. Đúng là những khu vực hoạt động nông nghiệp của con người đang dần sạch bóng côn trùng vì thuốc trừ sâu, nhưng các khu vực rừng nhiệt đới cũng đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng, do hậu quả của biến đổi khí hậu. Một số loài được hưởng lợi khi Trái đất nóng lên, nhưng đa phần là không thể thích nghi và đành chịu chết.

Dấu hiệu nghiêm trọng: Thế giới côn trùng đang chết quá nhanh, có thể tuyệt chủng trong thời gian tới - Ảnh 4.

Nhưng có lẽ gián thì...

"Không chỉ ong, xu hướng này còn diễn ra với nhiều loài bọ cánh cứng và chuồn chuồn nữa." - trích lời Matt Shardlow - CEO quỹ bảo trợ thiên nhiên Buglife.

"Xu hướng ấy ngày càng trở nên rõ ràng hơn. Nguyên nhân không chỉ có một, và tất cả đều chỉ ra rằng chúng ta cần nhanh chóng giải quyết câu chuyện này. Ngưng các hành động làm thu hẹp môi trường sống của động vật, ngăn chặn biến đổi khí hậu, giải quyết ô nhiễm môi trường..." - Shardlow cho biết.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Biological Conservation.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại