Vốn quê gốc ở Thanh Hoá, trong một vài lần về thăm quê, chị Tâm được họ hàng và bạn bè gợi ý nên đầu tư vài mảnh đất, cứ để đó giá sẽ tăng. Thế nhưng, nếu một số bạn bè đầu tư thắng đậm thì chị mắc kẹt.
Sau thời điểm sốt chóng vánh, giá đất hạ nhiệt cũng là lúc hai mảnh đất của chị lao dốc. Đến hiện tại, chị muốn bán cũng không được. Dù không phải vay ngân hàng nhưng nhìn tiền chôn vào đất lâu ngày khiến chị Tâm khá lo lắng. “Có thể phải rất lâu giá đất mới tăng trở lại như thời điểm sốt đất”, chị Tâm cho biết.
Hiện khá nhiều nhà đầu tư, bao gồm cả nhà đầu tư địa phương và các khu vực khác đang mắc kẹt tại thị trường bất động sản Thanh Hoá. Sau khoảng thời gian nóng sốt chóng vánh, nhiều nhà đầu tư chưa kịp thoát hàng, và hiện nằm dài chưa biết khi nào thị trường tăng trở lại.
Còn nhớ thời điểm 2021 đến đầu năm 2022, thị trường đất nền một số vùng quê như Thanh Hoá, Nghệ An, Bắc Giang, Hải Phòng… lên cơn sốt. Những mảnh đất trong thôn, xóm trước không ai mua đều bất ngờ tăng giá nhanh. Mua bán lướt sóng liên tục diễn, các cuộc đấu giá đất cũng nườm nượp khách ra vào.
Tuy nhiên, thời gian sốt đất ở các khu vực này chỉ kéo dài 2-4 tháng, sau đó hạ nhiệt. Suốt hơn 1 năm qua, thị trường bất động sản nơi đây gần như bất động. Các mảnh đất tăng giá bằng lần giờ rao bán không ai hỏi.
Theo đánh giá của các chuyên gia, đất nền sẽ khó quay trở lại các cơn sốt như trước đây. Sau thời gian biến động, đây là phân khúc bị ảnh hưởng nặng nhất về thanh khoản. Hầu hết sức mua trước đó là đầu tư, đầu cơ nên khi thị trường lao dốc, việc bán tháo, bán lỗ diễn ra mạnh. Trong khi nhu cầu ở thực ở phân khúc này khá ít.
“Những biến động trầm lắng của thị trường đất nền ở thời điểm hiện tại phản ánh một thời kì tăng giá vô tội vạ. Nguồn lực của xã hội gần như bị chôn vào phân khúc này. Với những cơn sốt đất diễn ra chóng vánh tại vùng quê cũng cho thấy sự thiếu bền vững và gần như dòng tiền chỉ di chuyển giữa các nhà đầu tư với nhau. Mua để ở thực hoặc canh tác sản xuất rất hiếm”, một chuyên gia trong ngành từng chia sẻ.