Đất nước chúng ta nói đến là Madagascar - một quốc đảo của châu Phi. Hiện tại, một lượng lớn dân đảo đang rơi vào tình trạng đói ăn, thậm chí là chết đói sau 4 năm liên tiếp chịu đựng hạn hán với lượng mưa thấp đến kỷ lục. Và biến đổi khí hậu được cho là nguyên nhân chủ yếu gây ra thảm họa này.
Thực tế trong lịch sử, các nạn đói thường xảy ra vì nhiều yếu tố kết hợp. Có thể là dịch hại, thảm họa tự nhiên, chiến tranh, hoặc do sự suy đồi của chính quyền. Tuy nhiên theo Liên hợp Quốc (LHQ) và một số tổ chức nhân quyền, Madagascar có thể là nơi đầu tiên hứng chịu nạn đói chỉ vì ảnh hưởng của khí nhà kính - hay rộng ra là biến đổi khí hậu.
Thảm họa đói kém này gây ảnh hưởng nặng nề nhất ở khu vực Grand Sud phía nam hòn đảo, nơi 1,14 triệu người đang rơi vào cảnh thiếu ăn. Theo LHQ, số lượng người sống trong khu vực thuộc nhóm "thảm họa cấp 5" - cũng là mức nghiêm trọng nhất - có thể lên tới 28.000 vào tháng 10, trong khi 110.000 trẻ em sẽ phải đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng và gây ra những tổn hại "không thể khôi phục" cho sự phát triển của mình.
Madagascar hiện tại không có bất kỳ hiện tượng nào gây ra nạn đói - kể cả tự nhiên hay do yếu tố con người - nên kết luận chỉ có thể nằm ở biến đổi khí hậu. "Mọi chuyện là do biến đổi khí hậu, không phải chiến tranh," - David Beasley, Giám đốc chương trình Lương thực Thế giới của LHQ (WFP) cho biết.
Tất cả chỉ là khởi đầu
Issa Sanogo, điều phối viên thường trú của LHQ tại Madagascar, thì đây có thể là bức tranh cho thấy hậu quả thực tế của biến đổi khí hậu sẽ diễn ra như thế nào, trong khi người dân không làm bất kỳ điều gì để phải hứng chịu nó. Bởi lẽ, Madagascar đóng góp vào tổng lượng khí nhà kính mỗi năm của thế giới chỉ 0,01%, mà họ lại là nạn nhân lớn nhất của biến đổi khí hậu.
"Họ hứng chịu một thảm họa mà không phải do mình tạo ra," - Sanogo nhận xét.
Những người dân sống tại phía nam đất nước trước kia phải dựa vào những cơn mưa gió mùa để trồng trọt. Nhưng khi khí hậu thay đổi, lượng mưa trút xuống đã trở nên thất thường. Những năm hạn hán vừa qua đã khiến đất đai khô cằn hơn, mùa màng thất thoát, và hàng trăm ngàn người rơi vào cảnh chẳng có gì để ăn.
Các báo cáo tại Grand Sud cho thấy tình trạng đang rất tồi tệ, khi nhiều người phải nhịn ăn, nhịn mặc để nuôi con. "Nhiều tháng qua, các gia đình phải sống nhờ xương rồng, rau dại và cào cào," - Beasley chia sẻ. Trong khi đó, phát ngôn viên của WFP còn nhận định "số trẻ em phải điều trị suy dinh dưỡng tại Grand Sud giai đoạn tháng 1 - 3/2021 đã tăng gấp 4 lần so với trung bình 5 năm qua."
Đáng lo ngại hơn là tình hình sẽ còn tồi tệ hơn nữa trong tương lai - theo nhận định của Thakral. "Mùa trồng trọt tiếp theo sẽ diễn ra sau đây chưa đầy 2 tháng, và dự đoán về lương thực cũng rất ảm đạm. Đất đai bị cát bao phủ, nước thì không có, mưa rất ít khả năng rơi."
Và tương lai của cả Trái đất rất có thể sẽ như vậy, nếu chúng ta không sớm thay đổi.