Mới đây, theo thông tin từ báo Người lao động, bà Nguyễn Thị Nam – Chủ tịch UBND xã Đặng Xá thông tin thêm người đàn ông gây rối tên là Nguyễn Đ. (sinh năm 1983) tạm trú tại xã Đặng Xá, có địa chỉ thường trú ở Đê La Thành, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.
Đối tượng khai nhận làm giám đốc công ty marketing Đại dương xanh và làm việc ở VTV 10 năm trước. Tuy nhiên đến hiện tại việc này vẫn đang được cơ quan chức năng xác minh làm rõ thêm.
Đối tượng có biểu hiện say xỉn, không đeo khẩu trang, liên tục quát lớn
Bà Nam cho biết hiện nay đang hoàn thiện hồ sơ xử phạt với người vi phạm, thậm chí có thể xem xét xử lý hình sự với loạt hành động chống đối, gây sự của người đàn ông:
"Tối qua, do người đàn ông này say rượu nên phải mời vợ ra để làm việc. Sáng nay, chúng tôi đã mời người đàn ông lên trụ sở Công an xã làm việc với lực lượng công an, trong đó có cả công an huyện.
Đến thời điểm hiện tại, người này chưa xuất trình được giấy tờ làm ở VTV mà mới xuất trình được chứng minh nhân dân, hộ khẩu và giấy tờ làm ở công ty marketing Đại dương xanh" – bà Nam thông tin.
Được yêu cầu kiểm tra giấy tờ, người đàn ông lấy ra rồi vứt xuống đất, tỏ rõ thái độ chống đối
Cũng trong sáng ngày 16/8, Thượng tá Phạm Văn Hậu – Trưởng Công an huyện Gia Lâm cho biết đã tiếp nhận tình hình, hiện đơn vị đang củng cố hồ sơ để xử lý theo đúng pháp luật: "Người này có biểu hiện say rượu, chống đối lực lượng tại chốt kiểm soát Covid-19. Chúng tôi đang cho cán bộ xuống làm việc và kiên quyết sẽ xử lý nghiêm" – Thượng tá nêu rõ.
Trước đó trên mạng xã hội xôn xao đoạn clip ghi lại cảnh người đàn ông có biểu hiện say xỉn, khi bị lực lượng chức năng dừng xe và nhắc nhở thì mới lấy khẩu trang ra đeo.
Không chỉ vậy, khi người đàn ông có nhiều hành vi chống đối, một cán bộ trực chốt lấy điện thoại quay liền bị quát tháo: "Bỏ cái máy quay xuống. Tao là tiến sĩ đấy, đừng chỉ vào mặt tao. Bây giờ cần giấy tờ gì? Nói". Cuối cùng, sau một hồi thuyết phục, đối tượng đã vào khu vực chốt làm việc nhưng vẫn cố lớn tiếng cãi: "Tôi chưa thấy thoả đáng".
Người đàn ông bị đưa về chốt làm việc sau hành động "thông chốt". Tại đây, khi bị xử lý người này vẫn cố cãi "tôi chưa thấy thỏa đáng".