Nga
Từ tháng 4/2022, xung đột ở Ukraine đã biến thành cuộc xung đột tiêu hao. Về phía Nga, thay vì cố gắng kiểm soát các vùng lãnh thổ của Ukraine từ nhiều hướng, Moscow tiến hành các cuộc tiến công ở phía Đông Ukraine để làm tiêu hao nguồn lực của Ukraine. Theo đó, điện Kremlin hy vọng cuối cùng Ukraine sẽ tự nguyện đầu hàng hoặc sự chống cự của quân đội nước này sẽ sụp đổ.
Giới quan sát phương Tây cho rằng các nhà hoạch định chính sách của Nga đang dựa vào cuộc chiến thông tin và việc cắt giảm cung cấp năng lượng tới châu Âu để chia rẽ phương Tây và chuyển hướng sự chú ý khỏi cuộc xung đột ở Ukraine. Họ cũng nhận định, trên thực tế, chiến lược này có thể thành công và Nga sẽ tiếp tục thực hiện nó.
Quân đội Nga chuẩn bị khai hỏa các lựu pháo 2A18 D-30. Ảnh: Sputnik
Để duy trì cuộc xung đột tiêu hao và giành thế chủ động, Nga đã ra lệnh động viên một phần vào tháng 9/2022. Việc tăng cường lực lượng giúp quân đội Nga phòng thủ hiệu quả hơn và nối lại các chiến dịch tấn công. Theo các nguồn tin, lực lượng bổ sung của Nga có khoảng 150.000 - 200.000 binh lính đang trải qua huấn luyện và sẽ tham gia vào các cuộc giao tranh ở Ukraine trong tương lai gần.
Bất chấp những dự đoán cho rằng Nga sẽ tiến hành một cuộc tấn công mới từ lãnh thổ Belarus, kịch bản này vẫn khó có khả năng xảy ra, ít nhất là trong mùa đông và mùa xuân này. Nếu Nga thực hiện kế hoạch trên, nước này sẽ phải triển khai nhiều lực lượng hơn tới Belarus. Tuy nhiên, trong quý 1 của năm nay, Belarus sẽ trở thành nơi huấn luyện và tập trận của quân đội Nga. Ngoài ra, việc thành lập các đội quân mới có khả năng sẵn sàng chiến đấu từ các binh lính mới được huy động cũng cần có thời gian.
Một chiến dịch từ Belarus có lẽ sẽ khả thi hơn vào sau này, đặc biệt nếu Moscow tiến hành một đợt động viên tiếp theo. Tuy nhiên, việc huy động thêm binh lính cũng đi cùng với những khó khăn, chẳng hạn như tỷ lệ binh lính có kinh nghiệm sẽ giảm theo từng đợt cùng với nhu cầu cần bố trí thêm các chuyên gia huấn luyện, chỉ huy, các yếu tố hậu cần...Vì thế, huy động thêm binh lính không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với gia tăng hiệu quả chiến đấu.
Hiện nay, giới lãnh đạo Ukraine dự đoán, Nga sẽ tiến hành một chiến dịch tấn công mới ở Donbass và các khu vực phía Nam Ukraine trước khi các xe tăng hạng nặng cũng như vũ khí tiên tiến từ phương Tây được chuyển giao cho Kiev.
Trong thời gian qua, ngành công nghiệp quốc phòng Nga đã cho thấy khả năng chống chịu ấn tượng. Khả năng sản xuất tên lửa hành trình của Nga đã tăng trong suốt thời gian cuộc xung đột ở Ukraine diễn ra, bất chấp lệnh trừng phạt khắc nghiệt từ phương Tây. Trong khi Moscow chưa thể bù đắp các hệ thống vũ khí tiến tiến bằng các đợt sản xuất mới thì nước này vẫn duy trì được nhịp độ sản xuất các loại vũ khí thông thường.
Ngoài ra, mặc cho những dự đoán của phương Tây về việc thiếu hụt đạn dược, Nga vẫn nã pháo vào các vị trí của Ukraine với tần suất liên tục kể từ tháng 10/2022. Với việc chuyển sang kinh tế thời chiến, ngành công nghiệp xe tăng của Nga hiện có thể sản xuất khoảng 200 - 250 xe tăng T-72B3 và T-90M mới trong 1 năm. Do đó, Nga được dự đoán sẽ có khả năng tiếp tục duy trì nhịp độ chiến đấu trong thời gian tới.
Ukraine
Giới quan sát cho rằng Ukraine sẽ gặp khó khăn trước các cuộc tấn công mới của Nga trong nửa đầu năm 2023. Kiev khó có thể tiến hành một cuộc phản công quy mô lớn bởi lực lượng vũ trang nước này thiếu các phương tiện cần thiết, đặc biệt là xe bọc thép chở quân nhân, xe chiến đấu bộ binh và xe tăng. Nếu các đợt vận chuyển vũ khí hạng nặng của phương Tây đến tay Ukraine, một cuộc phản công có thể sẽ diễn ra vào nửa cuối năm nay.
Quân đội Ukraine khai hỏa lựu pháo Panzerhaubitze 2000 của Đức ở khu vực Donetsk, Ukraine ngày 5/2/2023. Ảnh: Reuters
Khó khăn lớn nhất của Ukraine hiện nay là mức độ sẵn có các trang thiết bị, giữa bối cảnh tổn thất gia tăng. Những bộ phận dự trữ và đạn dược sử dụng cho các hệ thống thời Liên Xô đang trở nên khan hiếm và việc nhận được chúng phụ thuộc vào sự sẵn sàng hỗ trợ của các nước không thuộc phương Tây. Khi cuộc xung đột kéo dài, những nguồn cung này sẽ cạn kiệt và đặc biệt khó có thể dự đoán về mức độ sẵn có của chúng.
Cuộc họp ở Rammstein, Đức ngày 20/1 đã phá vỡ những cấm kỵ mà chính phương Tây đặt ra trong việc hỗ trợ vũ khí hạng nặng cho Ukraine. Tuy nhiên, số lượng vũ khí mà phương Tây cam kết cung cấp cho Kiev vẫn ở mức thấp. Những vũ khí này chỉ có thể tác động đến cục diện chiến trường nếu các đợt vận chuyển tăng lên. Bên cạnh đó, xe tăng và xe bọc thép chở quân nhân cũng là những mục tiêu bị nhắm đến với tỷ lệ cao hơn so với pháo và các hệ thống phòng không.
Nếu phương Tây có kế hoạch ủng hộ Ukraine trong cuộc xung đột kéo dài, các nước này sẽ cần sản xuất vũ khí với tốc độ nhanh hơn để thay thế các vũ khí vận chuyển cho Kiev. Hiện nay, xe tăng Leopard 2 được sản xuất với tốc độ 2 chiếc/tháng và tính cả thời gian vận chuyển có thể lên tới 3 năm. Tỷ lệ này chỉ bằng 1/8 so với tỷ lệ sản xuất xe tăng của Nga.
Năm 2023, Ukraine cũng sẽ đối mặt với sức ép gia tăng từ các cuộc tấn công của Nga. Cơ hội phản công và đẩy lùi quân đội Nga của Ukraine được dự đoán sẽ chỉ mở ra vào nửa cuối năm nay.
Cuộc xung đột không hồi kết
Cuộc xung đột ở Ukraine được dự báo sẽ chưa thể kết thúc vào năm 2023. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley từng nhận định khó có khả năng Ukraine giành lại các vùng lãnh thổ Nga kiểm soát trong năm nay.
Binh lính Ukraine trong cuộc tập trận ở khu vực Kharkiv ngày 25/1/2023. Ảnh: Reuters
Cuộc xung đột giữa hai bên có thể rơi vào bế tắc. Nga sẽ theo đuổi đến cùng các mục tiêu của mình và không nhượng bộ bất kỳ điều kiện tiên quyết nào với Ukraine. Trong khi đó, với mục tiêu không để Ukraine thua, phương Tây sẽ hỗ trợ vũ khí để nước này tiếp tục chiến đấu. Tuy nhiên, lập trường này không thống nhất trong liên minh phương Tây và khác biệt sẽ tiếp tục tồn tại giữa các nước về kết cục của cuộc xung đột, chiến lược và các ưu tiên hỗ trợ./.