Vừa qua, tại một chương trình của trung tâm Thúy Nga, danh ca Giao Linh đã chia sẻ khi được hỏi về lời khuyên dành cho các nghệ sĩ trẻ ngày nay.
Tôi cất một câu vọng cổ cũng rụng rốn
Tôi nói ra lại sợ mấy ca sĩ trẻ bảo tôi dạy đời, nhưng vì được hỏi về lời khuyên làm nghề thì tôi xin chia sẻ.
Giao Linh và nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông
Thời tôi mới vào nghề, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông thầy tôi có dạy một câu mà đến giờ tôi vẫn luôn nhớ. Ngày tôi tới đầu quân cho thầy Nguyễn Văn Đông và hát thử cho thầy nghe, thầy gật đầu dặn:
"Ngoài giọng hát, điều quan trọng nhất của một ca sĩ khi bước ra sân khấu là sắc vóc".
Là người ca sĩ khi lên sân khấu phải chỉn chu, làm sao cho mình đẹp nhất để tôn trọng khán giả, không được ăn mặc lôi thôi. Sắc vóc cũng là cái để khán giả thấy được hào quang của người ca sĩ.
Nếu lỡ không có sắc vóc thì phải ráng tập trung vào giọng hát, hát cho thật hay, hát làm sao để khi cất giọng lên, dù khán giả đang làm gì cũng phải ngưng lại nghe mình hát. Đó mới là thành công của người ca sĩ khi bước ra sân khấu.
Để làm được như vậy, ca sĩ phải chăm chỉ luyện thanh, học nhạc lý để vững tin lên sân khấu trình diễn. Có nhạc lý vững chắc thì ban nhạc đánh cỡ nào, chơi ra sao, có sự cố gì thì ca sĩ vẫn hát được vì có sẵn nhịp trong người. Đó là bản lĩnh của người ca sĩ.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông hồi trẻ
Tôi lấy ví dụ từ chính tôi. Thực ra, tôi hát cải lương, vọng cổ cũng mùi mẫn lắm, cất một câu vọng cổ lên là cũng rụng rốn người nghe. Nhưng vì không có kỹ thuật hát vọng cổ nên tôi chỉ hát được đúng một câu, tới câu tiếp theo là trật nhịp, không hát được tiếp.
Bởi vậy tôi mới nói, phải có nhịp vững chắc vì mới hát được hay, diễn tả hết ca khúc.
Làm gì thì làm, phải biết tôn sư trọng đạo
Tôi rất nể phục các nghệ sĩ hát cải lương, vọng cổ vì một mình họ bằng 5 ca sĩ bình thường gộp lại.
Nghệ sĩ cải lương vừa phải hát, diễn, đọc tuồng, con mắt phải đảo liên tục, nhìn khắp nơi, diễn bằng cả cơ thể mà vẫn hát được. Nghệ sĩ cải lương trong mắt tôi hết sức hoàn hảo.
Tôi là ca sĩ, bước ra sân khấu chỉ cần tập trung hát cũng mệt rồi, còn nghệ sĩ cải lương phải làm đủ thứ.
Điều thứ hai tôi muốn khuyên các nghệ sĩ trẻ là làm gì thì làm, phải biết tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn, không được ăn cháo đá bát. Cái tâm với cái tài phải đi đôi cùng nhau.
Nghệ sĩ phải có tài nhưng cần có tâm để tạo được chỗ đứng lâu dài. Chỗ đứng này không chỉ với đồng nghiệp mà còn với khán giả. Khán giả chỉ yêu mến những nghệ sĩ vừa có tài vừa có tâm.