Cuộc xung đột này đã làm sâu sắc một trong những sự chia rẽ ý thức hệ lớn nhất trong đảng Cộng hòa: Đó là sự chia rẽ giữa các thành viên có quan điểm truyền thống coi Mỹ có vai trò quan trọng trong các vấn đề quốc tế và các thành viên có quan điểm không can thiệp khi coi việc can dự vào các vấn đề nước ngoài sẽ làm xao lãng các vấn đề quan trọng trong nước.
Xung đột ở Ukraine trở thành nguồn cơn chia rẽ trong đảng Cộng hòa. Ảnh: New York Times
Những ứng viên tranh cử tổng thống Mỹ 2024 có quan điểm thứ nhất bao gồm bà Nikki Haley, ông Mike Pence và ông Tim Scott. Đây cũng là những người ủng hộ việc cung cấp phương tiện quân sự và vũ khí cho Ukraine, song từ chối điều động quân đội. Lập trường này cũng nhất quán với chiến lược của Tổng thống Biden mặc dù họ cho rằng ông Biden đang thực hiện sai cách.
Tuy nhiên, bên có lập trường không can thiệp lại đang có ảnh hưởng lớn hơn với hai thành viên Donald Trump và Ron DeSantis, những ứng viên dẫn trước đáng kể so với các ứng viên khác trong các cuộc thăm dò dư luận. Chỉ có một ứng viên của đảng Cộng hòa là ông Will Hurd muốn mở rộng đáng kể sự can thiệp của Mỹ trong cuộc xung đột ở Ukraine. Dưới đây là lập trường của các ứng viên tranh cử tổng thống trong đảng Cộng hòa về cuộc xung đột ở Ukraine cũng như mức độ can thiệp của Mỹ.
Phe phản đối can thiệp
Donald Trump
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump từng nhận định cuộc xung đột ở Ukraine không có tầm quan trọng thiết yếu với Mỹ. Trong một sự kiện của CNN, ông Trump không đưa ra câu trả lời trực tiếp khi được hỏi liệu ông có tiếp tục cung cấp hỗ trợ quân sự cho Ukraine hay không mà thay vào đó tuyên bố rằng ông sẽ chấm dứt cuộc xung đột này "trong 24h" bằng cách gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ông cũng cho rằng Mỹ đang cung cấp quá nhiều thiết bị quân sự cho Ukraine trong khi "chúng ta không có đạn dược cho chính mình".
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: New York Times
Ông Trump cũng từng bình luận trên Fox News rằng ông có thể ngăn cản cuộc xung đột này bằng cách nhượng bộ lãnh thổ của Ukraine cho Nga.
Ron DeSantis
Thống đốc bang Florida Ron DeSantis đã gọi cuộc xung đột ở Ukraine là "tranh chấp lãnh thổ" và kết quả của nó không ảnh hưởng trực tiếp đến Mỹ.
"Trong khi Mỹ có nhiều lợi ích cốt lõi như đảm bảo an ninh biên giới, giải quyết cuộc khủng hoảng về mức độ sẵn sàng của quân đội, đảm bảo sự độc lập và an ninh về năng lượng, đồng thời cản trở ảnh hưởng về kinh tế, văn hóa và quân sự của Trung Quốc thì việc vướng vào tranh chấp lãnh thổ giữa Nga và Ukraine không nằm trong những lợi ích đó", ông Ron DeSantis nhận định với Fox News hồi tháng 3.
Sau khi vấp phải chỉ trích từ chính các thành viên đảng Cộng hòa, ông đã rút lại tuyên bố trên, nói rằng những nhận định của ông đã bị hiểu sai và chiến dịch quân sự của Nga là "sai trái". Ông cũng chỉ trích Tổng thống Putin và cho rằng nhà lãnh đạo Nga phải “chịu trách nhiệm” về các hành động của mình.
Thống đốc bang Florida cũng ủng hộ một lệnh ngừng bắn, nói rằng ông muốn tránh viễn cảnh xảy ra nhiều thương vong, tổn thất và tình hình đi vào bế tắc. Ông duy trì quan điểm Mỹ không nên can thiệp sâu hơn vào cuộc xung đột ở Ukraine.
Vivek Ramaswamy
Doanh nhân Vivek Ramaswamy phản đối việc hỗ trợ cho Ukraine. Ông Ramaswamy đã cam kết rằng, nếu đắc cử, ông sẽ "không dành thêm một đồng tiền nào của Mỹ cho cuộc xung đột không ảnh hưởng đến các lợi ích của chúng ta".
Ông cho biết sẽ đảm bảo thỏa thuận với một số thỏa hiệp cho Tổng thống Putin, trong đó nhượng bộ hầu hết khu vực Donbass cho Nga, dỡ bỏ trừng phạt, đóng cửa tất cả căn cứ quân sự Mỹ tại Đông Âu và cấm Ukraine gia nhập NATO. Đổi lại, ông sẽ yêu cầu Nga phải chấm dứt liên minh quân sự với Trung Quốc và tái gia nhập Hiệp ước START.
Ông cũng cho rằng cuộc xung đột ở Ukraine không phải là "ưu tiên chính sách đối ngoại hàng đầu" của Mỹ. Thay vào đó, ứng viên đảng Cộng hòa nhận định, nếu trở thành tổng thống, ông sẽ tập trung vào mối quan hệ liên minh giữa Nga và Trung Quốc, điều mà ông coi là "mối đe dọa quân sự hàng đầu của chúng ta". Theo ông Ramaswamy, việc Washington hỗ trợ vũ khí cho Kiev chỉ đang đẩy Nga về phía Trung Quốc và "liên minh Nga - Trung là mối đe dọa hàng đầu mà Mỹ đang đối mặt".
"Điều mà tôi nghĩ chúng ta cần làm là chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine theo các điều khoản hòa bình, trao cho Nga một số nhượng bộ quan trọng, trong đó bao gồm việc đóng băng các đường kiểm soát hiện nay - điều mà Ukraine không muốn và một cam kết vĩnh viễn không cho phép Kiev gia nhập NATO. Đổi lại, Nga sẽ phải rời khỏi hiệp ước và thỏa thuận quân sự chung với Trung Quốc", ứng viên tranh cử tổng thống đảng Cộng hòa nói.
Phe giữ quan điểm truyền thống
Nikki Haley
Cựu Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley cho rằng lợi ích lớn nhất của Mỹ tại Ukraine là đẩy lùi chiến dịch quân sự của Nga. Bà tuyên bố sẽ ủng hộ việc tiếp tục cung cấp vũ khí và đạn dược cho Kiev.
"Chiến thắng cho Ukraine là chiến thắng cho tất cả chúng ta", bà Nikki Haley nói. Theo bà, chiến thắng cho Ukraine sẽ gửi thông điệp cho nhiều quốc gia khác, chẳng hạn như nỗ lực chế tạo bom hạt nhân của Iran hay việc Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo. Còn với Nga, bà cho rằng điều đó là tín hiệu cho thấy mọi thứ đã kết thúc.
Trong một bài phát biểu tại Viện Doanh nhân Mỹ, bà Nikki Haley nhận định, Tổng thống Biden đang hành động "quá chậm chạp và yếu đuối trong việc hỗ trợ Ukraine".
Mike Pence
Cựu Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cũng ủng hộ việc cung cấp hỗ trợ cho Ukraine và cáo buộc chính quyền Tổng thống Biden không hành động đủ nhanh chóng. Hồi tháng 6, ông là ứng viên đảng Cộng hòa đầu tiên tới Ukraine và gặp Tổng thống Zelensky.
Cựu Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence. Ảnh: New York Times
Ông cũng có lập trường giống bà Nikki khi cho rằng việc hỗ trợ Ukraine là một cách để gửi thông điệp tới các nước khác.
Dù vậy, ông Mike Pence nhấn mạnh sẽ "không bao giờ" điều động quân đội Mỹ tới Ukraine và không chấp nhận việc Kiev gia nhập NATO bởi ông muốn ngăn cản Mỹ khỏi nghĩa vụ cử quân đội tham gia chiến đấu. Tuy nhiên, ông cho biết sẽ có thái độ cởi mở với nỗ lực gia nhập NATO của Ukraine sau khi xung đột chấm dứt.
Tim Scott
Thượng nghị sĩ bang Nam Carolina Tim Scott ủng hộ việc hỗ trợ cho Ukraine và nhận định với NBC News rằng chính quyền Tổng thống Biden đã không làm tốt trong việc giải thích và truyền đạt rõ ràng cho người dân Mỹ về các lợi ích của Washington.
Hồi tháng 5, ông từng bỏ phiếu cho một gói ngân sách khẩn cấp nằm ngoài những gì Tổng thống Biden đề xuất. Ông cũng cáo buộc ông Biden đã "chờ đợi quá lâu" để cung cấp "hầu như rất ít sự hỗ trợ" cho Ukraine.
Chris Christie
Cựu Thống đốc bang New Jersey Chris Christie thì cho rằng Mỹ nên tiếp tục ủng hộ Ukraine cho tới khi cuộc xung đột này "được giải quyết". Ông cho rằng "một vài hình thức nhượng bộ" Nga cuối cùng có lẽ cần được đưa ra và Mỹ nên hỗ trợ đàm phán khi Ukraine "có thể bảo vệ lãnh thổ bị Nga kiểm soát trong cuộc xung đột này".
Asa Hutchinson
Cựu Thống đốc bang Arkansas Asa Hutchinson cũng ủng hộ việc hỗ trợ cho Ukraine. Ông nói rằng sự lãnh đạo của Mỹ đóng vai trò quan trọng trong việc ủng hộ Ukraine và đưa các đồng minh châu Âu xích lại gần nhau nhằm chống lại Nga. Ông cũng phản đối lập trường của ông Trump và ông DeSantis. Ông cho rằng việc để Nga giành chiến thắng sẽ đưa Moscow đến gần "cửa ngõ" của NATO.
Doug Burgum
Thống đốc bang Bắc Dakota Doug Burgum khẳng định ông ủng hộ việc hỗ trợ quân sự với "trách nhiệm trên từng đồng USD".
"Nga không thể giành chiến thắng", ông Burgum nói, đồng thời cho biết ông muốn châu Âu kề vai sát cánh nhiều hơn để cùng chia sẻ gánh nặng tài chính. Ông kêu gọi cung cấp cho Ukraine "những gì họ cần. Hãy để cuộc xung đột này kết thúc hiện nay thay vì khiến nó kéo dài".
Francis Suarez
Thị trưởng Miami Francis X. Suarez cũng ủng hộ việc hỗ trợ cho Ukraine song muốn gắn nó với những quy tắc mới trong NATO, theo đó yêu cầu châu Âu chia sẻ gánh nặng tài chính bình đẳng hơn. Ngoài ra, ông Francis X. Suarez đã chỉ trích lập trường của ông DeSantis khi Thống đốc bang Florida gọi cuộc xung đột ở Ukraine là "tranh chấp lãnh thổ".
Phe cứng rắn
Will Hurd
Cựu nghị sĩ bang Texas Will Hurd, người từng cho rằng Mỹ nên cung cấp cho Ukraine "nhiều vũ khí nhất có thể" đã ủng hộ một chính sách cứng rắn hơn so với các ứng viên khác. Theo ông, Mỹ nên đi xa hơn trong việc hỗ trợ phương tiện và vũ khí cho Kiev.
Ông Hurd ủng hộ việc thiết lập vùng cấm bay ở Ukraine – điều mà các nhà lãnh đạo NATO và các nghị sĩ Mỹ trước đó đều bác bỏ do lo ngại leo thang căng thẳng. Ông cho rằng Washington nên hỗ trợ Kiev giành lại không chỉ các vùng lãnh thổ mà Moscow kiểm soát năm 2022 mà còn cả Bán đảo Crimea được sáp nhập vào Nga năm 2014.