Không chỉ có máy bay, lực lượng tàu chiến và tàu ngầm của Hải quân Mỹ cũng sẽ được triển khai để tấn công các cơ sở phòng không và chỉ huy của Triều Tiên. Thế nhưng, họ sẽ phải hành động thật nhanh chóng để đảm bảo Triều Tiên không tấn công đáp trả bằng vũ khí thường và vũ khí hạt nhân, cả hai loại sẽ gây tổn hại nặng nề đối với thủ đô Seoul của Hàn Quốc.
Nếu chính quyền Trump quyết định tấn công Triều Tiên, máy bay tàng hình như F-35 phải tiêu diệt hệ thống phòng không của Triều Tiên một cách nhanh chóng. Bình Nhưỡng không sở hữu các loại vũ khí phòng không hiện đại, khi phần lớn những gì họ có đều là những loại vũ khí do Liên Xô sản xuất.
Thế nhưng, Triều Tiên vẫn có những loại vũ khí hiện đại như KN-06, một phiên bản sao chép tên lửa S-300 của Nga.Đây là vấn đề khiến các tham mưu của Mỹ phải đau đầu nếu tấn công Triều Tiên:
Làm cách nào để tiêu diệt lực lượng vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng mà không để hàng ngàn người dân Hàn Quốc và Nhật Bản phải thiệt mạng? Thậm chí, Triều Tiên cũng có thể dùng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa để tấn công nước Mỹ.
Ông Vasily Kashin, một nhà nghiên cứu thuộc Trường Cao học Kinh tế Moscow và là chuyên gia về tình hình Châu Á đã từng nói rằng KN-06 đã được thử nghiệm thành công và nó được cho là có tầm bắn lên đến 150km.
"Không ai có thể nói chắc rằng Triều Tiên có bao nhiêu loại vũ khí như vậy. KN-06 có hệ thống radar quét mạng pha và sử dụng hệ thống định hướng tên lửa, có thể khả năng của nó sẽ tương đương các phiên bản đầu tiên của S-300", ông Kashin cho biết.
Tuy nhiên hệ thống phòng không của Triều Tiên không phải là vấn đề duy nhất. Các loại pháo hạng nặng được bố trí trong các công sự ngầm có khả năng pháo kích Seoul là một điều đáng phải lưu tâm. Mặc dù không sử dụng đầu đạn hạt nhân, song các loại pháo này vẫn có thể tàn phá Seoul trong vài giờ đồng hồ. Việc loại bỏ những mối đe dọa này rất khó.
"Từ năm 1950 đến 1953, Không quân và Hải quân Mỹ đã gần như san phẳng Triều Tiên, vì vậy trong 65 năm qua quân đội Triều Tiên đã xây dựng các hầm chống bom và các địa đạo kiên cố", ông Mike McDevitt, một chuyên gia nghiên cứu tại Trung tâm Phân tích Hải quân Mỹ cho biết.
Trước đó, chuyên gia người Mỹ Jerry Hendrix cũng nhận định rằng các cuộc không kích phải tiêu diệt tất cả các mục tiêu cùng lúc, trong khi hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis cần phải nhanh chóng bắn hạ tên lửa Triều Tiên được phóng đi.
"Rất có thể Mỹ sẽ bắt đầu bằng hàng loạt các cuộc tấn công thần tốc nhằm vào các mục tiêu quan trọng, bao gồm dàn pháo hướng về phía Seoul, kho chứa vũ khí hạt nhân, các dàn phóng tên lửa và hệ thống phòng không của Triều Tiên. Chúng sẽ được thực hiện gần như cùng một lúc", ông Hendrix nói.
"Trong khi đó, hệ thống phòng thủ tên lửa và hệ thống THAAD sẽ dùng radar tầm xa của mình để xác định và bắn hạ tên lửa Triều Tiên".
Tuy nhiên, rất khó để có thể bảo đảm thành công của một chiến dịch như vậy. Một cuộc tấn công vào Triều Tiên sẽ khiến sinh mạng của hàng ngàn hay thậm chí là hàng triệu người Hàn Quốc và Nhật Bản bị đe dọa. Vì vậy, phương án ngoại giao vẫn là lựa chọn tối ưu hơn cả.