Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, tòa nhà ở thủ đô Accra treo cờ Mỹ làm việc vào mỗi sáng thứ hai, ba và thứ sáu. Trong tòa nhà còn có ảnh chân dung của Tổng thống Mỹ Barack Obama và những dấu hiệu khiến khách tin lầm rằng đây là đại sứ quán thật.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: “Đại sứ quán này không phải do chính phủ Mỹ điều hành mà là do tổ chức tội phạm người Ghana và Thổ Nhĩ Kỳ quản lý. Một luật sư Ghana chịu trách nhiệm về vấn đề nhập cư và luật hình sự”.
Theo đó, nhân viên của đại sứ quán giả này thực chất là những công dân Thổ Nhĩ Kỳ nói tiếng Anh và Hà Lan.
Vấn đề là đường dây tội phạm này cấp cả thị thực Mỹ hợp pháp (được thu thập qua con đường trái phép), thị thực giả và các giấy tờ giả khác như giấy khai sinh và hồ sơ ngân hàng với chi phí 6.000 USD/trường hợp.
Dịch vụ của đại sứ quán giả được quảng cáo công khai trên các tờ rơi và biển quảng cáo. Tuy nhiên, đại sứ quán giả không tiếp khách trực tiếp. Thay vào đó, họ đưa khách hàng từ các nước Tây Phi đến Accra và thuê phòng khách sạn cho họ ở lại.
Giới chức trách thu giữ được tại đây các thị thực thật và giả của Ấn Độ, Nam Phi và khu vực Schengen, cùng 150 hộ chiếu từ 10 quốc gia, bên cạnh một số máy tính xách tay và điện thoại thông minh.
Đại sứ quán giả bị đóng cửa vào mùa hè vừa qua. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, đại sứ quán giả tồn tại trong thời gian dài là do bọn tội phạm này hối lộ các quan chức tham nhũng.
Số tang vật thu được trong cuộc điều tra. Ảnh: US Department of State
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ không cho biết cách thức băng nhóm tội phạm này có được thị thực hợp pháp cũng như số người sử dụng thị thực do nhóm tội phạm này cung cấp để vào Mỹ và các quốc gia khác trái phép.
Các nhà điều tra cũng phát hiện một Đại sứ quán Hà Lan giả mạo ở Accra, theo Bộ Ngoại giao Mỹ.
Hiện Cục Điều tra Hình sự của Ghana vẫn chưa đưa ra bình luận nào về vấn đề này.
Nhu cầu xin thị thực vào các quốc gia phương Tây ở châu Phi khá cao và thị trường thị thực đang là mục tiêu lớn của tội phạm có tổ chức.
Trong khi đó, Đại sứ quán Mỹ thật là khu phức hợp rộng lớn ở Cantonments, một trong những địa điểm đắt đỏ nhất thủ đô Ghana. Mỗi ngày đều có dòng người xếp hàng bên ngoài đến xin thị thực du lịch hoặc kinh doanh ở Mỹ.