Biển tên văn phòng đại diện của Đài Loan (Trung Quốc) ở Lithuania
Trong khi đó, Chính phủ Lithuania chỉ đạo công ty đường sắt nhà nước không ký hợp đồng với hãng xây cầu Tây Ban Nha thuộc sở hữu của Trung Quốc vì “lợi ích quốc gia”, Văn phòng Thủ tướng Lithuania thông báo.
Lithuania đang bị Trung Quốc gây sức ép lớn về ngoại giao và kinh tế vì quyết định cho phép mở văn phòng đại diện sử dụng tên Đài Loan tại Vilnius.
Trung Quốc đã triệu tập đại sứ ở Lithuania về nước và hạ cấp quan hệ ngoại giao , đồng thời gây sức ép lên những công ty như hãng chế tạo linh kiện ôtô Continental của Đức để họ phải dừng sử dụng linh kiện sản xuất tại Lithuania. Hàng hoá của Lithuania vào Trung Quốc cũng bị chặn.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã nhắc đến chuyện Trung Quốc gây sức ép với Vilnius trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Đức Annalena Baerbock và tuyên bố sẽ phối hợp với Berlin và các nước khác để chống lại “sự chèn ép” đó.
Ông Blinken nói rằng Mỹ và Đức đồng ý về sự phối hợp xuyên Đại Tây Dương để đối phó với Trung Quốc “vì họ gây ra thách thức đáng kể đối với các giá trị chung của chúng ta, với luật pháp, quy tắc và những thoả thuận vốn là nền tảng cho sự ổn định, thịnh vượng và tự do trên khắp thế giới”.
“Chúng tôi quan ngại về những nỗ lực của Trung Quốc nhằm bắt nạt Lithuania… Trung Quốc đang đẩy các công ty châu Âu và Mỹ đến chỗ phải dừng mua các sản phẩm làm ra ở Lithuania, hoặc đối mặt với nguy cơ bị đẩy khỏi thị trường Trung Quốc, tất cả chỉ vì Lithuania chọn cách mở rộng hợp tác với Đài Loan”, ông Blinken nói.
Nền kinh tế dựa vào xuất khẩu của Lithuania có hàng trăm công ty sản xuất các sản phẩm như nội thất, thiết bị laser, lương thực và quần áo, để bán cho các tập đoàn đa quốc gia đang làm ăn cả ở Trung Quốc.
Ông Eric Huang, trưởng văn phòng đại diện Đài Loan ở Lithuania, cho biết quỹ đầu tư chiến lược sẽ được Quỹ Phát triển và Ngân hàng trung ương của Đài Loan (Trung Quốc) cấp vốn.
“Chúng tôi sẽ lập quỹ càng sớm càng tốt và hy vọng trong năm nay chúng ta sẽ nhìn thấy kết quả hữu hình… Tôi có thể hình dung những ưu tiên trước hết sẽ là thiết bị bán dẫn, laser và công nghệ sinh học”, ông Huang nói tại cuộc họp báo.
Ông cho biết Đài Loan (Trung Quốc) đã chuyển hướng 120 tàu hàng của Lithuania bị Trung Quốc chặn, và sẽ tiếp nhận thêm “càng nhiều càng tốt”.
Ông Huang cho biết Đài Bắc sẽ đẩy nhanh thủ tục phê duyệt cho các sản phẩm ngũ cốc và sữa của Lithuania vào thị trường Đài Loan và kết nối các doanh nghiệp Lithuania với các chuỗi cung ứng của Đài Loan (Trung Quốc).
Tích hợp ngành công nghiệp laser của Lithuania với ngành sản xuất thiết bị bán dẫn của Đài Loan cũng là một khả năng, ông Huang cho biết.
Tseng Hou-jen, quan chức ngoại giao cấp thứ hai của Đài Loan (Trung Quốc), nói rằng việc Trung Quốc gây sức ép lên Lithuania là “không cân xứng”.
“Mỹ và EU nhắc đến Đài Loan trong các tài liệu chính thức, nhưng Trung Quốc vẫn im lặng. Hành động của Trung Quốc dường như nhằm vào những nước mà họ đánh giá là dễ bị tổn thương, để có thể giành được mục đích chính trị. Nhưng từ bỏ không phải là cách tốt nhất để đối phó với hành động bắt nạt”, ông Tseng nói.
Trung Quốc coi Đài Loan là một phần lãnh thổ và không loại trừ khả năng dùng vũ lực để đưa hòn đảo về dưới quyền kiểm soát.