Như tin đã đưa, trả lời ý kiến cử tri về giải pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm đối với các tập thể, cá nhân tổ chức hoạt động du lịch chui trên địa bàn, UBND TP Đà Nẵng cho biết đã chỉ đạo Sở Du lịch tăng cường kiểm soát, quản lý chặt chẽ việc tạm thời cho phép người nước ngoài được tham gia làm phiên dịch và hỗ trợ đoàn khách với tỉ lệ không quá 20% trên tổng số HDV quốc tế Việt Nam (ngôn ngữ Trung Quốc, Hàn Quốc) mà công ty lữ hành quốc tế có trụ sở tại Đà Nẵng ký hợp đồng.
Sáng 2/12, trao đổi với Infonet về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Trần Chí Cường cho biết thêm, giải pháp nêu trên được Sở Du lịch đề xuất và UBND TP Đà Nẵng thống nhất giao Sở nghiên cứu nhằm tạm thời khắc phục tình trạng thiếu hướng dẫn viên (HDV) tiếng Trung Quốc, Hàn Quốc trước sự phát triển nóng của hai thị trường khách này.
Hiện Sở Du lịch đang phối hợp với các ngành xây dựng phương án và kế hoạch cụ thể, báo cáo UBND TP trước khi triển khai thực hiện.
Theo đó, tất cả các đoàn khách du lịch quốc tế đều bắt buộc phải có HDV người Việt Nam.
Tuy nhiên thực tế hiện nay là HDV tiếng Trung Quốc, Hàn Quốc ở Đà Nẵng còn hạn chế số lượng và một số yếu về nghiệp vụ hướng dẫn; một số người mới cấp thẻ nên chưa đủ kinh nghiệm hướng dẫn để đáp ứng yêu cầu của khách.
Bên cạnh đó, theo Luật Du lịch, điều kiện được cấp thẻ HDV quốc tế quy định khá cao (có bằng đại học), vì vậy một số người thông thạo tiếng Hàn và nghiệp vụ hướng dẫn tốt nhưng không có bằng đại học thì vẫn không đủ điều kiện cấp thẻ HDV.
Ông Trần Chí Cường cho hay, để khắc phục tình trạng thiếu HDV, Tổng cục Du lịch đã cho phép các công ty lữ hành sử dụng HDV du lịch quốc tế nói tiếng Anh (hoặc ngôn ngữ mà trưởng đoàn khách quốc tế hiểu được) để giới thiệu cho du khách và trưởng đoàn có trách nhiệm dịch lại cho đoàn.
Trên cơ sở đó, Sở Du lịch Đà Nẵng đề xuất thí điểm giải pháp tạm thời cho phép những người nước ngoài có khả năng nói tiếng Việt, đã tham gia đào tạo tập huấn về văn hóa lịch sử Việt Nam và Đà Nẵng, được các công ty lữ hành quốc tế có trụ sở tại Đà Nẵng bảo lãnh, tham gia phiên dịch và hỗ trợ đoàn khách, tỉ lệ không quá 20% trên tổng số HDV quốc tế Việt Nam (ngôn ngữ Trung Quốc, Hàn Quốc) mà đơn vị ký hợp đồng.
PV: Như Infonet nhiều lần phản ánh, lâu nay vẫn có tình trạng một số đoàn khách Trung Quốc, Hàn Quốc chỉ sử dụng HDV Việt Nam theo kiểu “cho có”, còn toàn bộ việc thuyết minh đều do HDV của họ thực hiện.
Vì vậy, có khi nào việc tạm thời cho phép người nước ngoài làm phiên dịch sẽ được sử dụng để hợp thức hóa cho tình trạng nêu trên?
Ông Trần Chí Cường: Tại các khu, điểm du lịch chính của TP đều có thuyết minh viên người Việt Nam đã được huấn luyện để thuyết minh cho khách, còn những người nước ngoài này chỉ phiên dịch lại mà thôi.
Ngoài ra, khi doanh nghiệp ký hợp đồng với HDV người Việt Nam thì Sở Du lịch sẽ xem xét HDV đó có đảm bảo hay không.
Sau khi có chủ trương của Ủy ban, hiện Sở đang xây dựng phương án, kế hoạch và làm việc với các ngành hữu quan để có sự phối hợp.
Doanh nghiệp, Hiệp hội Du lịch phải có trách nhiệm trong đó, công tác quản lý nhà nước của các ngành du lịch, công an, LĐ-TB-XH... đều phải có quy trình với nhau để làm sao quản lý vấn đề này theo đúng quy định pháp luật.
Ngoài ra, việc cho phép tạm thời này chỉ là trong thời điểm quá độ, có thể 6 tháng hay 1 năm, để vừa tiếp tục huấn luyện, nâng cấp trình độ kỹ năng nghiệp vụ cho HDV của mình, vừa đáp ứng trước mắt cho sự tăng trưởng nóng của các thị trường khách Trung Quốc, Hàn Quốc nhưng vẫn đảm bảo theo quy định pháp luật, chứ đây không phải là biện pháp sẽ được áp dụng thường xuyên từ nay về sau.
PV: Có thể HDV Việt Nam đi với đoàn khách sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, nhưng họ không biết tiếng Trung, tiếng Hàn nên chỉ thuyết minh bằng tiếng Việt, tiếng Anh và người của đoàn khách sẽ phiên dịch lại.
Nếu HDV Việt Nam thuyết minh một đàng nhưng người của đoàn khách phiên dịch một nẻo, thậm chí họ hiểu rõ nội dung được HDV Việt Nam thuyết minh nhưng cố ý phiên dịch theo hướng xuyên tạc thì làm sao giám sát được?
Ông Trần Chí Cường: Vấn đề này chúng tôi cũng sẽ đưa ra lấy ý kiến của các ngành để mổ xẻ và có hướng xử lý một cách rốt ráo.
Hướng của chúng tôi là các doanh nghiệp chỉ được ký hợp đồng với những HDV người Việt phải hiểu được ngôn ngữ của người phiên dịch lại cho đoàn khách nhưng chỉ thiếu kỹ năng để phục vụ khách cho tốt nên mới cần tới phiên dịch.
Đồng thời HDV người Việt phải ghi âm lại toàn bộ nội dung được phiên dịch. Khi cần thiết, Thanh tra Sở và các ngành hữu quan khác sẽ kiểm tra đột xuất.
Nếu nội dung phiên dịch không đúng với nội dung được thuyết minh thì sẽ xử lý doanh nghiệp đã bảo lãnh cho người phiên dịch đó!
Mục tiêu của chúng tôi khi đề xuất giải pháp này là lấy du khách làm trọng tâm, để khách hiểu đúng đắn về điểm đến và không chỉ đến một lần mà còn quay lại lần sau và tuyên truyền cho người thân, bạn bè cùng đến, đồng thời hỗ trợ cho doanh nghiệp hoạt động, chứ trọng tâm không phải là hỗ trợ HDV làm việc một cách cẩu thả, thiếu trách nhiệm.
Sau kỳ họp HĐND TP sắp tới, chúng tôi sẽ họp với các ngành để bàn kỹ về vấn đề này!
PV: Xin cám ơn ông
Theo báo cáo của Sở Du lịch Đà Nẵng, hiện Sở đã cấp tổng cộng 431 thẻ HDV tiếng Trung Quốc, trong đó có 250 người tham gia hướng dẫn thường xuyên.
Trong số 250 HDV này thì chỉ có 210 HDV đảm bảo chất lượng phục vụ. Bên cạnh đó, mỗi tháng TP đón khoảng 35.000 – 36.000 lượt khách Trung Quốc, cần trung bình khoảng 300 HDV để phục vụ (hiện thiếu khoảng 50-90 HDV).
Về HDV tiếng Hàn Quốc, Sở đã cấp 30 thẻ HDV, trong đó có 15 người hướng dẫn thường xuyên. Ngoài ra còn có 33 người Việt Nam là lao động về từ Hàn Quốc và sinh viên tham gia hướng dẫn tạm thời (đảm bảo yêu cầu).
Mỗi tháng, TP đón khoảng 35.000 – 37.000 lượt khách Hàn Quốc, cần trung bình khoảng 311 HDV để phục vụ (cả nước hiện chỉ có 80 HDV tiếng Hàn Quốc).