Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ kể về thời khắc tấn công "hụt" Syria

Phạm Khánh |

Trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Chính sách Đối ngoại (FP) gần đây, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã kể về thời khắc chính quyền Mỹ quyết định dừng kế hoạch tấn công Syria hồi năm 2013, cũng như chính sách của Mỹ ở Ukraine.

Kế hoạch tấn công “hụt” của Mỹ vào Syria năm 2013

Năm 2012, trong bối cảnh có nhiều vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học xảy ra ở Syria, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã công khai cảnh báo Tổng thống Syria Bashar al-Assad rằng chế độ của ông sẽ phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng (tấn công quân sự) nếu vượt qua "giới hạn đỏ" là sử dụng vũ khí hóa học chống lại người dân Syria.

Ngày 21/8/2013, Mỹ cáo buộc chính phủ của ông Assad đã dùng vũ khí hóa học tấn công vào một khu vực ngoại ô ở Damascus, giết chết hàng trăm thường dân.

Ngày 30/8/2013, quân đội Mỹ sẵn sàng cho chiến tranh. Ông Hagel đã phê duyệt kế hoạch cuối cùng. Theo đó, Mỹ sẽ tiến hành hàng loạt các cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình Tomahawk chống lại Damascus. Tàu khu trục của hải quân Mỹ ở Địa Trung Hải chờ lệnh bắn.

Khi mọi thứ đã sẵn sàng, Tổng thống Mỹ Barack Obama đột nhiên ra lệnh dừng kế hoạch tấn công Syria.

Ông Hagel chỉ trích, ông Obama vẫn quyết định nước Mỹ sẽ không tiến hành bất cứ hành động quân sự nào nhằm vào chính phủ Syria, phớt lờ chính “giới hạn đỏ” mà ông đã đặt ra. Quyết định này đã giáng một đòn nghiêm trọng vào uy tín của chính tổng thống và cả nước Mỹ.

FP dẫn lời ông Hagel cho hay: “Lịch sử sẽ xác định đó là quyết định đúng hay không. Nhưng theo quan điểm của tôi, uy tín của tổng thống đã bị tổn hại”.

Về sau, nhiều lãnh đạo quân sự trên toàn thế giới nói với ông Hagel rằng lòng tin của họ vào Washington đã bị lung lay với quyết định đột ngột trên của ông Obama.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói: "Lời của một tổng thống rất có giá trị và khi tổng thống nói điều gì đó, thì đó là một việc lớn".

Theo lời ông Hagel, sau khi quyết định không tấn công quân sự, Nhà Trắng đã không thể tìm ra chính sách phù hợp, rõ ràng về Syria.

Nhà Trắng từ chối bình luận về những phát biểu trên của ông Hagel. Tuy nhiên, một quan chức cấp cao giấu tên, cho biết, năm 2013, Tổng thống Obama không muốn một mình ra lệnh tấn công quân sự vào Syria mà không có ý kiến của quốc hội.

Cuối cùng ông đã quyết định dừng bước ở phút cuối cùng và mở đường cho một thỏa thuận ngoại giao do Nga đề xuất. Theo đó, chính phủ của ông Assad sẽ phải tiêu hủy hết các kho dự trữ vũ khí hóa học.

Vị quan chức này nhấn mạnh: “Kết quả cuối cùng là xóa bỏ được các chương trình vũ khí hóa học của chính phủ Syria”.

Ông này cũng khẳng định, ông Obama có một chiến lược rất rõ ràng về việc tấn công tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).

Theo đó, Washington sẽ sử dụng các cuộc không kích, huấn luyện cho các lực lượng địa phương, đồng thời thúc đẩy một thỏa thuận ngoại giao nhằm kết thúc cuộc nội chiến ở Syria và đàm phán để yêu cầu ông Assad từ chức.

Chính sách đối phó Nga ở Ukraine

Theo FP, khi còn là Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ông Hagel còn có mâu thuẫn với các quan chức Nhà Trắng về cuộc đối đầu với Nga ở Ukraine, đặc biệt là sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea.

Trong các cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia, ông Hagel cho biết ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tránh một cuộc đối đầu trực tiếp với Moscow và tiếp tục duy trì các kênh ngoại giao với quân đội Nga.

Tuy nhiên, ông kêu gọi chính quyền Obama gửi một tín hiệu rõ ràng đến Moscow, cũng như các đồng minh của Mỹ tại châu Âu, bằng cách tăng cường cam kết và hỗ trợ cho chính phủ Ukraine chống lại phe ly khai ủng hộ Nga ở khu vực miền Đông.

Ông Hagel nói: "Tôi muốn Mỹ cung cấp nhiều hơn các thiết bị phi sát thương cho Ukraine. Chúng ta phải luôn ghi nhớ rằng, vị trí lãnh đạo toàn cầu của Mỹ bị ảnh hưởng rất lớn ở đây. Thế giới, bao gồm cả các đối tác NATO, đều đang quan sát phản ứng của chúng ta”.

Ông Hagel cho hay, dù ông cũng không ủng hộ Washington cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine, nhưng thực sự, chính quyền Obama đã hành động quá chậm trễ trong việc giúp Kiev.

Ông nói: "Tôi nghĩ chúng ta nên làm nhiều hơn, và có thể làm được nhiều hơn".

Mặc dù có bất đồng với Nhà Trắng về Syria hay Ukraine nhưng ông Hagel vẫn dành những lời tốt đẹp cho ông Obama. Ông nói: “Tôi luôn có mối quan hệ tốt đẹp và tích cực với ngài tổng thống”.

Ông cho rằng, ông Obama đã đúng khi không phản ứng thái quá với các mối đe dọa khủng bố, theo đuổi một chiến lược xoay trục sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương, và việc kí thỏa thuận bước ngoặt với Iran nhằm ngăn chặn chương trình hạt nhân của nước này.

Bên cạnh đó, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ còn thắc mắc về việc một số quan chức chính quyền đã tìm cách để “tiêu diệt” ông trong những ngày cuối cùng ông còn làm bộ trưởng và thậm chí là sau khi ông đã từ chức.

Mặc dù ông Hagel không nêu tên các vị quan chức đó, nhưng theo FP, người mà ông muốn ám chỉ đó là Cố vấn an ninh quốc gia Susan Rice, và một số nhân viên của bà này.

Những người từng làm trợ lý cho ông Hagel và một số cựu quan chức Nhà Trắng cho hay, ông Hagel thường xuyên có những cuộc đối đầu với bà Rice về chính sách ở Syria những như về nhà tù quân sự Mỹ tại Guantanamo.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại