Cuộc tấn công mới của Nga gây sức ép lên các đồng minh của Ukraine

Hoàng Phạm |

Sau các cuộc tấn công mới của Nga ngày 10/10, chính quyền Ukraine đã tăng cường sức ép với các đồng minh về việc cung cấp các vũ khí tầm xa hơn và các hệ thống phòng không hiện đại hơn.

Một hệ thống phòng không NASAMS ở Latvia, tháng 9/2022. Ảnh: EPA-EFE

Một hệ thống phòng không NASAMS ở Latvia, tháng 9/2022. Ảnh: EPA-EFE

Các cuộc tấn công của Nga dường như cho thấy căng thẳng leo thang đáng kể, làm gia tăng sức ép lên Mỹ và các nước châu Âu còn chần chừ trong việc cung cấp các hệ thống vũ khí tiên tiến nhất cho Ukraine.

Mặc dù các nhà lãnh đạo Mỹ và châu Âu lên tiếng chỉ trích các cuộc tấn công của Nga và tuyên bố sẽ tiếp tục ủng hộ cho Ukraine, nhưng hiện chưa rõ họ có tăng tốc việc chuyển giao các gói viện trợ cho Kiev hay không.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng ông sẽ có bài phát biểu tại cuộc họp trực tuyến khẩn cấp với các nhà lãnh đạo nhóm G7 trong ngày 11/10.

Những lời kêu gọi của Ukraine về việc tăng cường viện trợ cũng sẽ được thảo luận tại 2 cuộc họp trong tuần này ở Brussels. Một cuộc họp là của các bộ trưởng quốc phòng NATO và cuộc họp còn lại là của nhóm tiếp xúc quốc phòng Ukraine - nhóm gồm đại diện hơn 50 nước viện trợ cho Kiev.

Mỹ sẽ cung cấp hệ thống phòng không tiên tiến

Trong một tuyên bố ngày 10/10, Tổng thống Biden chỉ trích cuộc tấn công mới nhất của Nga "đã khiến nhiều dân thường thiệt mạng và bị thương", đồng thời cho rằng cuộc tấn công sẽ chỉ "củng cố thêm những cam kết của Mỹ ủng hộ người dân Ukraine chừng nào còn có thể".

"Tổng thống Biden cam kết tiếp tục cung cấp cho Ukraine sự hỗ trợ cần thiết để tự vệ, bao gồm các hệ thống phòng không tiên tiến. Ông cũng nhấn mạnh Mỹ cùng các đồng minh và đối tác sẽ tiếp tục buộc Nga phải trả giá", Nhà Trắng cho hay.

Tổng thống Ukraine Zelensky xác nhận, ông đã có cuộc "đối thoại hữu ích" với Tổng thống Biden về các hệ thống phòng không.

Đầu tháng 7, Mỹ tuyên bố sẽ cung cấp cho Ukraine 2 hệ thống phòng không tiên tiến, được gọi là Hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến quốc gia (NASAMS). NASAMS là một phần của dòng thiết bị phải được ký hợp đồng và phát triển trong ngành công nghiệp thay vì lấy từ các kho dự trữ hiện có.

Tháng trước, Lầu Năm Góc cho hay phần lớn công việc liên quan đã được thực hiện.

"Chúng tôi dự kiến 2 hệ thống sẽ được đưa đến Ukraine trong vòng vài tuần tới khi các hệ thống đó đã sẵn sàng và quá trình huấn luyện hoàn tất", một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết ngày 10/10. Quan chức này nói thêm rằng, có thể mất vài năm nữa để mua và chuyển giao thêm 6 hệ thống NASAMS cho Ukraine, một phần trong nỗ lực lớn hơn nhằm tăng cường khả năng phòng thủ cho Ukraine.

Hạ nghị sĩ Elissa Slotkin (đảng Dân chủ, bang Michigan ), một cựu quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc, cho rằng Mỹ nên xem xét cung cấp các khẩu đội Patriot và hệ thống phòng không C-RAM cho Ukraine. C-RAM là hệ thống chống rocket, đạn pháo và đạn cối thường được Mỹ sử dụng trong việc bảo vệ các căn cứ ở Trung Đông.

Hiện tại, Mỹ tập trung tạo điều kiện cho việc chuyển giao các hệ thống phòng không từ thời Liên Xô vốn đã quen thuộc với quân đội Ukraine. Hồi tháng 4, Slovakia đã điều động một hệ thống S-300 cho Ukraine để đối lấy hệ thống tên lửa Patriot của Mỹ. Lầu Năm Góc cho biết họ sẽ tham vấn với chính phủ Slovakia về một giải pháp lâu dài hơn.

Ukraine cần khẩn cấp các hệ thống tiên tiến

Ngay cả trước cuộc tấn công ngày 10/10, các quan chức hàng đầu của Ukraine đã nhấn mạnh rằng họ cần được tăng cường các hệ thống phòng không.

Trong một dòng tweet hôm 9/10, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba, cho biết: "Chúng tôi cần khẩn cấp các hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa hiện đại hơn. Tôi kêu gọi các đối tác đẩy nhanh việc bàn giao".

Vài giờ sau cuộc tấn công mới của Nga, Tổng thống Zelensky đã có cuộc điện đàm khẩn cấp với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz để thảo luận về phòng không và các viện trợ quân sự khác.

Bộ Quốc phòng Đức cùng ngày cho biết, hệ thống đầu tiên trong số 4 hệ thống phòng không IRIS-T mà nước này cam kết cung cấp cho Ukraine sẽ được chuyển đến trong "vài ngày tới".

Sức ép của Pháp

Trong cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo Ukraine ngày 10/10, Tổng thống Pháp Macron cam kết tăng cường hỗ trợ cho Ukraine, bao gồm việc cung cấp nhiều thiết bị quân sự hơn. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều câu hỏi về mức độ Pháp thực sự thực hiện những gì họ cam kết.

Một xếp hạng gần đây của Viện Kinh tế Thế giới Kiel cho thấy Pháp đã chi ít hơn trong việc cung cấp số vũ khí đã cam kết cho Ukraine so với các quốc gia nhỏ hơn ở châu Âu như Estonia hay Cộng hòa Séc.

Trong tháng 8, Pháp chỉ được xếp hạng là nhà cung cấp viện trợ quân sự Ukraine lớn thứ 11. Theo các nhà phê bình, đây là kết quả khó có thể chấp nhận đối với một quốc gia tự coi mình là cường quốc quân sự hàng đầu của EU.

Cũng trong ngày 10/10, trong một thông điệp video gửi đến Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Thủ tướng Estonia Kaja Kallas nhấn mạnh cần phải "cung cấp hệ thống phòng không từ phía đồng minh để người Ukraine có thể bảo vệ các thành phố và dân thường của họ bởi vì Nga chắc chắn đang leo thang tấn công".

Hiện Ukraine quan tâm đến các hệ thống phòng không mà quân đội Pháp sử dụng, bao gồm cả SAMP/T. Tờ Le Monde đưa tin, một trong các lý do khiến Pháp do dự là vì nước này chỉ có số lượng hạn chế trong kho.

Nhưng những lời chỉ trích rằng Pháp đã tụt hậu so với các đồng minh nhỏ hơn trong viện trợ Ukraine dường như đã giáng một đòn mạnh vào Điện Élysée. Khi gặp gỡ các nhà lãnh đạo EU ở Praha hôm 7/10, ông Macron đã tuyên bố thành lập một quỹ 100 triệu euro (97 triệu USD) cho phép Ukraine mua thiết bị quân sự của riêng họ.

Quỹ này nằm ngoài khoản tiền 230 triệu USD mà Pháp đã cam kết viện trợ quân sự cho Ukraine, nhưng kém xa so với hơn 17 tỷ USD mà Wahsington đã gửi cho Kiev kể từ tháng 2.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại