Trong cuộc sống chẳng phải sự lựa chọn nào của chúng ta cũng hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên, cái chính là phải mạnh mẽ thế nào để giải quyết cuộc hôn nhân đến hồi "hết đát". Như câu chuyện của cô gái trẻ dưới đây cũng vậy. May mắn thay, cách giải quyết của cô phần nào khiến người ta nhẹ lòng.
"Em mới 20 tuổi các chị ạ, thế mà đã qua một đời chồng. Nghĩ cũng đắng cay tủi nhục lắm nhưng biết làm thế nào được.
16 tuổi em nghỉ học. Em học không vào đó các chị chứ chẳng phải gia cảnh khó khăn gì. Em bắt đầu đi buôn và bước vào con đường bán hàng thời trang online. Cũng vì mắt nhìn hàng tốt mà em bán khá ổn, thu nhập mấy chục triệu một tháng.
Năm 18 tuổi em quen ông kia, 20 tuổi thì bắt đầu tính đến chuyện cưới xin. Anh ấy con 1 và hơn em đến 8 tuổi. Hồi ấy thấy anh ta đẹp trai, nhà có điều kiện thì yêu chứ chẳng suy xét gì về tính cách hay khả năng kinh tế của bản thân anh hết.
Khi đưa anh về nhà ra mắt gia đình em vẫn vui vẻ nhưng nói đến chuyện cưới xin bố mẹ phản đối ngay. Bố em bảo rằng không thấy sự chín chắn ở anh chàng này, 28 tuổi mà còn bồng bột lông bông thế thì không làm điểm tựa cho vợ con được.
Ảnh minh họa.
Nhưng lúc đó em yêu mờ mắt các chị ạ. Nghĩ mình kiếm tiền cũng được, anh nhà cao cửa rộng thì hai vợ chồng chỉ phải làm giàu, nuôi con chứ không sắm nhà sắm xe gì nữa nên quyết cưới bằng được.
Khi đó, anh có nói với em rằng: 'Nhà anh cũng chẳng ưng em mấy đâu nhưng anh đòi nên mới chịu cưới'. Khi đấy yêu nên em mờ mắt, chẳng thèm suy xét. Nếu lúc đó em vì câu nói ấy mà nghĩ lại có khi cuộc đời đỡ bi đát hơn.
Bố mẹ em thấy con gái nằng nặc nên đành gật đầu đồng ý. Ai ngờ đâu, cưới xin về thì chuỗi ngày đau đớn của em mới bắt đầu".
Đúng là trong cuộc sống, cuộc hôn nhân khi mà cô dâu chỉ mới 20 tuổi ít nhiều vẫn khiến người ta nghĩ ngợi. Quả thật cuộc sống của cô vợ trẻ khiến nhiều người xót thương thay.
"Ngày cưới, mẹ chồng trao cho em bộ trang sức cả kiềng, lắc, nhẫn to lắm, chắc phải 6, 7 cây vàng. Cưới xin xong xuôi, bà xin lại cả vì 'phong tục nhà này nó thế'. Vàng trao đẹp mặt cô dâu thôi chứ không có chuyện con dâu giữ vàng . Em đồng ý thôi vì bên nhà em tặng cũng nhiều, coi như bố mẹ không cho làm vốn thì mình chịu vậy.
Hàng ngày em bán hàng rồi đóng hàng đến 1, 2 giờ sáng. Em luôn hẹn shipper tầm 11 giờ trưa đến lấy hàng vì còn phải ngủ bù nữa. Tuy nhiên, ngày nào cũng vậy, cứ đến 5 rưỡi sáng là mẹ chồng sang thức em dậy để nấu đồ ăn sáng cho cả nhà. Chồng em nằm cạnh thì bà bảo: 'Để cho nó ngủ, đàn ông nhà này không mó tay đến công việc nhà'.
Điều em bực nhất là chồng em nghe lời bố mẹ một phép. Mới cưới nhưng chỉ cần đụng đến chuyện nào đó là anh ta đã nhảy vào cãi cọ, chửi bới em - điều mà hồi còn yêu không hề như vậy.
Chuyện nhỏ như việc em muốn ăn quả nho, anh ta muốn ăn quả táo cũng vùng vằng, làm ầm lên rồi chửi em bằng những từ ngữ tục tĩu nhất. Em choáng lắm các chị ạ, sao đời em khổ thế. Sinh ra bố mẹ chưa nặng lời với em bao giờ nhưng chồng thì những gì bẩn thỉu nhất đều phát ngôn ra, dành cho vợ. Mà bất cứ chuyện gì anh ta nói, em không đồng ý thì mặc định là em sai, em hư thân mất nết, em 'thất học' nên suy nghĩ chẳng đến đâu.
Xong xuôi rồi thì anh ta bắt đầu xuống nhà mách bố mẹ. Từ chuyện ăn món gì, đi đâu hay thậm chí em mệt không muốn quan hệ anh ta cũng mách với mẹ chồng . Mẹ chồng lúc đó sẽ nhảy bổ vào em: 'Nhà này không có loại phụ nữ cãi lời chồng như vậy'.
Ảnh minh họa.
Thi thoảng, nhà chồng lại nhắc đến chuyện không học hết cấp 3 của em. Bà mẹ chồng lúc nào cũng chép miệng: 'Ôi dào, học không đến nơi đến chốn mới thành con buôn đó'. Chẳng lẽ bán quần áo là con buôn còn bán vàng như mẹ chồng thì thành thương nhân hay gì?
Cưới 6 tháng thì chục lần chồng dọa sẽ gọi điện cho bố mẹ em để kể về chuyện em hư hỏng thế nào và muốn trả lại cho nhà ngoại, nhà nội không chứa. Em sợ bố mẹ buồn nên cứ chịu đựng chẳng nói gì.
Một ngày, em bắt gặp chồng nhắn tin với những từ ngữ thân mật với người yêu cũ . Khi đó bố mẹ chồng không ở nhà, em hỏi thì anh ta bắt đầu bài ca chửi bới: 'Mất dạy, ai cho phép mày nhìn vào điện thoại tao. Thôi ly hôn đi. Vợ như mày tao vớ đâu chẳng được, không lấy vợ này có vợ khác'.
Lúc đó, em nhịn không nổi nữa mới quay sang cười khẩy: 'Ok ly hôn, tôi hết chịu đựng được anh rồi, anh chờ đó, tôi sẽ viết đơn'.
Có lẽ không ngờ em dám đáp lại nên anh ta trợn mắt, quát tháo ầm ĩ.
Em việc gì mà không dám, đến nước này thì em điên lắm rồi. Em lao ra ngoài, lấy xe máy rồi đi lang thang. Đi một lúc em tủi thân quá, nước mắt trào ra. Em chạy thẳng về nhà gặp ba mẹ và vợ chồng anh trai đang ngồi ăn tối vui vẻ.
Em bật khóc luôn bảo với mọi người chuyện bị đuổi đi và quyết định ly hôn. Suốt hơn 6 tháng hôn nhân, em không có mấy ngày hạnh phúc. Kể xong tự nhiên em nhẹ nhõm vô cùng. Mấy tháng qua lúc nào cũng nơm nớp bị chồng gọi về trách móc bố mẹ, dọa trả con cho nhà ngoại. Ấy thế mà giờ em lại bình yên kể hết.
Nghe xong, bố mẹ em giận lắm. Em ngồi vào bàn viết đơn ly hôn luôn. Đêm đó, anh ta vẫn nhắn tin qua chửi bới dọa dẫm, dọa bỏ em. Em đáp lại thẳng thừng: 'Anh yên tâm, tôi 'đá' anh chứ anh mất quyền bỏ tôi rồi đấy'".
Theo lời cô gái chuyện đó đã qua 1 năm rồi. Hiện tại cô đang sống hạnh phúc cùng bố mẹ, anh chị và các cháu. Việc buôn bán vẫn thuận lợi như thế. Cô đã dần quên đi vết thương lòng và sẵn sàng chờ đợi hạnh phúc khác sẽ đến với mình trong tương lai.
Vậy đấy, cuộc đời đâu có phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Điều quyết định là cách mình đối đầu với nó như thế nào thôi. Nếu cứ nhịn nhục, nhân nhượng thì có lẽ những bà vợ bất hạnh sẽ phải chịu đau khổ suốt nhiều năm như thế.
Mình là một người tự chủ, làm ra tiền và sống đúng đắn thì việc gì phải sợ hãi. Hôn nhân là sự tác hợp của hai người trên nền tảng công bằng, tôn trọng nhau. Nếu cảm thấy có vấn đề không thể giải quyết được thì hãy mạnh dạn nghĩ đến chuyện ly hôn nhé. Biết đâu một cuộc đời tươi sáng sẽ đến.