Cuộc đổi ngôi ở Đức

Xuân Mai |

Nước Đức nhiều khả năng khó tránh khỏi giai đoạn bất ổn chính trị sau cuộc bầu cử quốc hội hôm 26-9.

Ứng viên thủ tướng của Đảng Dân chủ xã hội (SPD) Olaf Scholz vẫy tay chào trong cuộc họp nội bộ đảng hôm 27-9 ở thủ đô Berlin - Đức. Ảnh: REUTERS

Ứng viên thủ tướng của Đảng Dân chủ xã hội (SPD) Olaf Scholz vẫy tay chào trong cuộc họp nội bộ đảng hôm 27-9 ở thủ đô Berlin - Đức. Ảnh: REUTERS

Theo kết quả được công bố hôm 27-9, Đảng Dân chủ xã hội Đức (SPD) đã giành chiến thắng với 25,7% số phiếu trong khi liên minh Dân chủ - Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) chiếm 24,1%; xếp sau là Đảng Xanh (14,8%) và Đảng Dân chủ tự do (FDP - 11,5%).

Kết quả bầu cử khép lại 16 năm cầm quyền của liên minh CDU/CSU của Thủ tướng Angela Merkel, đồng thời trao cơ hội cho lãnh đạo SPD Olaf Scholz, cũng là Bộ trưởng Tài chính Đức, thành lập chính phủ mới. Tuy nhiên, lãnh đạo CDU Armin Laschet, ứng viên thủ tướng kế nhiệm bà Angela Merkel, vẫn tuyên bố sẽ nỗ lực hết sức thành lập liên minh cầm quyền.

Theo tờ The Washington Post (Mỹ), nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ chứng kiến các cuộc đàm phán kéo dài nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng. SPD có khả năng liên minh với Đảng Xanh và FDP để bảo đảm thế đa số tại quốc hội nhưng 2 đảng này cũng có thể hợp tác với CDU/CSU.

Giờ đây, các đảng nhỏ như Đảng Xanh và FDP sẽ "cầm trịch" với điều kiện là những vị trí bộ trưởng chủ chốt. Các nhà phân tích đã chỉ ra chỗ đứng của các đảng phái truyền thống Đức bị lung lay đáng kể trước lực lượng chính trị mới nổi. Nhận thấy vị thế dần quan trọng hơn, Đảng Xanh và FDP dự kiến ​​đàm phán với nhau trước khi nhóm họp với SPD và CDU/CSU.

Trong trường hợp không có bất kỳ liên minh nào được thành lập, Tổng thống Frank-Walter Steinmeier sẽ đề cử ứng viên thủ tướng tiềm năng, nhiều khả năng đến từ đảng giành đa số phiếu trong cuộc bầu cử vừa qua và quốc hội bỏ phiếu kín chọn lựa.

Trước mắt, bà Angela Merkel tiếp tục đảm nhiệm vai trò lãnh đạo đất nước cho đến khi chính phủ liên minh mới ra đời. Ông Giovanni Orsina, Giám đốc Trường Quản lý công thuộc Trường ĐH Luiss Guido Carli (Ý), nhận định: "Sự ra đi của bà Merkel tạo ra chỗ khuyết trong vai trò lãnh đạo, một lỗ hổng ở trái tim châu Âu. Thủ tướng mới của Đức phải lấp đầy khoảng trống đó hoặc chúng ta cần sự lãnh đạo của tập thể thống nhất".

Trong khi đó, chuyên gia Aaron Allen, Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu, cho rằng trong khi bà Merkel theo đuổi chính sách cân bằng chính trị, chính phủ sắp tới của Đức sẽ phải đưa ra quyết định quan trọng trên bàn cờ quốc tế, gồm mối quan hệ gây tranh cãi từ lâu giữa Đức và các nước như Trung Quốc, Nga. Bên cạnh đó, dù liên minh xuyên Đại Tây Dương vẫn là trọng tâm nhưng Đức nhiều khả năng sẽ độc lập hơn với Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại