Các toa xe lửa tập kết tại một nhà ga ở miền đông Ukraine. Nga sử dụng hạ tầng đường sắt cho hoạt động chuyển quân, vũ khí đạn dược. Ảnh: Getty Images
Giao tranh khốc liệt ở miền đông Ukraine là trận chiến liên quan đến mạng sống, kiểm soát lãnh thổ. Nhưng giờ đây nó cũng dịch chuyển sang một hướng mới – cuộc chiến giành quyền kiểm soát đường sắt.
Lyman, thành phố mới rơi vào tay quân Nga và lực lượng đòi độc lập ở miền đông, là một trung tâm đường sắt ở khu vực.
Thành phố Popasna gần đó cũng là một điểm trung chuyển đường sắt quan trọng. Nơi đây đang diễn ra những đợt giao tranh khốc liệt. Severodonetsk, một thành phố đang bị quân Nga vây hãm, cũng là một trạm vận tải đường sắt lớn.
Quân đội Nga phụ thuộc vào đường sắt hơn phần lớn các nước khác khi thực hiện chuyển quân, vũ khí đạn dược. Trong giai đoạn hai của chiến dịch quân sự, quân đội Nga tập trung hoạt động ở miền đông Ukraine, với mục tiêu kiểm soát và mở rộng nắm giữ các khu vực tại đây.
Theo giới phân tích quân sự, một nguyên nhân chủ yếu chính là việc Nga có thể triển khai tiếp ứng binh lực, tiếp tế vũ khí, hậu cận đối với lực lượng đóng ở miền Đông, nhờ vào mạng đường sắt từ Nga kết nối với các cung đường sắt ở Donbass nằm trong vòng kiểm soát của Nga và lực lượng đòi độc lập thân Moskva.
Từng là cái nôi, trung tâm công nghiệp của Ukraine, Donbass tập trung mạng lưới đường sắt dày đặc nhất của cả nước.
Hạ tầng này được khởi nguồn từ thời Cách mạng Công nghiệp trong thế kỷ 19, khi nhiều tuyến đường ray được xây dựng để kết nối các khu mỏ, nhà máy can thép, bến cảng cũng như các trung tâm sản xuất nông nghiệp trong vùng, nơi tạo ra sản lượng ngũ cốc lớn để Ukraine xuất ra thế giới.
Trong vài tuần gần đây, Nga đã có bước tiến đáng kể ở Donbass. Đó là nhờ vào việc quân đội Nga triển khai một lượng lớn pháo, xe tăng, súng cối cùng nhiều thiết bị chiến đấu thiết giáp khác tới khu vực này.
Vận chuyển vũ khí hạng nặng bằng đường bộ là điều khó khăn, nhất là ở Ukraine và Nga – hai nước có rất ít tuyến đường cao tốc đủ sức chịu tải lớn. Vận tải đường sắt vì thế là biện pháp hiệu quả hơn và Nga trên thực tế đã khai thác điểm này.
Ukraine - nước cũng phụ thuộc vào đường sắt đối với hoạt động cung ứng, tiếp tế, cố tìm cách cản trở Nga tiếp cận, sử dụng mạng lưới đường sắt ở Ukraine. Cuối tháng 2, chỉ ít ngày sau khi quân mở chiến dịch tấn công, phía Ukraine đã phá hủy toàn bộ các kết nối đường sắt với Nga.
Trong tháng 4, một cầu đường sắt gần thành phố Belgorod thuộc Nga, cách không xa biên giới Ukraine, cũng bị tấn công và gặp tổn thất lớn, hư hại nặng.
Đến tháng 5, sau khi quân Nga chiếm được khu vực gần thành phố Severodonetsk, binh sĩ Ukraine đã đột nhập vào phòng tuyến, cho nổ tung một cây cầu đường sắt được Nga sử dụng để thực hiện hoạt động tiếp tế.
“Ukraine đã hướng mục tiêu tấn công nhằm vào chính hạ tầng đường sắt của mình, mục đích là không cho Nga có cơ hội sử dụng hạ tầng này”, chuyên gia Emily Ferris thuộc Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) bình luận.
Kiev hơn ai hết thấu hiểu tầm quan trọng của đường sắt đối với hoạt động tác chiến quân sự của Nga. Lý do là bởi khi còn nằm trong Liên bang Xô Viết, Ukraine cũng đã đi theo học thuyết quân sự lấy đường sắt làm trung tâm, một học thuyết khởi thủy từ hơn một thế kỷ trước.
Thay vì sử dụng lực lượng có khả năng cơ động cao, Nga hiện vẫn duy trì luận điểm tác chiến từ thời Chiến tranh thế giới thứ nhất, tập trung sử dụng lực lượng pháo binh quy mô lớn để áp đảo, hạ gục đối phương.
Ở Ukraine, tầm quan trọng của đường sắt với Nga không chỉ là tiếp tế quân sự. Theo bà Ferris, một khi giành được quyền kiểm soát các khu vực ở Donbass, Nga sẽ có điều kiện cung ứng cho người dân trong vùng nước ngọt, lương thực, thực phẩm và đồ dùng thiết yếu.
Làm cho người dân tin rằng họ có cuộc sống tốt hơn so với trước - đó là cách để thu phục tình cảm và duy trì quyền kiểm soát lâu dài.