Số lượng vũ khí hạt nhân trên thế giới đang giảm dần nhờ những nỗ lực của Nga và Mỹ. (Ảnh minh họa)
Ủy ban của Thượng viện Quốc hội Brazil sẽ xem xét vấn đề khả năng nước này sẽ sở hữu vũ khí hạt nhân để ngăn chặn sự can thiệp của nước ngoài hay không.
Thông tin trên được TASS trích dẫn thông báo của trung tâm báo chí của Thượng viện Brazil cho biết.
Theo đó, vào giữa tháng 10, một sáng kiến lập pháp dân sự đã được đăng ký trong hệ thống thông tin của cơ quan lập pháp với nội dung như sau: “Lực lượng vũ trang Brazil cần bom hạt nhân để ngăn chặn sự can thiệp của nước ngoài vào lãnh thổ quốc gia của chúng ta. Amazon Brazil thuộc về chúng ta”.
Tác giả của đề xuất là một cư dân của bang Paraná, Vitu Angelou Duarte Pascaretta. Bản kiến nghị đã nhận được 20 nghìn phiếu bầu cần thiết vào ngày 2/11, sau đó nó được gửi đến ủy ban chuyên ngành, cơ quan này sẽ xác định chịu trách nhiệm để xem xét thêm.
Nếu được chấp thuận, một dự luật tương ứng sẽ được soạn thảo.
Tuy nhiên, trở ngại của sáng kiến trên có thể là chính Hiến pháp hiện tại của Brazil, trong đó quy định rằng tất cả các hoạt động hạt nhân chỉ nên mang tính chất hòa bình, điều này khiến quốc gia lớn nhất trên lục địa không thể phát triển và sở hữu vũ khí hạt nhân.
Ngoài ra, Brazil là thành viên của một số hiệp ước quốc tế về không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), một trong những cơ quan nghiên cứu hàng đầu thế giới, mới đây công bố báo cáo thường niên trong đó tiết lộ tính đến đầu năm 2020, 9 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân bao gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Israel và Triều Tiên có khoảng 13,4 nghìn đầu đạn hạt nhân.
Con số này ít hơn so với thời điểm đầu năm 2019, khi các quốc gia thuộc “câu lạc bộ hạt nhân” có gần 13,9 nghìn đầu đạn hạt nhân.
SIPRI cho biết, dù Nga và Mỹ đang thu hẹp kho vũ khí hạt nhân chiến lược của họ theo Hiệp ước Cắt giảm vũ khí hạt nhân chiến lược (START), 5 nước được công nhận sở hữu vũ khí hạt nhân “hợp pháp” (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc) đều phát triển những hệ thống phân phối vũ khí hạt nhân mới hoặc từng tuyên bố sẽ làm như vậy, đồng thời có ý định duy trì kho vũ khí vô thời hạn.
Các nhà nhà phân tích cho rằng, kho vũ khí hạt nhân của các quốc gia khác nhỏ hơn đáng kể so với Nga và Mỹ. Tuy nhiên, tất cả những nước này đều bắt đầu phát triển hoặc triển khai các hệ thống mới để mang phóng vũ khí hạt nhân, hoặc công bố ý định triển khai việc này.