Tỷ phú Donald Trump đã từng gây bất ngờ cho giới chính khách cũng như người dân Mỹ khi ông tuyên bố tham gia cuộc chạy đua vào Nhà Trắng hồi năm 2015.
Theo giới phân tích, trong cuộc đua này, Trump không có kinh nghiệm trong vấn đề ngoại giao, quốc phòng hay kinh nghiệm thương thuyết các vấn đề về thương mại, kinh tế giữa Hoa Kỳ và các nước trên thế giới.
Tuy nhiên bù lại, tỷ phú này lại tạo ra một cơn sốt về truyền thông với những phát ngôn có phần ngông cuồng của mình.
Nhưng ông Trump không phải người duy nhất nắm bắt và chiếm thế độc tôn về truyền thông mà bà Hillary Clinton - ứng viên tổng thống Mỹ của Đảng Dân chủ cũng là đối thủ đáng gờm trên phương diện này.
Bậc thầy loại hình truyền thông cũ: Donald Trump
Trump vốn được đánh giá là người luôn biết làm nóng tên tuổi của mình theo những cách tự nhiện nhất. Tài khoản Twitter của Trump hiện tại có gần 10 triệu người theo dõi với hơn 32.000 bài đăng trên mạng xã hội. Trump lại luôn làm nóng cái tên của mình theo những cách tự nhiên nhất.
Về cơ bản, Trump thường sử dụng các dòng đăng tải đơn giản trên mạng xã hội nhưng nội dung lại gây ra những phản ứng trái chiều.
Mọi phát ngôn và hành động của ông đều được các phương tiện truyền thông cũ như tivi nắm bắt, phân tích kỹ lưỡng.
Trump thường xuyên sử dụng ngôn từ đơn giản nhưng đầy tính trâm trọc để công kích đối thủ hay những người không ủng hộ ông.
Có thể kể ra rất nhiều lần ngôn từ của Trump đã khiến các đối thủ phải "nổi đóa" như ông đã từng gọi Thượng nghị sĩ Ted Cruz là "đồ giả dối" hay gần đây nhất ông gọi đối thủ của mình là "Hillary xấu xa"…
Ông Trump phát biểu tại đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa ở Cleverland, bang Ohio hôm 21/7. (Ảnh: RT)
Những phát ngôn gây sốc này nhắm thẳng vào các đối thủ và trở thành những tít báo, những chủ đề tranh luận thu hút hàng triệu người.
Đặc biệt nó nhận được hàng trăm nghìn lượt chia sẻ và chính mỗi chia sẻ của người đọc đã trở thành thứ quảng cáo vô hình, miễn phí và cực kì hiệu quả cho Trump.
Có thể nói Trump chính là bậc thầy trong việc tạo ra những làn sóng dư luận. Dễ dàng nhận ra, phương thức truyền thông mà ông đang áp dụng chính là "gây bão trước giải thích sau".
Đó chính là những phát ngôn từng làm chao đảo chính trường của ông về chính sách đối với Mexico, nữ quyền, hay việc chống các tôn giáo khác...
Vị tỷ phú này không quan tâm người ta lên án hay ca tụng mình, ông chỉ hướng tới một mục đích duy nhất chính là hiệu ứng truyền thông.
"Cô học trò" ưa truyền thông mới: Hillary Clinton
Trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, hàng chục triệu người dõi theo nhất cử nhất động của bà Hillary Clinton trên mạng xã hội. Tính đến thời điểm hiện tại, số lượng người theo dõi của bà đã lên tới con số hơn 8 triệu người.
Có thể nói bà Hillary luôn chăm chút kĩ lưỡng cho từng sản phẩm truyền thông của mình.
Ngoài những bài phát biểu chất lượng, khẳng định được năng lực, đẳng cấp của một nhà ngoại giao tầm cỡ, bà còn rất chịu khó sử dụng các thiết kế đồ họa, video với kĩ xảo tinh tế để giúp khán giả có thể dễ dàng nắm bắt nội dung mà bà muốn truyền tải.
Lý giải theo cách của giáo sư Marshall McLuhan (1911-1980), bậc thầy trong lĩnh vực công nghiệp truyền thông, bà Hillary rất biết lợi dụng hình thức truyền thông với độ phân giải cao nhằm kích thích cảm quan của cử tri.
Chiến dịch truyền thông tốn kém này yêu cầu một đội ngũ chế tác hùng hậu và chuyên nghiệp đứng sau để hình ảnh của Hillary Clinton luôn thật hoàn hảo trước công chúng.
Nếu nhìn nhận một cách đơn giản, chúng ta đều cho rằng, người nắm bắt được những phương thức truyền thông hiện đại sẽ nắm trong tay cả thế giới.
Tuy nhiên đừng quên, Trump đã có nhiều năm "chinh chiến" trong lĩnh vực sản xuất chương trình truyền hình.
Xét về kinh nghiệm nắm bắt tâm lí khán giả có lẽ Hillary cũng chỉ là "cô học trò" của Trump.
Sức hút của Trump trên sóng truyền hình là không thể phủ nhận, ông không tham gia vào các cuộc tranh cãi nhưng lại khiến người xem bị cuốn vào những dòng dư luận.
Nếu xét từ góc độ này thì đây không phải cuộc chiến giữa phương thức truyền thông cũ và mới mà nó là cuộc chiến nắm bắt tâm lí con người cũng như những kinh nghiệm về truyền thông của hai ứng viên tổng thống Mỹ.
Do đó có thể thấy, phải đối đầu với một người dày dạn kinh nghiệm truyền thông như ông Trump nhưng bà Hillary cũng không chịu lép vế.
Bà đang tiếp tục tranh thủ lượng cử tri trung thành ủng hộ mình. Bà thường xuyên trích dẫn những quan điểm bảo thủ, cực đoan của ông Trump và công khai chế giễu những phát ngôn ngông cuồng và những chính sách thiếu thuyết phục của ông này.
Thậm chí để tranh thủ sự ủng hộ của kiều dân gốc Tây Ban Nha, cựu Ngọai trưởng Mỹ còn có những bài đăng và những dòng trạng thái bằng tiếng Tây Ban Nha.
Ứng viên Hillary Clinton tại đại hội toàn quốc đảng Dân chủ ở Philadelphia (Ảnh: AP)
Và có vẻ như những hành động này của bà Hillary đã mang lại hiệu quả. Theo khảo sát mới đây của CNN, bà Hillary đã vượt mặt ông Trump để dẫn đầu cuộc đua cho chiếc ghế ở Nhà Trắng.
Trước thông báo này của CNN, Trump cũng đã lập tức đưa ra phản pháo: "CNN chính là kênh truyền hình nhà Clinton".
Tuy nhiên cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn đang diễn ra vô cùng căng thẳng. Vận mệnh nước Mỹ nằm trong tay người dân Mỹ.
Đến thời điểm này những phân tích vấn đề truyền thông có lẽ cũng không còn mấy ý nghĩa bởi hiểu biết của cử tri Mỹ về 2 ứng viên này cũng đang dần bị bão hòa. Cả ông Trump và bà Hillary không còn quá nhiều thứ để truyền thông về bản thân mình.
Tại thời điểm này, những chính sách, những cam kết của hai ứng cử viên này mới chính là điểm then chốt để kêu gọi người dân ủng hộ cho họ.